(Phunuhiendai.vn) – Những gì bạn thể hiện ở những giây phút đầu tiên – cụ thể là trong phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn –  có thể quyết định bạn có được nhận vào làm việc hay không.

Những mẹo đơn giản sau đây sẽ giúp bạn tự tin bước vào cuộc phỏng vấn với phần tự giới thiệu chuyên nghiệp và khéo léo, đảm bảo “chinh phục” được nhà tuyển dụng.

Chuẩn bị trước

Muốn làm tốt việc gì, thông thường chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước. Để có thể giới thiệu bản thân một cách ấn tượng trong cuộc phỏng vấn tìm việc làm ở Hà Nội hay nhiều nơi khác, bạn hãy đọc lại thư xin việc và CV của mình để ghi nhớ những gì bạn đã viết. Tiếp theo, bạn cần xem lại tin tuyển dụng để xác định những kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Điều này giúp bạn quyết định nên nhấn mạnh hoặc giảm thiểu điều gì trong phần giới thiệu của mình để tránh nói lan man, thay vào đó chỉ tập trung vào những khía cạnh mà bạn tin rằng nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhất.

Hãy tự hỏi mình một số câu hỏi và trả lời chúng: Bạn là ai, tại sao bạn lại muốn làm việc cho công ty này? Bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn nào để đáp ứng công việc tại đây? Bạn hy vọng sẽ đạt được điều gì trong sự nghiệp của mình?… Viết ra câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này và sử dụng chúng để tạo nên phần giới thiệu ấn tượng.

Mở đầu ấn tượng

Trước khi bắt đầu phần giới thiệu, hãy nở một nụ cười thân thiện và cảm ơn nhà tuyển dụng đã cho bạn cơ hội tham gia buổi phỏng vấn. Cử chỉ này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo được thiện cảm với người đối diện và khiến họ cảm thấy sẵn lòng hơn để nghe bạn nói.

Nếu có thể, bạn hãy mở đầu phần giới thiệu một cách sáng tạo và mang màu sắc, cá tính riêng. Ví dụ bạn là người thích đi đây đó, khám phá thế giới và bạn đang xin làm hướng dẫn viên du lịch, bạn có thể “mở màn” bằng cách nói rằng mình đã tham quan 45/64 tỉnh thành cả nước, cùng với 6 xứ sở ngoại quốc, và sau đó đề cập đến những kỹ năng bạn sở hữu cùng những gì bạn học hỏi được trong quá trình trải nghiệm, thăm thú các vùng đất mới.

Nói ngắn gọn nhưng đầy đủ

Nhà tuyển dụng sẽ không có nhiều thời gian và cũng không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe bạn kể lể dài dòng. Do đó hãy giới thiệu về mình một cách ngắn gọn, nhưng đừng bỏ qua những nội dung quan trọng. Những điều không thể thiếu đó là kinh nghiệm làm việc, kỹ năng (cứng và mềm), điểm mạnh, thành tựu, các chứng chỉ đi kèm và cuối cùng có thể đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.

Tóm lại, bạn phải thể hiện được các điều sau đây trong phần giới thiệu của mình:

– Bạn có khả năng và mong muốn được làm việc;

– Bạn phù hợp với văn hóa công ty và sẽ làm tốt công việc ở đây;

– Bạn sẽ không bỏ việc ngay sau khi tuyển dụng hoặc chỉ sau vài tuần/ vài tháng.

Theo các chuyên gia, bạn nên “gói gọn” phần giới thiệu của mình trong 5 phút, đừng nói dài hơn vì sẽ gây ra sự nhàm chán cho nhà tuyển dụng.

Tự tin vừa phải

Có được sự tự tin là bạn đã nắm giữ được 50% cơ hội thành công. Tự tin sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tích cực đối với nhà tuyển dụng.

Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, giữ lưng thẳng khi ngồi, mở lòng bàn tay hướng về người đối diện và đừng quên nhìn vào mắt họ khi nói. Ngoài ra, bạn đừng chỉ “đọc” phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn một cách máy móc như kiểu trả bài, mà thay vào đó hãy thể hiện một cách sinh động, tự nhiên và hấp dẫn nhất có thể.

Bạn cũng đừng tỏ ra quá kiểu cách hoặc tự tin đến mức cao ngạo. Hãy đề cập đến những thành tích của bản thân một cách bình thản, chủ yếu là nêu ra các “bằng chứng” để chúng tự nói lên mọi điều, thay vì sử dụng các từ ngữ mô tả về bản thân như tuyệt vời, giỏi, xuất sắc, thành công vượt trội…

Hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn tự tin nhưng bạn biết rõ mình đang ở đâu, và bạn cũng sẵn sàng học hỏi, cải thiện bản thân để làm tốt hơn nữa ở vị trí mới.

Những điều không nên nói

Có một số điều bạn cần loại ra khỏi phần giới thiệu về bản thân nếu không muốn làm hỏng buổi phỏng vấn. Đó là các quan điểm về những tin tức thời sự gây tranh cãi; các vấn đề có tính chất cá nhân như cuộc sống gia đình, một số sở thích không liên quan đến công việc… Hãy nhớ, đây là một cuộc phỏng vấn việc làm chứ không phải là cuộc trò chuyện thân tình giữa những người bạn. Vì vậy, hãy giữ tính chuyên nghiệp và thái độ chừng mực, lịch sự.

Ngoài ra, đừng nói dối hoặc nói quá lên về các thành tích hay khả năng của bạn, vì thông thường sau phần tự giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt các câu hỏi để tìm hiểu thêm, và bạn có thể rơi vào tình huống khó xử nếu trót nói sai sự thật.

Kiều Giang

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc