Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Lẽ ra hiếu thảo chỉ dành cho người thế tục, còn người xuất gia phải lo việc cao siêu hơn là độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân sanh tử. Thế nhưng, ngài Mục Kiền Liên tuy đã chứng quả A-la-hán vẫn nhớ đến người mẹ ngày xưa chưa biết đạo đức, muốn cứu mẹ thoát khỏi cảnh thống khổ. Bởi vậy ngài được nhân gian xưng tán là Đại hiếu Mục Kiền Liên, một gương hạnh tu hành đầy đủ công đức và thâm đạt đạo lý siêu thoát.
Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ
Vu lan là ngày tưởng nhớ Đức Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy làm lễ cứu độ vong linh mẹ thoát kiếp ngạ quỷ khổ đau. Chúng ta là con Phật cũng noi gương ấy, cố gắng siêng năng tu tập, hướng nguyện công đức về cho song thân đã quá cố hay còn hiện đời được nhiều lợi lạc. Trong nhà Phật đặt nặng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đây cũng là ý nghĩa vô cùng cao quý của mùa Báo hiếu.
Tình thương của con đối với cha mẹ hoặc cha mẹ đối với con không phải bổn phận bắt buộc. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó từ thuở nào, không thể dùng lời diễn tả hoặc dùng hình ảnh tầm thường phô diễn được. Trong kinh Phật dạy, giả sử có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ trải qua một thời gian rất dài, dù cha mẹ đại tiểu tiện trên lưng cũng chưa đủ đền đáp công ơn trời biển. Tại sao? Hình hài chúng ta có được từ máu huyết, tế bào của cha mẹ. Nó là của cha mẹ tạo nên, dùng nó để đền đáp lại công ơn cha mẹ chẳng biết bao nhiêu mới đủ.
Cha mẹ sanh ra chúng ta, thân này là của phụ mẫu, cho nên cha mẹ có quyền sử dụng. Huống nữa cha mẹ còn phải nuôi dưỡng, lo lắng cho ta từ thuở nằm nôi đến ngày lớn khôn. Bao nhiêu công lao cực khổ nhọc nhằn cha mẹ đều dồn hết cho con. Song thân vừa lo làm lụng để có cơm áo gạo tiền, vừa lo ứng xử với xã hội để gia đình được bình an hạnh phúc, vậy mà không bao giờ cha mẹ than phiền hay trách móc. Đi đâu làm gì đều trông ngóng về con, thấy con mạnh khỏe là mừng, thấy con chạy chơi là vui. Nếu về nhà thấy con nằm bệnh hoặc buồn, cha mẹ xót xa đau nhói trong lòng. Ân đức đó thật thâm sâu, khó có thể báo đền!
Nhiều lúc vì quá thương con mà cha mẹ quên đi sự hôi hám, nhọc nhằn. Dù con có đại tiểu tiện trên mình cũng không thấy nhờm gớm, chấp nhận hết mọi khó khổ để con được bình an mạnh khỏe. Cha mẹ giữ gìn con bằng cách nào thì phận làm con cũng phải đối lại với cha mẹ sao cho xứng hợp. Nghĩ đến sự hy sinh tột cùng của cha mẹ mà không dám lơ đễnh. Dù người xuất gia hay tại gia phải luôn khắc cốt ghi tâm điều này.
Tình thương cha mẹ dành cho con đâu phải vì bổn phận, nó xuất phát từ đáy lòng chân thật, vượt lên trên tất cả. Một Phật tử kể, hồi nhỏ cha cô mất sớm chỉ còn mẹ. Mẹ lúc nào cũng cưng chìu, thương yêu chăm sóc cô. Cô thích ăn cơm nạc, không ưa ăn cơm cháy, mẹ thấy vậy nói “mẹ thích ăn cơm cháy”. Vì nhường cho con mà nói khác đi, chứ sự thật đâu phải mẹ ưa cơm cháy. Tấm lòng cha mẹ đối với con thật vô bờ bến, sự hy sinh này không sao tính kể được.
Bởi lẽ đó, lòng kính thương cha mẹ của con không thể bắt buộc theo bổn phận, luân lý, mà nhuận thấm trong tim gan máu thịt. Từng tế bào, từng giọt máu của chúng ta đều từ cha mẹ mà ra, nên tình thương đó là huyết thống chớ không phải bình thường. Đằng sau sự trưởng thành của con có biết bao hy sinh khổ nhọc, quên ăn bỏ ngủ của cha mẹ. Nhiều khi con bệnh, cha mẹ phải chạy bán nhà bán ruộng, quên cả thân mình vì lo cho con. Thật không ngôn từ nào có thể phô diễn hết. Người làm con phải khắc ghi và đền đáp sao cho xứng đáng với hai chữ hiếu thảo.
Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, dùng thiên nhãn thấy mẹ sinh trong kiếp quỷ đói nên đem cơm đến dâng cho mẹ. Vì nghiệp nhân của bà quá nặng nên cơm vừa để vào miệng liền biến thành than đỏ. Trước cảnh ngộ đó ngài rất đau lòng, trở về tinh xá bạch Phật cầu chỉ dạy. Người đã đắc đạo còn thương mẹ thiết tha như thế, huống nữa chúng ta đang sống chung với song thân lại dám bỏ bê sao?
Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên, đến ngày rằm tháng Bảy cũng là ngày Tự tứ của chư vị Thánh chúng nên thiết lễ cúng dường trai tăng. Nhờ sức chú nguyện và lực gia trì của chư vị Thánh chúng giúp mẹ ngài chuyển đổi tâm ác, thoát kiếp ngạ quỷ. Vâng lời Phật dạy, ngài Mục Kiền Liên đã dùng hết khả năng và tâm thành hiếu thảo của mình thiết lễ cúng dường. Kết quả mẹ ngài được sanh lên cõi trời, nên ngày này được gọi là ngày xá tội vong nhân. Phật tử học hạnh hiếu thảo phải bắt chước gương hạnh ngài Mục Kiền Liên, ngõ hầu đền đáp phần nào công ơn cha mẹ. Nếu song thân đã quá cố được sanh về cõi lành, còn hiện đời được nhiều phúc lạc, tăng trưởng tuổi thọ và thiện căn.
Ngày nay với lòng kính tin Tam bảo và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, năm nào đến mùa Vu lan Phật tử cũng sắm đủ phẩm vật cúng dường. Nhờ sức gia trì của Tam bảo và sức chú nguyện của Tăng Ni mong cứu thoát tội khổ cho cha mẹ. Sự thực ngày xưa ngài Mục Kiền Liên làm lễ có các bậc Thánh tăng chứng dự gia hộ. Ngày nay người thọ lãnh chỉ là phàm tăng, như vậy sự hiệu nghiệm và kết quả e rằng không được viên mãn như sở cầu của quý vị. Lẽ ra chúng tôi không nên khuyến khích Phật tử đến chùa cúng lễ vào ngày rằm tháng Bảy mà tại sao chúng tôi vẫn làm? Việc cầu mong tuy chưa hẳn được như ý nguyện, nhưng một ngày một giờ người con biết hồi tâm nhớ đến cha mẹ là đang sống với tâm chân thành, lương thiện và hiếu thảo.
Trong kinh Phật dạy, không tội lỗi nào lớn bằng tội bất hiếu, không phước đức nào lớn hơn phước hiếu thảo. Dù chỉ một giờ chúng ta tưởng nhớ cha mẹ là một giờ có phước đức. Hàng năm chúng tôi đều nhắc tới nhắc lui ân đức của cha mẹ trong ngày lễ Vu lan để gợi lại lòng hiếu thảo cho quý Phật tử. Trong cuộc đời này, cha mẹ là người có công lớn nhất đối với chúng ta. Nếu chúng ta bội bạc thì không còn ai để mình đối xử tốt hơn được. Người có đạo đức phải bắt đầu từ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Biết báo đáp công người đã hy sinh cho mình, từ đó mới có tâm từ thương xót mọi người xung quanh, dần dần lan rộng ra tới cộng đồng, xã hội.
Đạo đức phát nguồn từ lòng hiếu thảo, người không hiếu thảo khó có đạo đức. Phật tử tuy cúng dường chư Tăng Ni còn phàm tục, chưa đáp ứng đủ tâm nguyện như sở cầu, nhưng với lòng hiếu thảo phát tâm làm việc lành, thiện nghiệp của quý vị đã tăng trưởng. Điều đáng quý nhất là đối với cha mẹ hiện đời, quý vị biết thương nhớ và đem hết tâm chân thành cung kính báo đáp. Nếu cha mẹ đã quá cố cũng đem lòng thành làm những việc thiện lành hồi hướng cho họ được siêu thoát. Đó là ý nghĩa thiết thực của mùa Báo hiếu.
Nguồn: HT.Thích Thanh Từ/ Giác Ngộ
https://giacngo.vn/phathoc/2019/08/11/7EE0C1/