Jon Fosse là tác giả đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn chương sáng tác bằng tiếng Nynorsk, một ngôn ngữ phổ thông ở Na Uy. Ông được trao giải vì “những vở kịch và tác phẩm văn xuôi đầy sáng tạo, lên tiếng cho những điều không thể nói thành lời”. Công trình đồ sộ của ông bao gồm vô số vở kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi hiện đã được xuất bản sang 44 ngôn ngữ và các vở kịch được công diễn hàng ngàn lần trên khắp thế giới. Jon Fosse đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác nhau trong những năm cống hiến của mình.

Tác phẩm: “Ánh sáng trắng” là tác phẩm đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam, chỉ sau 6 tháng ông nhận được giải thưởng Nobel danh giá. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Với lối viết mộc mạc, gần gũi và bình dị nhất, tác giả viết về những trải nghiệm mà ai cũng có thể liên tưởng đến. Những tác phẩm ông viết hầu như không bao giờ được chuẩn bị trước, ông không lên bất cứ kế hoạch nào cho việc viết. Chính khoảnh khắc đó, mạch nguồn sáng tạo tuôn trào qua ngôn ngữ của ông. Những gì là sáng tạo thì không hề phải chỉnh sửa. Bởi vậy, những tác phẩm của Jon Fosse thường được viết trong thời gian rất ngắn. “Ánh sáng trắng” là một trong số đó.

Ấn bản tiếng Việt dày 142 trang do dịch giả uy tín và lâu năm trong ngành, Thiên Nga chuyển ngữ, “Ánh sáng trắng” là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc về ranh giới giữa sự sống và cái chết, về sự mất phương hướng và khao khát. Tác phẩm là câu chuyện về một người đàn ông đi lạc trong rừng, được kể ở ngôi thứ nhất. Trong một ngày cuối thu, anh lái xe đến vùng nông thôn, bị mắc kẹt ở cuối con đường dẫn vào rừng, trong khi trời tối dần và có tuyết rơi và rồi anh nhìn thấy ai đó giống ba mẹ của mình, và ánh sáng…

“Ánh sáng trắng” cũng là tác phẩm mới nhất, được phát hành vào mùa xuân năm 2023, thể hiện độ chín hoàn hảo của Jon Fosse. Ông sử dụng những ẩn dụ thoáng qua về một thế giới mà nhân vật chính của cuốn sách không thể hiểu, không thể giải nghĩa, để khám phá những mục tiêu thách thức nhất của nhân loại: Chắc chắn và vững vàng là một trong số đó. Giọng văn rõ ràng của ông mang lại cho những tình tiết mơ hồ của câu chuyện một chiều sâu vừa mới mẻ, vừa quen thuộc, vừa nhiều lớp nghĩa.

Giáo sư Anders Olsson – thành viên Viện Hàn lâm Thuỵ Điển, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Văn chương nhận xét: “Dù ở dạng văn xuôi, kịch hay thơ, các tác phẩm của ông đều nói về trạng thái không chắc chắn – điều có thể mở ra mối liên hệ với cái thiêng liêng”; “trong thế giới của ông, sự không chắc chắn được bao trùm bởi một ánh sáng bí ẩn”.

Nói theo Phật giáo, sự không chắc chắn là tính cách vô thường, vô ngã, rỗng không của con người và thế giới.

The National Book Review nhận xét cuốn sách mang tinh thần chiêm nghiệm (thiền quán), đậm chất siêu thực và siêu hình. Tác giả đặt những câu hỏi về sự tồn tại, đúng như Ủy ban Nobel từng nhận xét về phong cách của ông: “Jon Fosse chạm đến những cảm xúc sâu sắc nhất trong mỗi người, những lo lắng, bất an, những câu hỏi về sự sống và cái chết”.

The Guardian đánh giá dù dày đặc ngôn ngữ độc thoại, trừu tượng, tác phẩm dễ tiếp cận với đa số độc giả. Giọng văn của Jon Fosse “kỳ lạ đến nghẹt thở, gợi nhớ đến phong cách của nhà văn, nhà viết kịch người Ireland Samuel Beckett, nhưng nhẹ nhàng và thấm đẫm tinh thần Thiên Chúa giáo hơn”.

Fosse tâm tình: “Bây giờ, khoảng năm mươi năm sau, tôi vẫn ngồi và viết – và tôi vẫn viết từ nơi chốn bí mật này, bên trong mình, một nơi mà thực lòng tôi không biết gì nhiều hơn ngoài việc nó tồn tại”.

Cái nơi chốn bí mật ấy, cuộc đối thoại với chính mình ở chốn sâu thẳm nhất của tâm hồn ấy của tác giả đã đưa người đọc đến với nguồn cội bí mật, sâu thẳm của tâm hồn mỗi người. Và biết đâu, ở nơi ấy, người ta khám phá ra Thượng Đế nơi chính mình. Như Fosse đã viết: “Nó giống một kiểu hiệp thông hơn là giao tiếp”.

Fosse kể:

“Đối với tôi, viết là để nghe: khi tôi viết, tôi không bao giờ chuẩn bị, tôi không lên kế hoạch cho bất cứ điều gì, tôi tiến hành bằng cách lắng nghe.

Vì vậy, nếu tôi cần sử dụng một phép ẩn dụ cho việc viết thì đó phải là lắng nghe.

Bạn sẽ nghe thấy gì nếu bạn lắng nghe đủ kỹ?

Bạn nghe thấy sự im lặng.

Và như người ta đã nói, chỉ trong im lặng bạn mới có thể nghe được tiếng nói của Thượng đế.”

Tiếng nói của Fosse, văn chương của Fosse là những lời thầm thì trong sự im lặng, nơi giao thoa của con người và Thượng đế, nơi bóng tối lấp lánh ánh sáng, nơi những nỗi đau thầm kín cá nhân được ban phước. Nhờ nghe được những lời thầm thì ấy, biết đâu các độc giả nào đó có thể khám phá được sự im lặng vĩnh cửu ở nơi tâm hồn mình.

Sau “Ánh sáng trắng”, các ấn phẩm tiếng Việt khác của tác giả Jon Fosse sẽ lần lượt được xuất bản tại Việt Nam, cụ thể là ấn phẩm “Aliss bên đám lửa”“Ba màn kịch” sẽ được xuất bản trong tháng 4 và 5 năm 2024.  “Ba màn kịch” (Trilogien, tiếng Anh là Trilogy) dày khoảng 300 trang, là câu chuyện đầy ám ảnh và đau lòng về tình yêu và bạo lực với những ẩn dụ mạnh mẽ trích từ Kinh thánh lấy bối cảnh ven biển cằn cỗi, bối cảnh hầu hết xuất hiện trong tiểu thuyết của Fosse. Asle và Alida, hai người yêu nhau tha thiết đang vật lộn tìm phương hướng trong thế giới này.

“Mọi thứ ta chứng nghiệm, phải, đều thực trong chừng mực nào đó, phải, và có lẽ ta cũng hiểu được nó trong chừng mực nào đó.”

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Mette Moglestue nói rằng: “Jon Fosse là nhà văn Na Uy đầu tiên được giải Nobel văn học trong 95 năm trở lại đây. Ông là tác giả của một bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết, kịch, thơ, truyện, tiểu luận tới sách thiếu nhi. Việc Thiện Tri thức cho dịch sang tiếng Việt và xuất bản tác phẩm Ánh Sáng trắng của Jon Fosse ở Việt Nam là một hoạt động giao lưu văn hoá tuyệt vời, mang văn học Na Uy tới gần hơn với độc giả Việt Nam. Với cách kể chuyện nhẹ nhàng nhưng không kém phần lôi cuốn, Ánh sáng trắng hứa hẹn sẽ đem tới cho độc giả một trải nghiệm đọc sâu sắc và đầy mê hoặc.”

Khách mời: Nhà văn Nhật Chiêu, người truyền lửa văn chương.

Nhật Chiêu (tên đầy đủ là Phan Nhật Chiêu) sinh năm 1951 tại Sài Gòn, là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, học giả có uy tín. Ông nguyên là ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình dịch thuật – Hội Nhà văn Tp.HCM khóa VII. Uy tín nghề nghiệp của Nhật Chiêu còn được khẳng định qua hàng loạt các công trình có giá trị như: Văn học Nhật Bản (biên khảo), Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung)…

Xuất hiện trên văn đàn từ khoảng 2006, Nhật Chiêu nhanh chóng được xem là một hiện tượng của văn xuôi đương đại với các truyện ngắn Mưa mặt nạ – một tác phẩm dài 14 trang không có một dấu chấm câu nào – phong cách mà Jon Fosse hay sử dụng, Người ăn gió và quả chuông bay đi…  Ngoài ra, với vai trò là nhà văn, ông còn được biết tới qua những tác phẩm như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt – Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ) – có tên trùng với một tác phẩm của Jon Fosse – I is another, Người về với như (thơ ca tương chiếu)… Nhật Chiêu cũng thường xuyên được mời làm diễn giả ở các tọa đàm văn chương. Các buổi nói chuyện của ông luôn luôn thu hút khán giả vì những ý tưởng mới mẻ và sự thú vị trong cách thể hiện.

Chương trình giao lưu với chủ đề: JON FOSSE VÀ NHỮNG CON SÓNG NGÔN TỪ

+ Khách mời: Nhà văn Nhật Chiêu

+ Thời gian: 09:00-11:00, Chủ nhật, ngày 05/05/2024

  • Địa điểm: Sân khấu A, Đường sách Tp. Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Văn Bình, Q.1. Tp. Hồ Chí Minh

Chương trình do Sách Thiện Tri Thức và Thaihabooks phối hợp tổ chức 

Bệnh viện Hạnh Phúc