Thông tin từ khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mĩ (Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) cho biết, lại thêm một ca biến chứng do tiêm chất filler làm đầy mũi tại cơ sở thẩm mỹ chui.
BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mĩ (Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) cho biết, không chỉ trường hợp này mà trong tuần vừa qua có cả thảy 4 trường hợp bị biến chứng do làm đẹp như tiêm chất làm đầy, làm trắng da… Trong đó có một trường hợp là một người mẫu chuyên bán hàng trên mạng bị biến chứng do tiêm chất làm đầy vào mũi và một trường hợp tiêm silicon vào vùng mông.
Ảnh minh họa |
Nạn nhập viện trong tình trạng da xung quanh mũi và mắt sưng đỏ và chuyển tím bầm. Bệnh nhân 19 tuổi cho biết vùng mũi vô cùng đau nhức. Trước đó, được bạn giới thiệu, cô đến cơ sở thẩm mỹ ở chung cư quận 4, TP.HCM. Tại đây, cô được một nhân viên nam khoảng 20 tuổi chích khoảng 1,5ml chất nước được gọi là chất làm đầy vào vùng mũi. Sau tiêm, nữ sinh không thấy triệu chứng bất thường nên ra về. Sau đó một ngày, vùng mũi tê nhức và khu vực quanh mũi, mắt bị sưng đỏ rồi dần chuyển sang tím bầm. Bệnh nhân vội quay lại cơ sở thẩm mỹ trên và được họ chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị biến chứng.
Bệnh nhân được điều trị kháng viêm, kháng sinh, giảm đau. Hiện tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định, còn thâm tím nhẹ vùng mũi. May mắn khu vực nhiễm trùng chưa gây biến chứng vào mắt.
BS. Khanh chia sẻ, tháng nào khoa cũng buộc phải tiếp nhận khắc phục tình trạng nhan sắc bị hủy hoại vì làm đẹp thất bại tại các cơ sở thẩm mỹ không giấy phép. Sau mỗi ca, chúng tôi luôn nhờ truyền thông lên tiếng nhằm nhắc nhở những ai muốn làm đẹp thì nên tìm hiểu kỹ cơ sở có uy tín và phải biết chất được bơm vào cơ thể mình là chất gì, có được công nhận hay không để tránh các trường hợp đáng tiếc phải tìm đến bệnh viện “sửa sai”.
BS. Khanh nhấn mạnh, biến chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng. Việc tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ không chuyên nghiệp hoặc các cơ sở làm chui có khả năng bị nhiễm trùng do quy trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong. Ngoài ra, cũng như tất cả các loại dược phẩm khác, chất làm đầy được bơm vào để xóa nếp nhăn cũng có thể có nguy cơ gây phản ứng sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Bác sĩ da liễu Quỳnh Anh (Phòng khám Thẩm mỹ Da Sian, quận 1, TP.HCM) chia sẻ, các tổn thương thường gặp khi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc hoặc do kỹ thuật viên không được đào tạo đúng, nặng nhất là mù lòa do tắc các động mạch nông ở mặt, mắt. Một số trường hợp rất nguy hiểm khi biến chứng có thể lên tới não bộ. Các trường hợp tai biến thường do người tiêm chất làm đầy chọc mũi tiêm trúng vào mạch máu gây tắc mạch hoặc tiêm quá liều gây nghẽn mạch máu, dẫn đến hoại tử mô. Những ca tai biến này phải điều trị kéo dài, rất khó khăn, không thể phục hồi khuôn mặt như ban đầu mà sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ cho người phụ nữ. Đôi khi chất làm đầy, nhất là các sản phẩm trôi nổi chất lượng kém, có thể gây viêm da kích ứng hay làm vón cục trên mặt tạo thành nhiều nốt cứng dưới da không tan do canxi hóa lượng thuốc bơm vào.
BS Quỳnh Anh cho biết thêm, để phân biệt được filler thật hay giả thì bệnh nhân cần tìm hiểu các sản phẩm filler uy tín, được cấp phép sử dụng và lưu hành tại Việt Nam. Một số hãng uy tín được FDA Mỹ chứng nhận như Juverderm, Restylane, Teoxane… Khi làm đẹp lựa chọn phòng khám uy tín, bác sĩ bằng cấp chuyên môn, tay nghề tốt. Ở phòng khám uy tín thì bệnh nhân được kiểm tra sản phẩm trước khi thực hiện tiêm filler để an tâm mình được sử dụng đúng sản phẩm tốt, sản phẩm còn trong bao bì, đóng gói cẩn thận của nhà sản xuất. Hiện nay trên thị trường có quá nhiều sản phẩm trôi nổi nên bệnh nhân cần trang bị kiến thức làm đẹp cho mình để tránh tiền mất tật mang. Khi thực hiện tiêm chất làm đầy, tốt nhất là bác sĩ làm.