Trong khi bạo lực học đường ngày càng gia tăng thì việc dạy con nên làm thế nào để đối phó là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu. Nhiều người khi được hỏi thì cho rằng: Trong thế bí cứ phải dạy con “đánh trả” trước rồi… tính sau.
Dạy con đánh trả
Gần đây, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ một đoạn clip dài 46 giây ghi lại cảnh một ông bố dạy con nhỏ đánh lại bạn trong trường mầm non.
Trong đoạn clip này, người bố trẻ dạy cô con gái chỉ khoảng 3 tuổi của mình cách đánh trả bạn trong trường hợp bị bắt nạt. Người bố liên tục “dạy” con bằng những từ ngữ bạo lực: “Giật tóc thế nào, đấm, mạnh lên, đấm nhẹ thế… Đúng rồi, túm tóc… cắn”. Phụ họa đắc lực cho hai cha con, người mẹ vừa quay clip vừa xen vào nhắc con, vừa đánh thì phải “nói thế nào?”. Với một đứa trẻ mới chỉ 3 tuổi, trong hoàn cảnh này thật đáng thương. Nhiều phụ huynh khi xem clip này đã không khỏi bức xúc cho rằng: Cách dạy con như vậy thì khác nào… hại con.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
Ở một bối cảnh khác, sự việc xảy ra vào ngày 6-3-2015 tại lớp 6B, Trường THCS Liên Hồng (Đan Phượng, Hà Nội). Vì nghi ngờ các bạn nam lấy tiền của con gái mình, một phụ huynh đã đến tận trường để “xử lý” các bạn thay con. Người đàn ông này đã liên tiếp đánh vào đầu và mặt khiến 3 em học sinh bị thương tích. Không dừng lại ở đó, phụ huynh này tiếp tục bắt 10 em học sinh nam trong lớp đi xuống phòng bảo vệ rồi yêu cầu các em đứng yên để con gái mình tát từng em một.
Thông tin trên đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ về cách hành xử của phụ huynh này. Nhưng ở một góc độ khác cho thấy nhiều bậc phụ huynh thực sự “bế tắc”. Chính họ cũng đang lúng túng khi không biết nên dạy con ứng xử thế nào cho phải khi con bị hành hung.
Thực tế thì không phải từ hai câu chuyện trên vấn đề dạy con ứng xử với bạo lực mới được đề cập. Mà khi liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra trên khắp mọi miền với tần suất dày đặc đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Thành (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) cho rằng: Học sinh thời nay không giống như trước, chỉ cần một cái liếc mắt cũng có thể thành nhìn đểu dẫn đến đánh nhau. Nên có con trong độ tuổi hiếu động này, tôi vô cùng lo lắng. Không còn cách nào khác là tôi phải dạy con cách tự bảo vệ mình. Tôi cho con đi học các kỹ năng mềm, đặc biệt là học võ để… tự bảo vệ mình. Nói thực sự là con mà bị đánh thì ai chẳng xót xa, ngay bản thân mình cũng khó mà kìm chế.
Không hiền lành như các bà mẹ, anh Phan Trọng Hiển (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Mình không cổ xúy con dùng bạo lực, nhưng trong trường hợp bất ngờ bị đánh thì con phải biết đánh lại trước, chứ đợi báo thầy cô giáo hay gọi bố mẹ đến thì con mình chắc no đòn rồi. Tất nhiên mình cũng dặn con là phải biết lượng sức mình, tùy cơ ứng biến”.
Đúng nhưng chưa đủ
Không thể phủ nhận nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do tác động từ hai phía là nhà trường và phụ huynh, nhất là thời điểm trẻ đang ở độ tuổi hình thành nhân cách. Nhưng một vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận, trong khi giáo dục hiện nay của các trường chỉ thiên về giáo dục kiến thức, xem nhẹ giáo dục nhân cách hoặc những tiết giảng đạo đức vẫn mang nặng về lý thuyết, không thiết thực thì chính các bậc phụ huynh cũng có những quan điểm sai lầm, dẫn đến hành xử không đúng mực. Rồi đến khi cần trang bị kỹ năng cho con thì nhiều phụ huynh lại chỉ chú trọng dạy con kỹ năng tự vệ.
