Sở hữu một giọng hát chỉn chu, sang trọng, là một trong bốn nữ ca sĩ được xem là diva của nhạc Việt đương đại, ít ai biết, Hà Trần suýt đã bỏ lỡ con đường ca hát chuyên nghiệp, bởi không có một chất giọng bẩm sinh xuất sắc…

Diva Hà Trần

Lần đầu tiên tôi biết đến Hà Trần, là vào khoảng đầu năm 90, lúc đó, chủ yếu là với vai trò con gái ca sĩ Trần Hiếu, cháu ruột của nhạc sĩ Trần Tiến. Trần Thu Hà sống cùng bố trong một căn hộ xinh xắn nằm trong khuôn viên Nhạc viện Hà Nội, bị khuất lấp bởi rất nhiều giọng hát đã và đang thành danh khi còn ngồi trên ghế Nhạc viện thời đó.

Lần đầu tiên tôi gặp Hà Trần là khoảng vào đầu năm 2000, tại một trường cao đẳng sư phạm thuộc một tỉnh miền Trung. Năm đó, Hà Trần đã rất nổi, rất được sinh viên mến mộ. Cô xuất hiện một cách giản dị, dễ gần, trong khán phòng chật ních người, cất tiếng hát trong vắt, thể hiện những bài hit đang gắn với tên tuổi của mình lúc đó. Cả khán phòng đã như vỡ òa ra với “Sắc màu”, và với những câu chuyện tâm tình Hà Trần kể về người chú ruột thân yêu vào khoảnh khắc ông đã viết nên bài hát hit một thời gây nhiều tranh cãi, người có sự ảnh hưởng khá lớn đến giọng hát cũng như phong cách của Trần Thu Hà. Những chuyến phiêu lưu trong những nhạc phẩm du ca của Trần Tiến đã góp một phần đáng kể tạo nên phong cách âm nhạc của diva Hà Trần sau này.

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh Hà Trần mặt mộc, ăn mặc giản dị cất tiếng hát mộc bên bàn ăn cùng những người khách có mới có cũ có quen có lạ. “Phố nghèo”, chưa bao giờ tôi nghe “Phố nghèo” mà thấm thía đến thế. Cũng chưa bao giờ thấy rõ những luyến láy chuyên nghiệp, những lấy hơi nhả chữ tròn vắt của giọng ca Hà Trần đến thế. Càng chưa bao giờ, cảm nhận đầy đủ sự bình dị, chân tình của một ca sĩ đang ở đỉnh cao, như thế.

Được yêu cầu hát, Hà Trần liền cất tiếng hát. Thậm chí, khi về phòng, nằm trên gường tán gẫu với cô bạn phóng viên rất thân của mình, xen kẽ trong những câu chuyện rất con gái, Hà Trần thi thoảng lại ngân nga vài câu. Lúc đó, chẳng còn những màu mè son phấn, chẳng có những e ngại không có sự hỗ trợ của kỹ thuật để che dấu những khiếm khuyết nào đó trong giọng hát (nếu có). Chỉ còn một Trần Thu Hà – thiếu nữ, hát tựa như bản năng, tựa như hơi thở, tựa như lẽ sống.

Vậy nhưng, Trần Thu Hà suýt nữa đã bị lỡ bước trên con đường ca hát. Bố cô, NSND Trần Hiếu cho rằng cô không có chất giọng bẩm sinh xuất sắc. Giọng hát của Hà mỏng, thiếu cá tính, khó định hình, và thường bị phô. Do đó cô không được định hướng để trở thành ca sĩ. Trần Thu Hà nhẽ ra đã thành một giảng viên thanh nhạc sống một cuộc đời mẫu mực mà bình lặng, có lẽ, cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn viên Nhạc viện Hà Nội mà thôi. Nếu như sau đó, nghệ sĩ Trần Hiếu không nhận ra cá tính mạnh của con gái mình, một cá tính hoàn toàn không hợp với nghề giáo và rồi đã khuyến khích cô tập luyện để khắc phục những nhược điểm trong giọng hát của mình.

