Bảo vệ sức khỏe trong khủng hoảng là vấn đề then chốt giúp phụ nữ và trẻ em gái có thể bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tự tin để có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức do khủng hoảng gây ra.

Toàn cảnh lễ tiếp nhận tài trợ – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trên quan điểm này, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã hỗ trợ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngày 22/3, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH đã diễn ra lễ tiếp nhận đồ dùng thiết yếu hỗ trợ của UNFPA cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chủ trì lễ tiếp nhận có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện Quỹ UNFPA tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19” do Chính phủ Australia tài trợ. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 16.246 phụ nữ được nhận bộ đồ dùng.

Bạo lực giới có thể diễn ra trong gia đình, tại nơi làm việc, khu vực công cộng và ngoài xã hội. Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn, có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế, cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra và gần 32% bị bạo lực trong 12 tháng qua.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, điểm sáng trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 do UNFPA hỗ trợ là thực hiện việc gửi hơn 4 triệu tin nhắn tới các thuê bao điện thoại với thông điệp kêu gọi chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Việc tiếp nhận 2.750 bộ đồ dùng thiết yếu hỗ trợ phụ nữ trong bối cảnh dịch COVID-19 từ UNFPA tại Việt Nam có ý nghĩa rất thiết thực. Qua đó, giúp những phụ nữ đang thực hiện cách ly tập trung hoặc nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị bạo lực giới có thể sử dụng để bảo đảm vệ sinh cá nhân, sức khỏe và dễ dàng thích ứng hơn trong điều kiện sinh hoạt có sự biến động. Các bộ đồ dùng này sẽ được chuyển tới Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội, những nơi đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Bà Naomi Kitahra, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, bạo lực giới là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước, song càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19. Tại Việt Nam, đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên (nhà tạm lánh thuộc Hội LHPN Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà ánh dương (do UNFPA hợp tác với KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước. Theo báo cáo, nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể.

Bảo vệ sức khỏe trong khủng hoảng là vấn đề then chốt giúp phụ nữ và trẻ em gái có thể bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tự tin để có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức do khủng hoảng gây ra. Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong giai đoạn khủng hoảng.

Tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong triển khai các hoạt động nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, gắn kết các hoạt động về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội để tạo điều kiện cho những phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, lao động nữ di cư… được tham gia và thụ hưởng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

 

Nguồn: Đỗ Hương/Chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ho-tro-hang-chuc-nghin-phu-nu-trong-dai-dich/426488.vgp

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc