Người phụ nữ này đã dám thay đổi, ném đá dò đường, trồng và bán thảo dược sạch mang giá trị đến cho sức khỏe cộng đồng. Thật sự thích báo Thế giới tiếp thị đã phát hiện ra những tấm gương hay, đẹp cho đời như thế này.
Chuyện cô giảng viên kinh tế đi bán trà khổ qua
Khi xác định nút thắt hơn là cột mốc khởi nghiệp, Hoàng Thị Hồng Lộc – Trương Hữu Thuận, đôi uyên ương sáng lập cơ sở sản xuất Thuận Lộc (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) sẵn sàng tư thế “vượt địa hình” để mang trà khổ qua sạch ra chợ.
Giống như ném đá dò đường, muôn vàn khó khăn khi muốn mang lại giá trị mới cho người dùng”, cô Lộc, từng theo học chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, giảng viên khoa Kinh tế, trường đại học Cần Thơ, nói: “Một gia đình công chức như cô rất sợ những thay đổi, nên việc đầu tư dù là một nông trại bỏ túi cũng có thể bị bàn ra”.
Khởi đầu nan
Vợ chồng Thuận – Lộc quyết định thuê 1ha đất ở khu dân cư bỏ trống để trồng khổ qua rừng theo hướng organic.
Số vốn để gieo mầm ý tưởng là 10 triệu đồng. Lòng tin của họ mạnh mẽ hơn do bằng chứng sức khoẻ của mẹ và dì của Lộc đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo và ổn định nhờ dùng thảo dược tự làm ở nhà.
Thuận quyết định tạm ngưng công việc ở ngành IT để lo nông trại. Lộc hiểu rằng muốn đưa sản phẩm Thuận Lộc vào khoảng trống thị trường ở Cần Thơ là không đơn giản, nhưng cô cũng không thể lường hết những rắc rối trên đường đi.
Đất cát nền khu dân cư và những cuộc thử nghiệm phân bón hữu cơ, giá thành luôn tạo ra những tình huống phải cân nhắc đi tiếp hay co cụm?
Khi thuyết phục được gia đình để cô thực hiện ý tưởng thì chính vợ chồng cô lọt thỏm vào chiếc hố “thiếu vốn”. Dù Cần Thơ có không biết bao nhiêu ngân hàng, nhưng có vẻ như họ thích đón người ở đích đến hơn ở vạch xuất phát.
Chỉ cần gõ “khổ qua rừng”, lập tức trên mạng internet hiện ra đủ loại thông tin, đủ loại giá: trái, dây khổ qua rừng tươi: 50.000 đồng/kg, trái khô: 560.000 đồng/kg, dây khổ qua khô: 120.000 đồng/kg, đọt non: 80.000 đồng/kg, hạt giống: 1.400.000 đồng/kg…
Loại thảo dược có tên cẩm lệ chi, lương qua, wild bitter (loài Momordica charantia, tên khoa học là Gymnopetalum) này không khó trồng, thậm chí đã có nhiều công ty tổ chức sản xuất kinh doanh ì xèo trên mạng. Vậy đâu là nét khác biệt?
Một ông chú mười năm kinh nghiệm nuôi trùn quế ở TPHCM sẵn sàng chia sẻ để cháu gái nuôi hàng tỉ con trùn quế lấy phân bón khổ qua rừng.
Thu hút cộng đồng
Tìm hiểu và phát hiện giá trị từ nguyên liệu bản địa đẩy lên thành sản phẩm thương mại hoá, ý tưởng khởi nghiệp của cô Lộc hoá ra có sức thu hút bạn bè tại trường.
Ba đầu mối đồng ý: làm nhà kính 100m2, trang bị hệ thống cảm biến nhiệt và điều khiển tưới từ smartphone, cùng các phương pháp kỹ thuật tiết giảm chi phí từ khâu trồng tới sấy khô, đóng gói; khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng đồng ý sản xuất cây giống cấy mô, bộ môn hoá – khoa Công nghệ – đồng ý nghiên cứu lấy dầu từ dây khổ qua…
PGS.TS Nguyễn Phú Son, phó giám đốc trung tâm Chuyển giao kỹ thuật – công nghệ, trường đại học Cần Thơ, cho rằng câu chuyện trà khổ qua khiến ông suy nghĩ nhiều hơn về hoạt động hỗ trợ ý tưởng sáng tạo, và sẽ tìm cách hỗ trợ Lộc hiện thực hoá các ý tưởng này.
Đại học Cần Thơ còn có một Vườn ươm doanh nghiệp và công nghệ, nếu cả vườn ươm và trung tâm Chuyển giao kỹ thuật công nghệ cùng thúc đẩy thì Thuận Lộc không chỉ sớm trở thành doanh nghiệp nông nghiệp có bước đi vững vàng, mà các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực tại trường sẽ có thêm cơ hội thể hiện tài năng.
Cứ hai ngày thu hoạch một lần, cô Lộc sử dụng thiết bị sấy của Nhật, cứ 10kg tươi sấy được 1kg khô trong 10 giờ liền (loại xắt lát), loại nguyên trái phải sấy liên tục trong 30 giờ. Việc đầu tư trong suốt một năm qua đã khiến gia đình cô tốn trên 600 triệu đồng.
Bạn bè, người thân dùng thử, quen dùng đã mua trà khổ qua của cô. Không chỉ để kiếm tiền mà còn phải nghĩ ra cách gì đó dẫn dắt cộng cồng theo hướng organic, cô Lộc nghĩ như vậy.
Nhiều người mua hạt giống về trồng cho dù đó là những đối thủ tiềm tàng, Lộc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mà không sợ người giàu có hơn sẽ phình to, lấn lướt – đơn giản chỉ vì nhiều người làm theo thì những gia đình có người thân từng vật lộn với tiểu đường, thấp khớp, rối loạn chức năng gan, thiếu máu… sẽ có nhiều thảo dược sạch để dùng.
Thách thức sản lượng
Khởi nghiệp từ nền tảng organic là một loạt thách thức mà Lộc phải vượt qua: từ thuyết phục người nhà chấp nhận tới có bao nhiêu hàng cũng không đủ bán, thì nay năng lực cung cấp đang trở thành thách thức lớn hơn nhiều.
Một trong hai sáng lập viên Thuận Lộc, nói, bản thân không phải là nông dân nên Lộc phải tìm tới người thành thạo ở các hợp tác xã trồng rau sạch. Có người đồng ý nhưng cũng có người từ chối vì chưa biết đây là cái gì!?
Họ chưa tin vào bước đi lẫm đẫm của trà khổ qua trên thị trường, không tin rằng sẽ có nguồn lực nào đó hậu thuẫn ý tưởng sáng tạo.
“Giảng dạy ở khoa kinh tế, Lộc thực sự không muốn dạy sinh viên ra trường đi làm thuê. Dạy không thể chỉ lý thuyết, phải thực tế và dạy các em làm chủ. Lộc sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác là những người làm chủ khu vườn rau sạch, có thể ở những vùng khắc nghiệt hơn Cần Thơ, những vùng trồng lúa nước không còn phù hợp và sẽ cùng các bạn phát hiện nhiều hơn các giá trị khác biệt từ nguồn rau trái bản địa”, Lộc nói về những đồi dốc phía trước.
(Hoàng Lan
Thế Giới Tiếp Thị)