Ở nhà một mình, các cháu không chỉ có nguy cơ mắc bệnh sinh lý mà về tâm lý cũng rất nhiều nguy cơ như thiếu kỹ năng giao tiếp…
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2010, tại Hồng Kông đã có 2 vụ trẻ nhỏ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất. Theo số liệu thống kê từ các thành phố Toronto, Ontario ở Canada, từ năm 1999 – 2006 có 50 trẻ bị rơi từ cửa sổ hoặc ban công, trong đó 9 trẻ tử vong, 18 trẻ bị thương nặng và 23 trẻ thương nhẹ. Theo Luật Trẻ em và Thanh thiếu niên của Anh ban hành năm 1993, các bậc cha mẹ ở xứ sở sương mù có thể bị kết tội cố ý sao lãng bổn phận nếu để con trẻ ở tình trạng không giám sát và ở tình huống có thể gây ra những chấn thương hoặc tử vong cho trẻ. Mức phạt dành cho tội này ở mức phạt tiền cho tới bị tù giam 10 năm. Tuy nhiên luật này không quy định rõ cấm để trẻ em dưới bao nhiêu tuổi ở nhà một mình. Một luật tương tự cũng được Scotland áp dụng từ năm 1937. Tại các nước tiên tiến khác như Đức, Pháp, Italia… các bậc cha mẹ để con nhỏ ở nhà một mình cũng sẽ bị cảnh sát bắt giữ và xử lý vi phạm.
Theo Trung tâm Thông tin chăm sóc trẻ em Quốc gia Mỹ, nước này áp dụng lệnh cấm để trẻ em dưới 12 tuổi một mình trong nhà, căn hộ khóa cửa. Người nào vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền từ 500USD trở lên hoặc bỏ tù tối thiểu 30 ngày. Trong khi đó, bang Illinos quy định chỉ có trẻ em trên 14 tuổi, có khả năng tự chăm sóc bản thân mới được ở nhà một mình. Chính phủ Mỹ cũng thường xuyên mở những đợt chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ người bị ngã từ cửa sổ, ban công và lan can. Theo đó, những nhân viên tham gia chiến dịch sẽ tuyên truyền thông tin và cách phòng tránh cho người dân bằng cách gửi thư điện tử hàng tuần, đăng tải thông tin trên website của các tổ chức an toàn, trên trang xã hội facebook và in tờ rơi phân phát tới tận các nhà dân. Người dân có thể gọi điện tới đường dây nóng để tham khảo cách lắp đặt cửa sổ, xây dựng ban công và lan can sao cho an toàn.
Những thông tin trên cho thấy nguy cơ khi trẻ ở nhà một mình chủ yếu được quan tâm ở khía cạnh an toàn tính mạng do những tai nạn nhà chung cư… Nhưng có một nguy cơ mà luật chưa chạm tới, nó có vẻ rất vô hình, nhưng hậu quả không thể xem thường. Đó là sự bất ổn về tinh thần trẻ cũng như sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Trước tiên là sự thiếu hụt dinh dưỡng giúp cơ thể phát triển bình thường khỏe mạnh như thiếu ô xy do suốt ngày ngồi trong nhà chung cư, bật máy điều hòa, thiếu vitamin D do cớm nắng là nguyên nhân gây ra căn bệnh còi xương… Chỉ có ti vi và máy tính để làm bạn, các em còn có thể mắc nhiều bệnh về mắt, về cột sống, bệnh béo phì…
Ở nhà một mình, các cháu không chỉ có nguy cơ mắc bệnh sinh lý mà về tâm lý cũng rất nhiều nguy cơ: thiếu kĩ năng giao tiếp, không biết quan tâm tới người khác… Trầm trọng hơn, bệnh tự kỉ đang là một vấn đề gia đình, nhà trường và xã hội phải đối mặt. Có em đi học lớp 1 rồi nhưng trong giờ học thỉnh thoảng giơ tay: “Thưa cô cho em đi ỉa”. Khi đánh bạn, cô giáo nhắc nhở, em chỉ biết nói một câu cụt lủn: “Quên!”. Sợ đến chỗ đông người, thích một mình quanh quẩn trong phòng, lóng ngóng trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân… là những chứng bệnh trẻ em sống ở đô thị, trong chung cư đang mắc phải ngày một nhiều, do thường xuyên ở nhà một mình.
Cha mẹ làm gì để chuẩn bị cho con cái ở nhà một mình?
Đã có rất nhiều khuyến cáo cho các bậc cha mẹ về việc để con ở nhà một mình. Như phải xem xét đến khả năng của con cái và lắng nghe phản ứng của chúng, sự an toàn của môi trường xung quanh, hướng dẫn các kĩ năng cần thiết trong những tình huống có thể xảy ra, tính toán khoảng thời gian để con cái ở nhà một mình,… Tuy nhiên, việc chuẩn bị các kiến thức này cho phụ huynh vẫn có xu hướng thiên về sự phòng chống những nguy cơ thiếu an toàn về tính mạng. Còn nguy cơ như trên đã nói, các khuyến cáo trên chưa chú ý quan tâm.
Thiết nghĩ, hạn chế tối đa việc để trẻ em ở nhà một mình là nguyên tắc đầu tiên cha mẹ nên nhớ. Trong tình huống không thể khắc phục được, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ một số giải pháp phòng bị từ xa như sau:
Dạy trẻ biết lắng nghe, cảm nhận cơ thể mình và biết thể hiện những cảm nhận đó với cha mẹ và người xung quanh. Đây là một việc khó khăn, công phu từ khi trẻ lọt lòng. Trò chuyện, giao tiếp hàng ngày với trẻ là cách thức cơ bản và quan trọng để làm được điều này.
Dạy trẻ biết tự lập và tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày: biết chăm sóc bản thân, sử dụng các đồ dùng an toàn với cháy nổ, điện, nước, lửa… để phục vụ những nhu cầu thiết yếu. Thực tế nhiều trẻ học lớp 1 vẫn chưa biết tự đi “vũ trụ”, chưa biết lấy nước ấm để uống vào mùa đông, biết thay áo quần khi trời quá nóng…
children room decor ideas 10 560×742 Khi trẻ em ở nhà một mình
Hạn chế tối đa việc để trẻ em ở nhà một mình là nguyên tắc đầu tiên cha mẹ cần nên nhớ.
Dạy trẻ sử dụng điện thoại cố định, di động khi cần thiết: việc cho con vào lớp 1 mang điện thoại di động để gọi yêu cầu sự trợ giúp đang là vấn đề cha mẹ lúng túng, băn khoăn. Nhà trường và các thầy cô giáo nên tùy địa bàn trường học, tùy điều kiện cụ thể để có những quy định về việc sử dụng thiết bị di động phù hợp với nhu cầu.
Dạy trẻ biết tự chơi, tiến tới tự đọc sách, tự học là cách để trẻ em nếu phải ở nhà một mình cũng vẫn biết cách giao tiếp với thế giới qua sách vở… Trẻ cần được cha mẹ tư vấn các kênh truyền hình, các địa chỉ trang web phù hợp với lứa tuổi, biết chọn sách để đọc, biết xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi cho bản thân. Trẻ tránh rơi vào buồn chán, vô vị, và quan trọng hơn là khi các em vắng cha mẹ nhưng vẫn phát triển được trí tuệ, cảm xúc, kĩ năng cần thiết một cách có định hướng.
Tạo điều kiện cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời là cách tốt nhất để cân bằng trạng thái tâm sinh lý trẻ em sau những thời gian ở nhà một mình. Các trò chơi thể thao như bóng đá, đá cầu, trượt pa-tanh, trượt cỏ, bơi lội, leo núi… hoặc dã ngoại, tham quan, điền dã… giúp các em được vận động nâng cao thể lực, tránh các bệnh béo phì, vẹo cột sống, còi xương… Các em biết cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, hiểu biết về thế giới xung quanh, biết giao tiếp với cộng đồng. Hoạt động ngoài trời tránh được việc cả ngày các em chỉ biết bật tivi, dán mắt vào màn hình hoặc chỉ biết làm bạn với các nhân vật trong hoạt hình, rất nhanh nhạy với các trò giải trí điện tử nhưng chậm chạp với các hoạt động chân tay và các ứng xử trong đời sống thường nhật.
Cuối cùng, dạy trẻ có kĩ năng ứng phó với các nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của việc phải ở nhà một mình. Đọc các thông tin hoặc trò chuyện về các tình huống xấu có thể xảy ra khi các em một mình ở nhà; hỏi đáp về cách xử lý nếu rơi vào tình huống đó… Cần thiết, cha mẹ có thể cho các em thực hành để rèn phản ứng nhanh nhạy và thái độ chủ động, bình tĩnh khi có tình huống xấu.
Trong tất cả những giải pháp được chia sẻ trên đây, sự quan tâm, thường xuyên trò chuyện với con trẻ về mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ là chìa khóa của sự thành công. Thế giới mỗi ngày một rộng mở trước mắt trẻ, làm sao cho các em thấy mình không nhỏ bé, choáng ngợp, cô đơn trong thế giới ấy; làm sao cho các em thấy tự tin, vững vàng để hòa nhập mà không hòa tan, là trách nhiệm trước tiên của bậc làm cha làm mẹ và là cứu cánh của bất kỳ nền giáo dục tiên tiến nào.
Nguồn: Phạm Thị Huệ/ Tạp chí Thời Trang Trẻ