TTT: Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thời trang châu Á Mercedez – Benz 2004, đại diện Việt Nam tham gia Lễ hội thời trang ở Singapore 2005, đoạt giải nhất Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế 2008 do Hội đồng Anh tổ chức, tham dự các chương trình thời trang ở Anh quốc, tham gia khóa học của ngài Paul Smith (Anh quốc 2009), dường như cái tên Hồ Trần Dạ Thảo vẫn chưa bật lên được trong làng thời trang Việt Nam. Tại sao vậy?

105-560x880Hồ Trần Dạ Thảo: Làng thiết kế thời trang Việt Nam, đối với tôi, khá hạn hẹp và tự phát. Tính riêng lẻ tự phát và tự phát triển của một số cá nhân chuyên nghiệp vẫn chưa chuyên nghiệp chỉ khiến việc đứng trong nó thêm phức tạp. Ngoài ra, việc tạo nên sự nổi tiếng ảo tưởng cũng không làm tôi hứng thú. Tôi đứng trong nền công nghiệp thời trang, hợp tác với các công ty thời trang nội địa, kết nối với giới chuyên gia, tổ chức thời trang quốc tế nên không quan tâm đến sự nổi tiếng. Tôi chỉ quan tâm đến doanh thu và con đường phát triển thị trường nước ngoài.

Chị đã mở cửa hàng kinh doanh một thời gian với thương hiệu Tsafari do chị sáng lập nhưng dường như công việc kinh doanh không được như mong đợi. Vậy ở lần tái khai trương này, sau 4 năm gián đoạn, chị đã chuẩn bị tâm lý cho mình như thế nào?

Khi Tsafari mới đi vào hoạt động, mọi việc chưa được “thiên thời địa lợi nhân hòa” như tôi kỳ vọng. Quyết định tạm chuyển hướng là quyết định sáng suốt để tôi đầu tư vào dự án khác. Tôi kết hợp du lịch và tìm hiểu thị trường châu Âu, tư vấn cho công ty thời trang nội địa, đi dạy… tất cả đều phục vụ cho lần xuất hiện trở lại này. Tôi ký hợp đồng với công ty phân phối thời trang tại Anh, phát triển thị trường phân phối tại cửa hàng nhỏ ở Thụy Sĩ, showroom TP.HCM tọa lạc tại một một nơi rất đẹp và là sân chơi sáng tạo cho nhiều đối tượng khách hàng. Tôi biến showroom này thành một khu rừng nơi mọi người sẽ thích phiêu lưu và khám phá thế giới bên trong.

Có phải con người học hỏi từ thất bại nhiều hơn từ thành công?

Chắn chắn nhưng tôi không bao giờ cho rằng, trong kinh doanh có sự thất bại bởi bài học nào cũng cần trả phí. Và bài học trong kinh doanh là tiền đề cho sự thành công. Vậy nên, không thể gọi là thất bại.

Tại sao chị không lấy một tên khác ở lần mở cửa hàng mới này mà vẫn giữ tên Tsafari?

Khi xây dựng thương hiệu, chúng ta tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian. Tsafari đã có chỗ đứng riêng trên thị trường và là một thương hiệu được mọi người yêu mến thì phải giữ.

Cái tên Tsafari tượng trưng cho điều gì?

T là Thảo, tên tôi; còn safari là tên BST giúp tôi giành giải nhất cuộc thi thời trang châu Á Mercedez – Benz 2004. Tsafari có nghĩa là một cuộc du hành. Du hành từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, mang theo những câu chuyện văn hóa ý nghĩa.

Chị có thấy nghề thiết kế thời trang thật sự hấp dẫn?

Luôn luôn được mặc đẹp và làm việc thì như điên.

Chị có hay gặp phải thách thức trong nghề và muốn bỏ nghề?

Thách thức thì chắc chắn có nhưng bỏ nghề thì không bao giờ. Về logic kinh doanh thì phải có lúc thăng lúc trầm để chúng ta có nhiều bài học. Không thử thì không có kinh nghiệm.

Cách ăn mặc của chị vào những ngày trong tuần và cuối tuần có nhiều khác biệt?

Thường ngày đến công ty, tôi mặc trang trọng hơn với áo đầm hay jupe. Cuối tuần, tôi mặc áo đầm maxi, short hay quần jean hay áo đầm dây nhẹ nhàng, gợi cảm.

Khi nào và ở đâu chị thích thiết kế nhất?

Lúc nào và bất cứ đâu, tôi cũng thiết kế được. Tuy nhiên, khi ngồi café, ngắm cảnh, lúc đầu óc thoải mái là lúc thích nhất.

Lời khuyên hay nhất mà ai đó đã dành cho chị khi thiết kế thời trang?

Tôi vinh dự được học lớp nâng cao của ngài Paul Smith (doanh nhân thời trang danh tiếng Anh quốc với nhãn hiệu Paul Smith). Ông nói: “Mỗi BST đều có một câu chuyện. Chúng ta thiết kế thế nào; thêu, in công phu ra sao… Tâm huyết của chúng ta chất chứa trong mỗi sản phẩm như thế nào, hãy chia sẻ điều đó với người mặc. Họ sẽ trân trọng và yêu thích chúng”.

092-560x809Tôi mong muốn người phụ nữ mặc đẹp mọi lúc, mọi nơi.

