Sau loạt bài phản ánh thực trạng nhiều quán ăn, nhà hàng, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp sử dụng “hạt nêm 3 không” đăng trên Báo CATP, nhiều phụ huynh (PH) không khỏi lo lắng liệu suất ăn của con em họ hàng ngày trong trường có sử dụng loại hạt nêm nguy hại này không. Phóng viên (PV) đã vào cuộc xác minh làm rõ.
‘Không làm điều trái lương tâm’
Dạo một vòng quanh các trường TH và THCS bán trú trên địa bàn Q.Gò Vấp, chúng tôi thấy yên tâm khi bước vào khu bếp bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp. Các bếp đều có tủ lưu mẫu thức ăn hàng ngày; giấy tờ, sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Điều đáng mừng là không nhìn thấy loại hạt nêm “3 không” xuất hiện trong cả bếp ăn lẫn căn-tin các trường mà PV khảo sát.
Khi chúng tôi hỏi sao nhiều cơ sở nấu ăn dùng nhiều loại gia vị không nhãn mác để tiết kiệm chi phí mà trường thì không, chị N. – phụ bếp tại Trường tiểu học L.T.V – nói: “Học sinh của trường cũng như con em trong nhà, không thể để các em ăn thực phẩm bẩn, nên bếp chúng tôi rất kỹ, không làm điều trái lương tâm. Nhà trường gần như ngày nào cũng kiểm tra, rồi Phòng Giáo dục cũng hay xuống đột xuất nên chúng tôi không làm ẩu được”.
Có mặt lúc các chị đang chuẩn bị bữa trưa cho hơn 300 cháu tại Trường mầm non D.M tại Q. Gò Vấp, PV quan sát kỹ nhưng không phát hiện loại hạt nêm “3 không”.
“Chúng tôi buộc các nhà cung cấp thực phẩm cho trường phải ký cam kết ATVSTP cũng như nguồn gốc, xuất xứ, thể hiện rõ trong HĐ. Nếu phát hiện nhà cung cấp không thực hiện đúng, chúng tôi sẽ hủy ngay lập tức và bên cung cấp phải chịu mọi chi phí cho số thực phẩm ấy.
Kể cả gia vị nêm nếm, chúng tôi cũng sử dụng các loại có thương hiệu. Tuyệt nhiên không mua loại không nhãn mác như báo chí phản ánh. Khi đọc loạt bài của Báo CATP, chúng tôi cho kiểm tra ngay và không phát hiện loại hạt nêm ấy trong bếp ăn của trường”, cô D. – Hiệu trưởng chia sẻ.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Q.Bình Thạnh cho biết: “Trước những thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã chỉ đạo các trường thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm dùng chế biến bữa trưa cho HS để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Căn-tin trong trường cũng được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không bày bán những sản phẩm kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Kể cả những người bán hàng rong trước cổng trường dù không thuộc phạm vi quản lý nhưng phòng chỉ đạo các trường khuyến cáo các em và PH không nên sử dụng vì nguy cơ không an toàn cho sức khỏe”.
Lo ngại suất ăn bên ngoài
Theo chân tài xế T., có 2 năm lái xe giao suất ăn của Công ty cung cấp suất ăn X.Đ ở Q.Tân Phú, chúng tôi quan sát cách tiếp nhận tại các trường. Chị H., người phụ trách nhận suất ăn tại Trường tiểu học L.L (Q.Tân Phú) cho biết, theo thỏa thuận giao kèo HĐ ràng buộc và tin tưởng nhau, chỉ biết xưa giờ trường chưa có em nào ngộ độc thức ăn do công ty này nấu.
Anh T. cũng cho biết thêm, công ty làm ăn đàng hoàng lắm, lãnh đạo công ty rất quan tâm đến ATVSTP, vì sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm HĐ với các trường, còn có xài hạt nêm “3 không” hay không thì anh không rõ.
Dù được cam kết chặt chẽ, được kiểm tra và lấy mẫu thức ăn đúng quy định, nhưng các trường sử dụng suất ăn bên ngoài không hề chủ quan. Hiệu phó một trường cấp 2 trên địa bàn Q.Tân Phú cho biết, đang thuê bên ngoài cung cấp suất ăn trưa cho HS nên liên tục làm việc với công ty cung cấp suất ăn, cũng như cắt cử người kiểm tra đột xuất cơ sở này, mọi quy trình chế biến đều đạt chuẩn ATVSTP.
Công ty cũng chủ động cung cấp hóa đơn chứng từ nguồn gốc thực phẩm nên phần nào yên tâm. Riêng khoản gia vị nêm nếm thì nhà trường phải làm việc lại với đơn vị nấu ăn. Không loại trừ khả năng cơ sở này sử dụng “hạt nêm 3 không” mà báo chí thông tin. Nếu phát hiện có sẽ lập tức ngưng HĐ.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các đơn vị giáo dục phải đảm bảo ATVSTP. Theo đó, tất cả bếp ăn tập thể và căn-tin trong trường nếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì không được phép hoạt động.
Đối với trường không có bếp ăn tập thể chỉ được HĐ với cơ sở cung cấp thức ăn có giấy chứng nhận VSATTP, phương tiện vận chuyển thức ăn chuyên dụng và phải làm nóng theo quy định. Các đơn vị giáo dục phải tuyên truyền cho HS biết không mua thức ăn, đồ uống ở các hàng rong không bảo đảm vệ sinh trước cổng trường và khu vực xung quanh để đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa, phòng tránh ngộ độc thực phẩm. |
Theo CA TP.HCM