Những ông tỉ phú thế giới thường đem tiền làm từ thiện chứ không để hết cho con. Lý lẽ của họ là, nếu con tôi giàu thì chúng không cần, còn nếu con tôi chưa giàu thì có tiền cho sẵn, chúng sẽ không có động lực cố gắng để kiếm tiền và thành công. Như vậy, theo các ông nhà giàu cỡ thế giới thì chẳng nên để tiền cho các con. Cho tiền chỉ làm hại con cái.
Điều các ông nói, giống như một sai lầm mà ở nước ta người ta đã sửa sai từ lâu. Khi đất nước mở cửa hội nhập, cha mẹ ở Việt Nam tá hỏa nhiều thứ lắm. Họ phải sửa sai những điều xưa nay “các cụ” dạy.
Ngày xưa các cụ nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã” bây giờ là sai. Người ta đi tứ phương, nhiều người bạn còn thân hơn bà con. Thậm chí bà con, anh em cha mẹ con cái bổ nhau chảy máu đầu, đem nhau ra tòa, muốn nhốt nhau vào tù chỉ vì tranh nhau mấy mét đất cạnh ruộng hoặc cạnh bờ tường nhà.
Hay là câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”, là các cụ sai lắm. Thử hỏi có anh đàn ông nào làm theo các cụ không, là đủ biết câu đó vào sọt rác lâu rồi. Từ hoa hậu xóm Cây Mít đến hoa hậu thế giới, đâu đâu cũng chết ngất vì các số đo. Có thi ứng xử cũng chỉ là thêm chút hiểu biết kiểu “em sẽ góp phần bảo vệ hòa bình thế giới”, chứ chẳng thấy cô nào thông minh nhưng thấp bé lại trúng bao giờ cả.
Chuyện không cho con tiền sai ở chỗ nào?
Thứ nhất là trẻ không biết tiêu tiền có hại ra sao, người ta đã đưa vào chuyện dạy kỹ năng quản lý tài chính biết chi tiêu cho trẻ con từ lâu rồi. Có đứa phải theo dõi chi tiêu, phải tính toán thu, chi để cân đối. Là vì bây giờ trẻ được đào tạo phải độc lập sớm, đi kiếm tiền sớm, lên kế hoạch chi tiêu.
Tóm lại, phải quen với tiền từ rất sớm. Cha mẹ phải cho con tiền và dạy con cách chi tiêu.
Cái sai thứ hai của “lời các ông Tây giàu” là ở chỗ, xã hội Việt Nam khác lắm các ông ơi!
Thí dụ ông Buffett nói không cho con tiền, nhưng con ông thế nào chứ? Một người làm thư ký cho… cha. Một người là điều hành cả một tập đoàn lớn, đi lại bằng… máy bay phản lực cho nhanh. Một phút của họ là vàng bạc cả. Một người đam mê trồng trọt thì có cả trang trại hoành tráng, còn người đam mê âm nhạc thì lại xây dựng được hẳn một công ty về nhạc.
Còn con cái ở Việt Nam thì sao? Thôi gạt ra ngoài không bàn những đứa con mất dạy kiện tụng tranh chấp hay là bạc đãi đuổi đánh cha mẹ (những đứa này khá nhiều, nhưng thôi không nói ở đây. Nói thì phải lên án, đạo lý dài dòng lắm). Ở đây chỉ nói những đứa con nghèo khổ. Nhiều khi số tiền cha mẹ để lại cho là khởi điểm cho chúng lập nên sự nghiệp, là điều may mắn trong đời.
Tất nhiên có đứa được thừa hưởng gia tài rồi ăn chơi vung vít phá tan cơ nghiệp trở về tay trắng. Nhưng số này ít thôi. Con cái cũng khôn lên nhiều rồi. Chúng lo làm ăn, đầu tư, bảo tồn và làm tăng lên khối tài sản cha mẹ để lại. Thế chẳng đáng để tiền cho con sao?
Con cái mà không cho, thiên hạ còn cười còn oán là không thương con đó, một vết nhơ đó chứ hay ho gì! Làm cha mẹ mà không thương con thì còn lỗi nào lớn hơn?
Xứ ta, đến bà ve chai, ông xích lô trúng số, nhặt được tiền, mà người tứ xứ đến chật nhà ngồi đợi… xin tiền kia kìa. Người dưng còn phải cho, con cái mình sao nói không cho được?
Vậy là rõ nhé. Các ông tỉ phú nói sai hết. Nói cách khác, chỉ nói đúng ở xứ ông, còn ở Việt Nam thì không được rồi ông ơi! Làm thế con cháu chúng oán muôn đời (dù có nhiều người con thương cha mẹ quá nghèo không có gì để lại cho con).
Một nghiên cứu xã hội ở nước ngoài cho ra kết quả, “không có người con nào không có điều oán cha mẹ” (có cả đứa oán vì cha mẹ để lại lý lịch xấu nữa, chứ chẳng riêng chuyện tiền).
Nhưng có lẽ phải thêm vào cái kết luận nghiên cứu đó mới đủ, thêm thế này: “Không người con nào không có điều oán cha mẹ… Nhưng chắc chắn khi nghĩ về cha mẹ, không có người con nào lại không có điều ân hận”.
Quảng Yên (DNSGCT)