Khi nhìn một bộ trang phục, chị đánh giá cao điều gì nhất?

Bộ đồ đó đem lại điều gì cho cộng đồng và xã hội. Chuyện sở hữu một bộ đồ để mặc hiện nay chỉ là thứ thiết yếu.

Lời khuyên chị dành cho những người đang cố gắng trở thành NTK thời trang?

Bạn cần hội tụ các yếu tố: đam mê, tài năng, tài chính và đạo đức nghề nghiệp.

Trang phục nào khiến chị thích thiết kế nhất?

Trong ngành công nghiệp thời trang may sẵn, tôi thích các chủng loại ứng dụng cao như quần jean, quần khaki, áo thun, áo dệt len như tôi đang tư vấn thiết kế cho một số công ty trong nước. Riêng Tsafari thì áo đầm luôn cho tôi nhiều cảm xúc về người phụ nữ tự tin, quyến rũ. Tôi mong muốn người phụ nữ được mặc đẹp mọi lúc, mọi nơi.

Cách chị thiết kế hiện nay khác nhiều so với khi chị mới bắt đầu?

Khác nhiều. Tôi làm thuê để trải nghiệm ngành may mặc thực tế, thành lập công ty riêng để học cách kinh doanh, đầu tư kinh phí học và thực tập ở châu Âu nhằm hoàn thiện tất cả quy trình thiết kế đến kinh doanh bài bản. Hiện tại, tôi tự tin nói rằng tôi là doanh nhân thời trang chứ không chỉ là NTK.

Chị có nghĩ việc đào tạo thiết kế thời trang bài bản là cần thiết?

Tất nhiên rồi. Thứ nhất, tạo nên tính cân bằng thẩm mỹ cho thị trường. Các nhãn hiệu có tính tương đồng xu hướng nhưng khác biệt. Thứ hai, tránh tình trạng sao chép, lệch xu hướng, khiến người tiêu dùng bối rối. Ngoài ra, các bạn được trang bị chuyên môn, tâm lý thực tế và có trách nhiệm hơn trong công việc. Nhiều bạn trẻ suy nghĩ, học xong ra mở cửa hàng, không cần làm thuê là sai lầm vô cùng. Suy nghĩ “trên mây” và thái độ “bốc đồng” này khiến họ mất nhiều cơ hội trong sự nghiệp.

Đâu là tình huống bất ngờ nhất khi chị thiết kế?

Khi sản phẩm hoàn thiện thực tế đẹp hơn bản vẽ.

Nguồn cảm hứng cho sản phẩm thời trang của chị?

Tsafari luôn xây dựng BST có ý nghĩa, tập trung thiết kế nguồn nguyên liệu độc quyền họa tiết khai thác từ di sản Á đông cổ xưa, mang thông điệp giới thiệu và lưu truyền bản sắc văn hóa độc đáo. Tsafari không chỉ là quần áo. Tsafari là văn hóa và phong cách sống.

Trong các BST đã làm, chị thích BST nào nhất?

Tôi thích BST vừa trình làng. “Khu vườn cổ” đang có nhiều tín hiệu đáng mừng từ khách hàng, đặc biệt, tôi tiếp cận được với thị trường châu Âu như Anh và Thụy Sĩ. Ngoài câu chuyện văn hóa họa tiết chạm trỗ xưa mà tôi khai thác từ thế kỷ 17, BST còn mang tính đột phá khi kết hợp thủ thuật vẽ tay và công nghệ in hiện đại. Vừa độc quyền chất liệu và họa tiết, vừa có thể sản xuất nhanh, số lượng không quá hạn hẹp để giá thành được ưu đãi.

Cái khó của một NTK bây giờ là gì?

Sự khó khăn giữa sáng tạo và thực tiễn. Sáng tạo và đạt được hiệu quả kinh doanh tốt là niềm hạnh phúc to lớn của NTK. Mấy ai cân bằng được hai điều cốt lõi này. Hoặc chỉ là sao chép để phục vụ đúng nhu cầu khách hàng hoặc sáng tạo một cách thiếu kiến thức kinh doanh sẽ dẫn đến sự đầu tư không hợp lý.

Chị nhìn nhận thế nào về việc bùng nổ NTK?

Quả thật, mọi người đã lạm dụng danh xưng NTK. Khía cạnh này cũng được bàn cãi nhiều, nhưng tôi nghĩ một NTK thực thụ sẽ tự hào khi giới thiệu họ là NTK, còn lại thì có vấn đề về sự tự trọng gượng gạo tự phong tự đặt. Cũng có một vài trường hợp không qua trường lớp chuyên ngành nhưng họ xuất chúng, để lại nhiều BST đáng trân trọng thì bản thân người đó sẽ được đánh giá cao. Và tất nhiên họ lại không quan tâm đến ba từ NTK.

Chị sống ở Sài Gòn gần 20 năm. Chị yêu điều gì nhất nơi đây?

Sài Gòn, mảnh đất thân thiện và nhiều cơ hội phát triển. Tôi yêu Sài Gòn vì Sài Gòn đã và đang đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường trưởng thành và hoàn thiện. Tôi yêu Sài Gòn bởi nơi tôi gặp được những người anh chị và bạn bè tuyệt vời.

Thực hiện: Mê Linh; Ảnh: Văn Anh

Nguồn: Thời Trang Trẻ 

Bệnh viện Hạnh Phúc