(Phụ Nữ Hiện Đại) – “Sau nhiều năm sống tại Mỹ, khi trở về Việt Nam, tôi nhận ra bản thân luôn thuộc về nơi này. Với mong muốn làm gì đó cho vùng đất đã nuôi dưỡng giấc mơ của mình thời trẻ, tôi quyết định cho ra đời học viện Free To Fly, với tất cả đam mê, trải nghiệm sống và kinh nghiệm lãnh đạo có được trong quá trình làm việc. 

Mong muốn lớn nhất của tôi khi thành lập học viện là giúp thế hệ doanh nhân trẻ nhận ra giá trị của chính mình, tìm ra con đường phù hợp để phát triển thông qua mô hình phát triển bản thân và xây dựng nhân hiệu mà không phải loay hoay tìm kiếm vất vả như tôi đã từng…”.

Harmony Le đã mở đầu câu chuyện về lý do ra đời của học viện Free To Fly với chúng tôi một cách đầy hào hứng…

Vừa thành lập không bao lâu học viện Free to Fly đã phải đối mặt với khủng hoảng do ảnh hưởng của Covid-19 gây ra, chị chọn cách đối mặt với vấn đề này thế nào?

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ hoạt động của Free To Fly đã thay đổi. Từ kế hoạch ra mắt, đến các nội dung giảng dạy, thậm chí mô hình kinh doanh, tất cả đều không còn gì giống với phiên bản “trước dịch” nữa.

Covid-19 là một đại dịch, là nguyên nhân của khủng hoảng. Nhưng dưới góc độ của người làm kinh doanh, tôi cho rằng, Covid-19 mang đến một cơ hội vô cùng lớn mà nếu tận dụng tốt, bạn sẽ đạt những bước tiến nhảy vọt. Môi trường kinh doanh là môi trường động, thay đổi là tất yếu. Trận đại dịch này nên được xem là đòn bẩy để thay đổi diễn ra nhanh, quyết liệt và đột phá hơn.

Free To Fly đã thay đổi mô hình kinh doanh, đưa việc học trực tuyến làm cốt lõi, sẵn sàng thử nghiệm một cách học hoàn toàn mới theo mô hình kết hợp online – offline. Song song với việc hoàn thiện các khóa học, chúng tôi cũng thành lập một cộng đồng chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng và thách thức trong công việc và cuộc sống.

Trong vai trò là một chuyên gia đào tạo Nhân hiệu, chị có thể lý giải khủng hoảng dưới góc độ mới mẻ này? 

Dù đại dịch lần này gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong cuộc sống, tôi nghĩ điều tích cực mà nó mang đến là sự thức tỉnh dành cho tất cả chúng ta: Không ai biết trước tương lai thế nào, không có gì là ổn định hay bất biến. Vậy nên mỗi người cần luôn học cách giữ tâm thế thanh thản để đối diện thách thức, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể linh hoạt thích ứng với tình huống mới, vững vàng và phát triển trong thế giới ngày càng bất định.

Những người luôn trong trạng thái “động” ít khi bị khủng hoảng, bởi họ như con sông không ngừng chảy, uyển chuyển uốn mình theo khúc quanh, sẵn sàng thích ứng. Trái với trạng thái “động” là trạng thái “tù”, tình trạng của người không “khơi thông” dòng chảy cuộc sống, bó mình trong chiếc ao. Trong ao tù, phía nào cũng là tăm tối, khủng hoảng.

Nhân hiệu, thực ra chỉ có ý nghĩa với người trong trạng thái “động”. Vai trò của một chuyên gia Nhân hiệu trước hết là giúp người học khẳng định các giá trị của bản thân và biết cách không ngừng nâng cấp chính mình. Khi thế giới xoay chuyển, bạn cần được chuyển hoá để đáp ứng nhanh nhất với thời cuộc. Một khi mọi người nhận được chân giá trị của bạn, bạn sẽ có sức thu hút lớn. Từ đó, các cơ hội tốt đẹp không ngừng mở ra.

Bản thân chị đã trải qua những cuộc khủng hoảng nào trong đời và cách chị vượt qua? 

Từ “Khủng hoảng” làm tôi nhớ đến 2 giai đoạn cực kỳ khó khăn trong đời.