Trần Thu Hà học múa ở Cung thiếu nhi Hà Nội năm 6 tuổi. Năm 8 tuổi, Hà bắt đầu học piano. Cho đến khi 10 tuổi thì cô lại thi vào hệ sơ cấp thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc, cô lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp hệ Đại học khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội vào năm 2000. Trải qua nhiều năm tập luyện và rèn giũa, giọng hát của Hà đã có nhiều tiến bộ. Cô bắt đầu nhận được những giải thưởng đầu tiên: Giải trẻ triển vọng cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1993; Giải nhất cuộc thi tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc 1994. Huy chương vàng cuộc thi đơn ca các trường nghệ thuật toàn quốc 1994; Giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ Tiếng hát Vàng Anh do công ty Horitro (Nhật Bản) tổ chức năm 1995. Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất tác phẩm âm nhạc của Hội năm 1996. Năm 1998, cô bắt đầu đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp (nguồn: wikipedia).

Chỉn chu mà ma mị, mẫu mực mà quái lạ, Hà Trần là một trong những giọng ca được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao, và hầu như không có một điểm lùi hay dừng nào trong sự nghiệp. Không may mắn có ngoại hình lộng lẫy, bốc lửa như nhiều ca sĩ khác, lại có những thời điểm, cô bị khán giả ca thán về gu ăn mặc, cách trang điểm, nhưng giọng hát Hà Trần thì cho đến nay, luôn được khẳng định, thừa nhận.

Tám album riêng: “Em về tinh khôi” 1999, “Bài tình ca cho giai nhân” 2000, “Nhật thực” 2002, “Hà Trần” 98-03 (trong nước) và “Sắc màu – tình ca” (hải ngoại) 2005, “Đối thoại 06” 2006, “Tình ca qua thế kỷ” 2007 chỉ phát hành ở hải ngoại, “Trần Tiến” 2008. Bốn album chung: “Đánh thức tầm xuân” – với Bằng Kiều 1998, “Thanh Lam – Hà Trần” 2004, “Lời ru mắt em” – với Vũ Quang Trung và Trần Mạnh Tuấn (2002) cùng nhiều CD, album khác.

Suốt gần 20 năm ca hát chuyên nghiệp, cũng có lúc “đụng độ” với đồng nghiệp về bản quyền ca khúc, hay vướng phải những khen chê trong cách xử lý bài hát theo lối riêng Hà Trần, thậm chí, “Nhật thực” – với ca khúc “Dệt tầm gai” đã từng mang lại cho Hà Trần khá nhiều rắc rối nhưng không ai có thể phủ nhận những nỗ lực làm mới mình và tinh thần lao động cực kỳ nghiêm túc của Hà Trần trong sự nghiệp. Dám đi trên con đường chưa ai đặt chân, dám thử nghiệm những cái mới một cách chuyên nghiệp và chín chắn – đó là Hà Trần. Mà “Nhật thực” là một bằng chứng.

“Nhật thực” là một concept album, có nội dung kết cấu xuyên suốt từ đầu đến cuối. Kể từ khi ra mắt, “Nhật thực” đã gây được tiếng vang lớn bởi thứ âm nhạc mới lạ về cả ca từ, giai điệu, phong cách trình diễn lẫn phối khí. Chương trình đã trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong năm 2002, đánh dấu sự đổi mới trong phong cách âm nhạc và nghệ thuật trình diễn.

Điểm đặc biệt là sự ra đời của “Nhật thực” đã định hướng khán thính giả biết quan tâm nhiều đến phối khí và đẩy mạnh việc phát triển ê kip âm nhạc ở Việt Nam. “Nhật thực” cũng đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Hà Trần và cũng là bước ngoặt trong phong cách của cô: cá tính hơn, đa dạng hơn. Cũng kể từ “Nhật thực”, cô bé Trần Thu Hà vốn không có may mắn trời phú cho giọng ca bẩm sinh đã được công nhận là một trong bốn diva đương đại của làng nhạc Việt.

Theo: Thành Lê báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc