Ngày 26/02/2014, mạng việc làm trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á – JobStreet.com đã tổ chức chương trình đối thoại cùng các chuyên gia hàng đầu với chủ đề: “Ảnh Hưởng Của Sự Sáng Tạo Và Đổi Mới Trong Kinh Doanh” tại 57 Trương Định, Phường 7, Quận 3, TP. HCM. Chương trình với sự tham dự của hai vị khách mời tham gia đối thoại, đó là ông Phạm Hợp Phố – Phó giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam và ông Joe Ziegler – Giám đốc phát triển kinh doanh khởi nghiệp khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Amazon Web Services (AWS). Câu chuyện đầu tiên được đưa ra thảo luận là đề tài đang “nóng hổi” – Hiện tượng toàn cầu Flappy Bird, thành công do sáng tạo hay do may mắn?
Có thể nói, vấn đề sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh không phải là đề tài quá mới mẻ đối với hầu hết mọi người, nhưng không phải ai cũng biết cách sáng tạo và làm mới mình để bắt kịp tốc độ phát triển nơi công sở nói chung, guồng quay thị trường đang mỗi ngày một đòi hỏi người lao động phải luôn không ngừng sáng tạo và đổi mới chẳng những ở kiến thức mà còn cả cách thức làm việc nói riêng.
Lần đầu tiên trong lịch sử game Việt Nam, Flappy Bird đã tạo nên một cơn sốt đình đám không những cho dân trong nước mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Có lẽ chính Nguyễn Hà Đông cũng không bao giờ ngờ rằng game mà anh lập trình trong vòng ba ngày lại có thể thành công và gây nhiều sự chú ý đến thế, lọt top 10 và chẳng mấy chốc vươn lên vị trí đầu bảng vào tháng 01.2014. Trên khắp các mạng xã hội Facebook, Twitter, và các kênh truyền thông toàn cầu, bất kỳ nơi đâu người ta cũng nghe nói đến Flappy Bird, hay đơn giản, chỉ cần gõ từ khóa Flappy Bird trên google, ngay lập tức sẽ có 320.000.000 kết quả hiển thị, chứng tỏ sức ảnh hưởng cùng tốc độ lan truyền của nó khủng khiếp đến nhường nào.
Đặt câu hỏi với các diễn giả khách mời trong chương trình lý do vì sao Flappy Bird lại có thể nhanh chóng tạo nên một hiệu ứng khổng lồ trong cộng đồng và ảnh hưởng của nó có phải là quá sức tưởng tượng đối với người Việt, một sản phẩm game đầu tiên làm cả thế giới biết đến. Phải chăng tài năng của người Việt bây giờ mới được bộc lộ, và thành công này là do sáng tạo hay đơn giản chỉ là do may mắn với một game quá ư đơn giản nhưng nó lại thành công do ở độ khó để đạt được điểm cao.
Trả lời câu hỏi trên, ông Phố cho biết: “Một ví dụ đơn giản như họa sỹ Picaso, nhìn những bức tranh của ông cứ tưởng là dễ vẽ, nhưng thực ra trước khi ông ta vẽ những bức tranh khó hiểu đó, ông đã vẽ rất nhiều bức tranh khác rất chuẩn mực rồi. Nhìn về phía nhà đầu tư, anh Đông đã làm rất nhiều game chứ không phải là mới chỉ bắt đầu một game này mà đặc biệt làm game trên App. Hơn nữa, thời điểm anh làm ra game Flappy Bird cũng là thời điểm mạng xã hội đang ở độ chín muồi. Có thể nói game Flappy Bird trở nên nổi tiếng nhờ một sự may mắn nhưng hơn hết là nhờ vào mạng xã hội.”
Về phía ông Joe Ziegler, theo ông: “Flappy Bird không phải là một hiện tượng nổi lên nhất thời mà người sáng tạo ra nó cũng phải trải qua những khoảng thời gian thất bại trước đó mới có thể tạo ra một game như vậy, chỉ bởi vì bản thân chúng ta không biết đến những thất bại đó mà thôi. Theo Joe, ngoài yếu tố mobile và game, thì yếu tố còn lại đó là App Store, các kênh truyền thông đặc biệt là mạng xã hội. Điều này cho thấy chúng ta chỉ cần một, hai hoặc một nhóm khoảng mười người người tập hợp lại với những ý tưởng độc đáo và hoàn thiện sản phẩm dựa trên ý tưởng đó. Một khi sản phẩm độc đáo được hình thành từ ý tưởng tuyệt vời, chúng cũng có thể chạm đến hàng triệu người trên khắp thế giới.”
(Còn tiếp)
TT được cung cấp bởi JobStreet.com (www.jobstreet.com)