(Phụ Nữ Hiện Đại) – Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh do virus viêm não Nhật Bản gây ra, thường gặp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Căn bệnh này lan truyền qua đường muỗi đốt. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi có khoảng 30% các ca bệnh Viêm não Nhật Bản dẫn đến tử vong và ít nhất 50% số bệnh nhân được cứu sống có các di chứng nặng nề (1).

“Tại Việt Nam, số ca bệnh Viêm não Nhật Bản xuất hiện rải rác quanh năm và dịch bệnh  thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7 và tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Trước đây, nước ta ghi nhận khoảng 2.000 – 3.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm (2) . Nhờ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay số ca được báo cáo mỗi năm đã giảm đáng kể, còn khoảng 200 – 400 ca mỗi năm. Bệnh Viêm não Nhật Bản đe dọa mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ đến 87,5% (3). Chi phí cao trong điều trị, đồng thời để lại nhiều di chứng sức khỏe nặng nề cho người bệnh khiến Viêm não Nhật Bản là một gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.” PGS.TS.BS. Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương chia sẻ.

Hơn 600 nhân viên y tế trong lĩnh vực Y tế dự phòng và Nhi khoa cùng tham dự hội thảo

“Viêm não Nhật Bản là bệnh chưa có điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp như phòng chống trung gian truyền bệnh, tạo miễn dịch cho người thông qua vắc xin… Trong đó, tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản là chiến lược quan trọng, hiệu quả nhất để phòng bệnh, cũng là biện pháp có chỉ số chi phí/hiệu quả tốt nhất, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” GS. TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương chia sẻ.

Hội thảo đã cung cấp cho các nhân viên Y tế về những khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong phòng ngừa Viêm não Nhật Bản và dữ liệu lâm sàng của các vắc xin hiện có. Theo phân loại của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam nằm trong số các quốc gia lưu hành dịch của Viêm não Nhật Bản. Do đó cần đưa vắc xin phòng ngừa Viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng quốc gia và duy trì tỷ lệ chủng ngừa cao. Đồng thời, nếu có thể, nên thay thế vắc xin nuôi cấy trên não chuột bằng các thế hệ mới hơn. Các vắc xin thế hệ mới được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo gồm có: vắc xin bất hoạt nuôi cấy trên tế bào Vero; vắc xin sống, giảm độc lực; vắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp. Trong Hội thảo, các nhân viên Y Tế đã được cập nhật về dữ liệu lâm sàng của vắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp với tính hiệu quả và an toàn đã nghiên cứu và chứng minh trên nhiều đối tượng người lớn và trẻ em tại các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

Các chuyên gia tọa đàm về giải pháp phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Nghiên cứu dịch tễ học những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy vẫn còn một tỉ lệ ca mắc Viêm Não Nhật Bản và chủ yếu do chưa được tiêm chủng, tiêm không đủ liều, hoặc không tiêm nhắc. Sự có mặt của những vắc xin thế hệ mới đem đến thêm một lựa chọn trong kênh vắc xin dịch vụ và được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi bệnh Viêm não Nhật Bản và hỗ trợ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam.

Trong hai ngày 20/4/2019 và 21/4/2019, tại TP.HCM & Hà Nội, chuỗi hội thảo khoa học “Dự phòng Viêm não Nhật Bản: Cập nhật khuyến cáo và dữ liệu lâm sàng của vắc xin thế hệ mới” đã được Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Văn phòng đại diện Sanofi Pasteur tại TP.HCM. Chuỗi hội thảo đã thu hút hơn 600 nhân viên y tế trong lĩnh vực Y tế dự phòng và Nhi khoa cùng tham dự, cập nhật thông tin về tình hình dịch tễ, thực trạng bệnh Viêm não Nhật Bản hiện nay và ghi nhận các khuyến cáo từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Thông Hội Y học dự phòng Việt Nam, xin xem thêm tại website:

http://www.hoiyhocduphong.vn/

 

T.H

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc