Trải qua hàng ngàn dặm suốt ba ngày rong ruổi miền Tây, quay lại Cần Thơ, nhưng anh bạn “biết tuốt về đồng bằng” lại bắt chúng tôi vượt thêm hai chục cây số đường đất đầy ổ gà mai phục đến quán Nhi.
Thoạt nhìn chị chủ quán nổi tiếng xứ Ô Môn, Phan Thị Hồng Nhi thấy giống “bà hội đồng” xứ gạo trắng nước trong. Vừa nấu ăn, vừa bán hàng, tiếp khách, vừa ca cổ mùi mẫn, lại có dáng người rất gợi cảm trong bộ bà ba đen thêu hoa.
– Với cơ ngơi hàng mẫu đất tự tay trồng từng cây, dựng từng nhà sàn trên con kênh, rồi vào bếp nấu từng món ăn cho thực khách, chị có vẻ là một người phụ nữ đa năng là do thiếu vắng hình bóng người đàn ông?
– Quê tôi cách nơi đây 18 cây số. Lấy chồng từ lúc còn rất trẻ. Nhà tôi vốn mấy đời trước cũng có chút của, nhưng sau 1975, mất hết.
Cha mẹ làm lụng vất vả để nuôi con và dạy con nề nếp. Chỉ tiếc là khi lấy chồng, tôi vẫn phải chịu cảnh vợ chúa chồng tôi. Ổng đi làm về là nhậu. Say rồi là đánh vợ. Có lúc tôi không chịu nổi chạy về nhà nhưng má đuổi về vì sợ “luân thường đạo lý”.
Có bầu ổng cũng vẫn đánh. Rồi có con, gia đình khó khăn quá, tôi mới tìm lên đây mở quán ven đường. Lúc đầu chỉ là một quán ăn bình thường nhưng tôi lại không biết làm nhiều món.
Có lần khách kêu món bò lúc lắc, trong đầu tôi tự hỏi: “Cái món đó nó làm sao?”, rồi ông khách dặn: “Nhớ làm cho khô đừng có nhiều nước nha”, tôi vẫn chưa hình dung nổi.
Khi tôi bưng ra, ông khách la lên: “Trời, đây là món bò lội lắc chớ lúc lắc gì!” 30 tuổi mà nấu ăn còn bị la, tôi tủi thân chảy nước mắt.
Ông khách thấy vậy, mới hỏi: “Em không có biết nấu món này phải không?” Tôi liền gật đầu thú nhận. Thế là ổng vô chỉ cho tôi nấu lại.
Lần lần người ta đến quán đông. Chồng tôi trở chứng ghen tuông, lại càng đánh dữ, nhưng tôi cắn răng chịu hết. Vì tôi không thể bỏ nghề này được nữa.
Mỗi ngày không được nấu tôi không chịu nổi. Có ngày vừa đông khách, vừa mệt, vừa bị chồng đánh, tôi không thở được phải chạy ra đằng sau để trốn chồng và để thở, nếu không sẽ ngất đi.
Rồi cao xanh quở phạt, một ngày, ổng bị đột quỵ, liệt hết người, nằm một chỗ. Tôi nhìn ổng, ngẫm phận mình, lại phải lo quán xá, nấu ăn. Nhưng tôi nhớ đến ba tôi.
Ông nói: “Ăn ở phải có đức, người đàn bà lại càng cần có đức độ thì con cháu sau này mới thành người”. Tôi thương ba tôi quá mà đâm ra thấy tội chồng mình.
Tôi quyết định lo cho ổng đến khi ổng bình thường trở lại. Sớm mai tôi đi chợ, đến 6 giờ về giúp cho ổng tập vật lý trị liệu, dìu ổng đi từng bước.
Tôi để ổng nằm phía sau quán cho tiện chăm sóc lúc khách vắng. Năm năm sau đó thì ổng bắt đầu đi được và giờ thì hàng ngày hai vợ chồng đạp xe mỗi sáng sớm cùng nhau đi thể dục luôn.
– Chẳng lẽ chị không chút oán hận gì ổng sao?
– Sao không. Má tôi cũng khổ lắm, nhứt là từ khi về nhà chồng, nhưng má tôi chịu hết để cho mấy anh chị em tôi được yên ổn. Tôi là gần chót nên được ba cưng, nhưng ba má cũng không cho đi học nhiều vì nghĩ con gái học chừng đó là đủ… lấy chồng.
