Nhiều người vẫn hay băn khoăn về cách sử dụng bột ngọt thế nào cho hiệu quả cũng như lượng dùng bao nhiêu thì phù hợp. Bột ngọt có hại cho sức khỏe người dùng? Các nước phát triển người ta đâu có dùng bột ngọt? Trẻ em dùng bột ngọt có ảnh hưởng gì không? TS. BS. Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đại học Y dược đã trả lời về những thắc mắc này như sau:
Tôi nghe nói ở các nước phát triển không dùng bột ngọt. Vậy bột ngọt có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, thưa bác sĩ? – Chị Hoàng Hà (Q.3 – nội trợ)
Trả lời: Dựa theo các tài liệu khoa học đáng tin cậy, các tổ chức y tế và sức khỏe uy tín trên thế giới như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (The Joint Expert Committee on Food Additives – JECFA) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (FAO/WHO), Ủy ban Các chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu hay Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA) đều xác nhận tính an toàn của bột ngọt và không đưa ra giới hạn nào cho liều lượng sử dụng hàng ngày (ADI-acceptable daily intake). Tại Việt Nam, bột ngọt cũng nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng của Bộ Y tế.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, bột ngọt không được sử dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp…thậm chí là cả tại Nhật Bản – “quê hương” của bột ngọt. Thực tế, bột ngọt được dùng ở các nước này tuy có khác chúng ta về thói quen sử dụng. Ở các nước phát triển, do không có nhiều thời gian chế biến món ăn nên người tiêu dùng thường sử dụng các gia vị tổng hợp như hạt nêm, nước xốt để nêm nếm món ăn; trong các gia vị tổng hợp này thường đã có sẵn bột ngọt; ngoài ra các thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn hay các sản phẩm đông lạnh cũng thường được bổ sung sẵn bột ngọt nên người tiêu dùng không cần nêm nếm bột ngọt trực tiếp nữa.
Thưa bác sĩ, sử dụng bột ngọt có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em không?
Trả lời: Cho đến nay nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bột ngọt an toàn cho các quần thể dân số nói chung, trong đó có phụ nữ mang thai và bào thai, bà mẹ cho con bú và trẻ bú mẹ, trẻ em nói chung. Nghiên cứu trên trẻ nhỏ cho thấy trẻ chuyển hoá glutamate (thành phần chính của bột ngọt) như ở người lớn; nghiên cứu ở trẻ 1 tuổi ăn súp chứa bột ngọt ở các liều 0, 25 và 50 mg/kg cân nặng cơ thể đã khẳng định điều này. Sữa mẹ cũng rất giàu glutamate tự do nên ngay từ khi mới chào đời, cơ thể trẻ em đã quen với việc hấp thu một lượng lớn glutamate thông qua sữa mẹ.
BS. Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đại học Y dược