Một là khi tôi làm việc tại Alcon. Thời kỳ đầu, Alcon hầu như không có đối thủ. Đến khi thị trường bắt đầu sôi động, các đối thủ xâm nhập và chiếm lĩnh thị phần bằng chính sách hoa hồng hấp dẫn, trong khi chúng tôi vẫn theo định hướng đầu tư vào khoa học, công nghệ, đào tạo, huấn luyện bác sĩ nhãn khoa. Chính vì vậy, chúng tôi đã mất một khách hàng cực kỳ lớn vào tay đối thủ, khả năng mất 70% doanh số. Nhận được tin, tôi mất ăn, mất ngủ. Liệu rồi công việc của hãng có xuống dốc không phanh? Liệu nhân viên, những người đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu có bị mất việc? Gia đình họ sẽ ra sao? Tương lai tôi sẽ thế nào?

Nhưng tôi biết rằng mình không thể chạy trốn mà buộc phải đối mặt thực tiễn. Ngay hôm sau, tôi quay lại văn phòng, tập hợp nhân viên để cùng bàn thế gỡ. Chúng tôi quyết định mở rộng mạng lưới khách hàng chủ đạo, tiếp cận với bệnh viện ở nhiều địa bàn khác và đưa giải pháp tổng thể cho sự phát triển của họ, tạo thế cùng chiến thắng. Kết quả, doanh số tăng rất nhanh. Thành công đó khiến các khách hàng càng tin tưởng chúng tôi, cơ hội hợp tác đến ngày càng nhiều. Tôi rút ra bài học quan trọng nhất cho mình: không bỏ trứng vào một giỏ, giữ niềm hi vọng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, quyết tâm, nhanh chóng trong hành động và quyết liệt trong xử lý tình huống. 

Khủng hoảng thứ hai là khi tôi có con. Thật trớ trêu, thời điểm tôi đón nhận niềm vui lớn nhất cuộc đời cũng là thời điểm tinh thần tôi rất lao đao. Có lẽ đó là trạng thái trầm cảm sau sinh. Khi đó, lấy chồng nơi đất khách quê người, có con ở tuổi tóc không còn xanh, thương con lắm nên toàn bộ thời gian tôi dành hết cho con, đi làm trở thành điều xa xỉ. Cuộc sống hoàn toàn mất cân bằng, tôi thường dằn vặt mình bằng câu hỏi: “Chẳng lẽ đời mình chỉ có vậy thôi sao?”. Có một cái gì đó luôn thao thức trong lòng, luôn bảo tôi rằng: “Có lẽ mình phải làm một việc gì đó”, nhưng tôi vẫn không biết làm cách nào để vừa trông con, vừa tiếp tục sự nghiệp.

May mắn lần đó, tôi gặp được người bạn lớn. Chị ấy khuyên tôi rằng: “Con trẻ mạnh mẽ hơn em tưởng. Em phải cho con đi nhà trẻ ngay. Bé sẽ ổn thôi”. Chính câu nói đó đã khiến tôi như tỉnh cơn mê suốt 23 tháng trời. Tôi tìm nhà trẻ và gửi bé đến trường. Ngày đầu chia tay, mẹ khóc con khóc, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn. Và khi thực hiện chỉ một thay đổi đó, cuộc đời tôi cũng hoàn toàn thay đổi theo. Tôi có khoảng thời gian trống để vẽ lại hành trình cuộc sống, cải tổ lại bản thân và đưa ra các hoạch định trong tương lai.

Từ hai trải nghiệm của tôi, có thể các bạn cũng nhận ra rằng, thay đổi là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, tư duy tích cực là yếu tố quyết định. Nếu bạn nghĩ mình có thể vượt qua, bạn sẽ tìm ra giải pháp. Nếu bạn quyết tâm đến cùng, thì bằng cách nào đó bạn sẽ tìm được con đường hoặc người giúp đỡ bạn.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và cả kinh nghiệm vượt khủng hoảng, chị có thể chia sẻ giải pháp để vượt khủng khoảng hậu Covid-19? 

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tôi suy nghĩ và đúc kết giải pháp vượt qua khủng hoảng có thể tóm gọn trong mô hình bao gồm 6 chữ cái: MATTER.

M – Mindset = Tâm thức

Trong thế giới không ngừng thay đổi, muôn vàn khó khăn, cái duy nhất bạn có thể kiểm soát chính là suy nghĩ của mình. Chấp nhận thực tại, giữ tâm thức tích cực, bạn sẽ dễ dàng thích nghi và tìm thấy giải pháp.

A – Action: Hành động

Chỉ có hành động mới tạo ra kết quả. Kể cả khi hành động chưa đúng, bạn vẫn sẽ rút ra được bài học, biết điều gì nên và không nên làm.

T – Trend: Thời thế 

Thế giới luôn thay đổi, và luôn tác động đến bạn. Xu hướng hiện tại của thế giới là số hóa. Bởi Covid-19, số hóa buộc phải diễn ra nhanh hơn và triệt để hơn. Nếu bạn đưa một hoạch định tương lai, bạn nhất thiết cần cân nhắc đến xu thế này.

T – Transformation: Chuyển đổi

Trong thế giới chuyển động không ngừng, những người đứng yên sẽ “điêu đứng”. Hậu Covid-19, doanh nghiệp cần chuyển đổi trong mô hình kinh doanh, cải tổ nội bộ, đẩy mạnh năng suất… mới có thể tồn tại. Người lao động cũng phải thay đổi tư duy, mài sắc năng lực, nâng cao Nhân hiệu bản thân, phát triển thành phiên bản tốt hơn để thích ứng và nổi bật trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.

E – Energy: Năng lượng

Ai cũng cần năng lượng để sống. Năng lượng đặc biệt quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng bởi bạn phải tải khối lượng công việc lớn hơn, chịu áp lực tinh thần nhiều hơn. Nếu cơ thể, tình cảm, trí tuệ, tinh thần không khỏe mạnh, làm sao bạn tải nổi sức ép từ nhiều mặt của cuộc sống?

R – Relationship: Mối quan hệ 

Dù dịch Covid-19 có diễn ra hay không, bạn vẫn luôn cần duy trì những kết nối cho sự nghiệp của mình. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Kết nối là Của cải”. Hãy tìm kiếm và tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp để được tương thân, tương ái được trao và nhận, được hỗ trợ trong tiến trình phát triển và để thấy cuộc sống là tốt đẹp.

Nắm vững 6 chữ cái quan trọng này, tôi tin rằng bạn có thể vượt qua bất cứ khủng hoảng nào trong cuộc sống.

Vậy tầm quan trọng của Nhân hiệu sau đại dịch sẽ là gì? 

Nhân hiệu đóng vai trò quan trọng mọi lúc, mọi nơi. Nhân hiệu chính là uy tín của bạn. Bản chất của Nhân hiệu là giúp bạn nói với thế giới, một cách liên tục và nhất quán: bạn là ai, có khả năng, kinh nghiệm, giá trị gì. Khi bạn xây dựng Nhân hiệu đủ mạnh – truyền tải trọn vẹn giá trị của bạn – thì bạn sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút đối tượng mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận. Khi đó, thì dù thương trường có thay đổi thế nào, dù tương lai có xảy ra đại dịch hay khủng hoảng đi nữa, bạn cũng sẵn sàng để thích ứng và tỏa sáng.

Trong thời kỳ cách ly của dịch Covid-19, số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng internet tăng đột biến. Thói quen này một khi hình thành sẽ tiếp tục được duy trì. Thế giới được số hóa. Đây sẽ là thời điểm vàng để bạn cất tiếng nói của mình, xây dựng Nhân hiệu của bản thân, thu hút sự chú ý của thế giới đến giá trị của bạn.

Không ai dám khẳng định điều gì sẽ đến trong thế giới hậu Covid-19, nhưng có thể thấy với số lượng doanh nghiệp đóng cửa, số lượng lao động mất việc ngày càng tăng cao, thị trường sau dịch thật sự là chiến trường. Trong lúc này, nếu bạn làm Nhân hiệu tốt, thì so với những người không làm điều đó, bạn đã có lợi thế cạnh tranh cao và cơ hội lớn hơn nhiều.

Cảm ơn Harmony Le. Chúc chị và Học viện Free To Fly sẽ luôn thành công!

 

Đặng Hà (CLB Phụ Nữ Hiện Đại) 

Bệnh viện Hạnh Phúc