Tôi không biết nói sao, hồi trước thấy nghe lời ba má lấy chồng khổ quá. Nhưng làm sao để mình bớt khổ cho nên tôi phải lo làm ăn.
Chồng tôi cũng bị bệnh rồi, ổng cũng đâu có đánh tôi được nữa. Nhưng lúc ổng hoạn nạn mà bỏ ổng thì sao đặng. Lo cho ổng xong thì mình cũng luống tuổi. Giờ có chồng, có con, có quán này, chắc trời thương.
– Từ một quán nhỏ ven đường, sao giờ chị có được cơ ngơi bề thế xanh mướt này?
– Tôi cũng không hiểu sao mình làm được. Mười năm rồi, mỗi ngày sáng sớm lo cho chồng, rồi nấu nướng bán hàng suốt ngày đến tối có khi 1, 2 giờ mới ngủ.
Lúc đó thức được để bán thêm một dĩa đồ ăn là thức. Khi nào hết chịu nổi mới ngủ. Vài năm sau, khi quán đông khách, có thêm vốn, tôi mới mua miếng đất này. Mua xong, mình mướn thợ về xây theo ý mình, tôi tự thiết kế, tự bày cho thợ luôn. Còn cây cối thì tôi tự trồng.
Hiện giờ, tôi đã có thêm tiền mua luôn đám đất bên cạnh để mở rộng ra. Giờ còn sức còn làm. Khi hết rồi thì thôi. Nhưng tôi nghĩ, chắc là mình không giàu, nhưng có phước.
– Cũng từ một người đàn bà nấu ăn vụng về, sao bây giờ chị lại có thể nấu được những món ăn đặc sắc như vậy, như món tép ròng chiên bột, bánh canh tôm nước cốt dừa, đặc biệt là món vịt xiêm nướng lá bạc hà, món bánh canh tôm đã được giải nhì Chiếc thìa vàng 2015 khu vực miền Đông Nam bộ?
– Như tôi đã nói, chắc tôi được hưởng phước từ cha mình. Sau này ngoài những món ăn được chính khách hàng tới bày cách nấu, tôi đã khôi phục những món ăn lạ miệng mà lúc cha còn sống, ông vẫn thường nấu cho chúng tôi ăn như món vịt xiêm nướng lá bạc hà.
Có lần ổng ngán ăn vịt xiêm nấu chao, ổng bèn nghĩ ra một cách, ổng ướp vịt muối ớt rồi thêm một chút gia vị từ cây cỏ, rồi lấy lá bạc hà bọc lại, đem nướng trên than hồng. Không ngờ thịt vịt có mùi rất thơm và ngọt. Cả nhà ăn ké của ổng, không còn miếng xương (vì xương cũng giòn và mềm, nhai là nát liền).
Rồi ổng chế ra nhiều món nữa, tôi nhớ lại hết, ghi vô sổ làm thử, thấy ngon, làm lui làm tới vài lần. Món bánh canh tôm nước dừa này cũng vậy. Đây là món khó nấu nhất vì muốn nêm cho vừa ăn, chỉ có tôi mới nêm được.
Ai hỏi công thức là tôi không có nói được. Vì nói không hết thì họ nấu không ra. Mà nói bí quyết thì đâu có, bí quyết là cái miệng nêm của tôi thôi. Tết vừa rồi, tôi không nghỉ ngày nào vì bà con đến ăn món này rất đông.
Tôi tính năm nay đi thi Chiếc thìa vàng tiếp và có thể sẽ nghĩ ra một món rất mới mà cũng chỉ tay tôi mới nấu được.
– Nói vậy, chị sẽ không truyền nghề sao?
– Có chớ, giờ con trai tôi cũng nấu ăn phụ má. Nó nấu cũng rất giỏi và may phước hơn, nó không có ham nhậu như ba nó. Tôi chỉ mong muốn con dâu tôi nó có một người chồng đàng hoàng, tử tế.
Vì vậy, tôi đã dạy con tôi và mong cho con sau này biết thương người, nhứt là người đàn bà, không có ai khổ hơn họ vậy mà họ vẫn thương người.
Chân Khanh thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
Theo Thế Giới Tiếp Thị