Đó là tâm sự của nghệ sĩ đàn tranh Vanessa Võ Vân Ánh, người được đề cử Oscar cho nhạc nền bộ phim “Daughter of Danang (Người con gái Đà Nẵng)”.
Mới đây, chị đã tổ chức đêm nhạc gây quỹ Music Bridge – Under 25 (Quỹ âm nhạc và văn hóa dân tộc) dành cho việc phát triển các tài năng nhạc cụ dân tộc.
Thờ ơ, thiếu nghiêm túc
Nguyên nhân nào khiến chị tổ chức liên tiếp các đêm nhạc Music Bridge trong năm nay?
Theo tôi, việc bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam chỉ dựa vào tính độc lập của mỗi cá nhân là việc rất khó. Mục đích chính của Music Bridge là tổ chức các cuộc thi sáng tác trên chính cây đàn dân tộc.
Có thể là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, có thể là các thành phần không chuyên có cùng đam mê. Tất nhiên, phải có sự động viên đến từ vật chất, không ai uống nước suông mà chơi đàn cả ngày được.
Tôi tin nếu có lòng với nhạc dân tộc, mỗi người sẽ tìm thấy sự đóng góp thích hợp của mình. Music Bridge đơn giản chỉ là sự kết nối những tâm hồn đồng điệu với nhau trong âm nhạc.
Chị từng chia sẻ “chưa thấy nghệ nhân ở đâu khổ như nước mình”, liệu có chuyện số tiền thu được từ việc gây quỹ này sẽ cải thiện suy nghĩ ấy?
Tôi nói thật, không tiền nào có thể mua được tài năng của những nghệ nhân, những người cả cuộc đời họ cống hiến cho nghệ thuật chân chính.
20 năm chơi đàn, chỉ là nghệ sĩ mà tôi đã thấy sự vất vả, khắc nghiệt của nghệ thuật rồi. Huống gì những nghệ nhân, họ đã phải đánh đổi cả cuộc đời mình, không chỉ tài năng mà còn là thái độ đối với âm nhạc. Cẩn trọng, nhẫn nại và say mê.
Khổ nỗi, những thế hệ nghệ nhân đang đứng trước bờ vực của sự “tuyệt chủng”. Mất họ, chúng ta không chỉ mất đi những tài năng, mà là mất đi cả một kho tàng âm nhạc cổ xưa, mãi mãi không thể tìm lại.
Cách bảo tồn nhạc cổ của Việt Nam đang rất có vấn đề. Khoan bàn đến vật chất, hãy nói đến thái độ của chúng ta trước những “của hiếm” này đã. Nhiều chuyên gia nước ngoài có lòng với cổ nhạc Việt Nam, được mời sang đây đã rất ngạc nhiên khi thấy thái độ của một số nhà quản lý trước cổ nhạc của Việt Nam. Thờ ờ và thiếu nghiêm túc.
Tinh thần và vật chất
Và sự “thờ ơ thiếu nghiêm túc” ấy buộc chị tổ chức Music Bridge nhằm tạo ra khởi đầu khác cho các nghệ sĩ trẻ?
Võ Vân Ánh là nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng thế giới. Năm 1995, Vân Ánh đoạt giải nhất Cuộc thi Đàn tranh Quốc gia Việt Nam, đồng thời đoạt giải đặc biệt về biểu diễn độc tấu nhạc dân tộc cải biên. Những tác phẩm lớn của Võ Vân Ánh bao gồm nhạc nền cho phim tư liệu “Bolinao 52”, giải thưởng Emmy năm 2009; nhạc nền cho phim “Daughter of Danang” nhận đề cử Oscar năm 2003 cho hạng mục Nhạc phim xuất sắc và được chọn tham gia giải Academy Awards năm 2003. Hiện Võ Vân Ánh đang định cư và phát triển sự nghiệp tại San Francisco (Mỹ). |
Những khó khăn ban đầu của tôi có người chia sẻ. Ở Mỹ, tôi gặp được những người có cùng đam mê với mình, hỗ trợ mình. Được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ nổi tiếng và có tâm huyết với nhạc cụ Việt Nam như Frank Martin, Charles Loos và nhóm tứ tấu cổ điển nổi tiếng nhất thế giới Kronos Quartet.
Từ những bài học của bản thân, tôi thấy nghệ sĩ có đam mê thì mới là điều kiện cần. Muốn họ tỏa sáng phải có hành trang cả tinh thần lẫn vật chất. Việc này cũng giống như một vòng tuần hoàn, tôi hi vọng sau này, sẽ có nhiều “Vân Ánh” tiếp tục đảm nhiệm công việc của tôi hiện tại.
Nhiều người nói tôi quá tham khi đi “vác tù và hàng tổng”. Nhưng suy cho cùng, nghệ sĩ trẻ vẫn bị bỏ rơi, bơ vơ và tội nghiệp nên tôi phải tiếp tục công việc dở hâm, dở tham.
Nguyên nhân vì sao? Khán giả nhạc dân tộc đang thờ ơ hay do chính nghệ sĩ?
Nhiều nguyên do lắm. Nhạc cổ truyền dân tộc mang thể lập trình rất khác so với cuộc sống thường ngày. Hơn nữa, trong môi trường quốc tế hóa như hiện nay thì có thể xem nhạc dân tộc đang đi chậm hơn âm nhạc đương đại.
Nghệ sĩ ở mình vẫn chưa thực sự đầu tư đúng hướng vào con đường âm nhạc của bản thân. Họ có quá nhiều mối lo cơm áo gạo tiền để rồi đánh mất tiếng nhạc của mình vào những quán cóc rẻ tiền.
Đây là sự lãng phí văn hóa rất lớn mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Không có một không gian âm nhạc ra hồn để người nghệ sĩ “cháy” hết mình trên sân khấu thì làm sao khán giả đam mê cho được.
Nhưng như chị nói, cái gì riêng lẻ thì rất khó phát triển mà phải cần những chính sách nhất định?
Mình đã chia sẻ dự án này với một số cơ quan như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nhạc viện Sài Gòn, Nhà hát Lớn Hà Nội… và đều nhận được sự ủng hộ và quan tâm. Nhưng chỉ là về… tinh thần.
Lúc mới về nước, mình đặt khá nhiều hi vọng từ các cơ quan này về việc hỗ trợ chi phí, nhưng đã qua ba lần tổ chức thì đến giờ này phải dùng từ “vô vọng”. Câu trả lời quen thuộc là không có “hạng mục” nào dành cho những dự án như thế này.
Xin cảm ơn chị!