Cha mẹ dạy kỹ năng mềm cho trẻ
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì: Trang bị kỹ năng tự vệ cho con là đúng nhưng chưa đủ. Bởi việc tự vệ vẫn chỉ là đặt con ở thế bị động khi bị người khác tấn công. Cái chính là làm sao để trẻ chủ động lường được trước tình huống và tránh xa hiểm nguy mới chính là vấn đề mà phụ huynh cần lưu tâm. Về vấn đề dạy con biết cách tự bảo vệ mình là điều rất nên làm. Tuy nhiên phải có bài bản bởi việc nhận thức về hành vi bạo lực là không hề dễ dàng khi đầu óc trẻ thường nghĩ đơn giản, hoặc chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, nhất là trong hoàn cảnh một câu nói đùa, một cái nhìn không đủ thiện cảm… cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng như hiện nay.
Vậy nên bài học đầu tiên mà các bậc phụ huynh nên dạy con cái mình, đó là, ra ngoài phải cẩn trọng trong lối sống của mình. Ở đây phụ huynh phải dạy con từ lời ăn tiếng nói, cách sống hòa nhã không gây sự với người khác, không kết bè phái, gặp ẩu đả thì nên tránh xa… Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên làm bạn của con mình, chia sẻ cho con hiểu được rằng, nếu có sự việc không hay nào đó xảy ra với bản thân thì thái độ cam chịu và giấu giếm không phải là hướng giải quyết tốt. Một điển hình mới đây nhất là trường hợp một nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng chỉ vì lý do không nghe lời lớp trưởng.
Sự việc diễn ra từ tháng 1-2015 mà đến tận tháng 3, khi clip được tung lên mạng, truyền thông đưa tin tận nơi thì nhà trường và gia đình nạn nhân mới biết. Điều đó chứng tỏ, gia đình thiếu quan tâm sâu sát đến con em mình. Song song với đó thì nữ sinh này cũng có thái độ “giấu nhẹm” không cho người thân và thầy cô biết mình bị hành hung. Đây là hành động nguy hiểm! Điều đó cho thấy bản thân nữ sinh ấy đã không có sự lựa chọn đúng đắn, thông minh để tự bảo vệ mình.
Trong trường hợp này, nếu người lớn trang bị cho em những kiến thức cần thiết, cung cấp những giải pháp giải quyết trong từng trường hợp thì chắc chắn nữ sinh này sẽ không phải sống trong hoảng loạn, sợ hãi trong suốt thời gian dài như vậy.
Vậy nên việc quan tâm, chia sẻ với con cái để nắm bắt tâm lý của các con bằng cách thường xuyên giao tiếp và đặt vấn đề bạo lực bằng những tình huống cụ thể rồi cùng con tìm cách giải quyết là tốt nhất. Đồng thời phụ huynh cũng cần giáo dục cho con tính tự lập từ hành động đến suy nghĩ, tạo cho con em mình sự tự tin, tự chủ để tự giải quyết công việc của mình.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường thì vấn đề xử lý pháp luật đối với phụ huynh học sinh cũng là điều cần thiết.
Về vấn đề này TS Nguyễn Tùng Lâm nói: “Hiện nhiều nước phương Tây đã áp dụng quy định con em gây lộn, đánh nhau thì phụ huynh phải chịu trách nhiệm vào luật. Khi đó, trẻ trong độ tuổi vị thành niên tham gia đánh nhau, hành hung bạn bè thì cha mẹ là người chịu sự trừng phạt của pháp luật bằng xử phạt hành chính, thậm chí là giam giữ tùy thuộc vào mức độ. Thế nhưng, tại Việt Nam, khi học sinh đánh nhau thường là chịu kỷ luật của trường dưới hình thức nhắc nhở. Thực tế, hiện trong Luật Gia đình ở nước ta, quy định về chịu trách nhiệm đối với con cái nhưng còn rất chung chung. Tôi thấy Việt Nam cần phải học tập các nước tiên tiến, kiểm soát mọi hành vi của trẻ vị thành niên thông qua cha mẹ. Tức là cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm theo những điều luật cụ thể”.
Ngoài ra, để trẻ hiểu rõ được tác hại của bạo lực thì cha mẹ phải xây dựng được môi trường có lối sống lành mạnh ngay trong chính cuộc sống thường nhật. Và phụ huynh cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật để làm tâm gương cho các con.
Huyền Anh
Theo báo Năng Lượng Mới