Lứa tuổi 7X, Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, là tác giả viết sách về Nhượng quyền và hơn 20 năm hội nhập thương trường thế giới, chị đã dành cho DNSGCT một cuộc trao đổi thú vị.
Có nhất thiết phải “biết thế giới” nhiều như chị mới thành công không?
Năm 1998 tôi bước ra khỏi Việt Nam dù khi đó đang là giám đốc marketing một khách sạn ở Sài Gòn. Đó là thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Á. Cảm thấy mình làm rất nhiều, không biết kết quả còn đến đâu nữa. Nhiều người nước ngoài nói ở Việt Nam hoài làm sao biết thế giới. Tôi trăn trở, làm sao phát triển được nếu không biết thế giới. Hồi đó nhìn người nước ngoài như “thần” bởi họ hiểu biết nhiều. Rõ ràng mình như đã “thành công” ở môi trường quen thuộc nhưng sau này khi đi ra mới biết mình mang mặc cảm, nỗi sợ của người Việt Nam đất nước không tiến bộ, học hành không bằng ai. Thiếu hụt nhiều kiến thức.
Chắc đã tích lũy được đủ “tài sản” rồi chị mới qua Úc học được chứ?
Qua đó tôi học ngành Quản trị khách sạn du lịch. Gọi là “tài sản” lúc đó chỉ có 12 triệu đồng Việt Nam, chỉ đủ để sống vài ba tháng ở Sydney. Xác định sẵn là, chưa biết bên ngoài ra sao, sống nổi không. Nếu hết tiền thì… về.
Nhưng việc lớn nhất là tôi đã vượt qua sự sợ hãi, hưng phấn với chương trình học, lên lưng cọp rồi không quay lại được.
Trước đây chị từ chối đi đoàn tụ cùng gia đình, để rồi bây giờ bao công sức mới “ra ngoài” được. Đi đường vòng vậy, có bao giờ chị ân hận không?
Ba má đi. Giờ ở Huston. Tôi lúc đó con út, chưa lập gia đình, nhưng đã xin gạch tên. Có người yêu. Tuổi trẻ một lòng một dạ “hy sinh”. Nhỏ. Ngu. Không hiểu hết ra nước ngoài học được gì. Không biết sẽ có cơ hội gì. Cách nay tám năm lúc có sự thay đổi lựa chọn cuộc đời, một buổi trưa học thiền ở Thái Lan, tôi đã khóc hối hận về sự ngu ngơ của mình. Mình cứ cố chứng tỏ một mình quyết định được mọi thứ.
Đúng là chị đã “một mình quyết định được mọi thứ” thật rồi mà? Muốn trở thành một chuyên gia quốc tế – ước mơ của bao bạn trẻ – con đường ấy thế nào?
Ngay khi học năm thứ nhất khoa Anh Đại học Tổng hợp tôi làm thư ký cho Hội đồng quản trị của Pepsi. Hết đại học tôi làm cho khách sạn Sài Gòn Star. Đang từ trưởng phòng Marketing sang Úc học cao đẳng, làm bồi bàn, dọn phòng… các kiểu cả năm trời vừa làm vừa học. Năm thứ hai “lên đời” làm tiếp tân, đặt phòng. Rồi lên đại học và làm tiếp MBA về truyền thông tiếp thị.
Nghe cũng giống cuộc vật lộn của sinh viên ta trong nước “vừa… bỏ giờ học vừa đi làm” nhỉ?
Thực tế học đại học ở Úc không khó như lúc trước tôi nghĩ. Thời gian không quá bó, học nhóm, tìm hiểu, tự học nhiều hơn. Tôi còn xin đi làm quản trị kinh doanh một công ty lúc họ mở thị trường châu Á, đòi hỏi có tiếng Anh và tiếng Hoa. May mắn là khi ở Việt Nam tôi thích tiếng Hoa nên đã đi học.
Vậy đúng là may mắn chỉ đến với ai đã “chuẩn bị kỹ” để đón được cơ hội. Vì sao chị học tiếng Hoa?
Tôi thích sách lịch sử, ngữ văn, văn hóa hay của Trung Quốc và muốn đọc trực tiếp. Chính sở thích này đã giúp tôi có được cơ hội mới. Khi ra trường tôi được nhận về đó làm việc, thành trưởng phòng phụ trách thị trường châu Á.
Giá trị nhất của tôi có chính là sự trải nghiệm quốc tế toàn diện. Đó cũng là con đường một người trẻ trở thành chuyên gia quốc tế.
Hiểu đúng về nhượng quyền vẫn còn là…vấn đề
Nhượng quyền thương hiệu – thế giới đã làm nhiều, có “bài bản” cả rồi, doanh nghiệp Việt cũng không lạ lẫm. Sao chị nói trên báo chí “Nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam, hiểu cho đúng vẫn còn là vấn đề”. Cụ thể thế nào thưa chị?
Thực ra nó cũng còn khá mới, ít thông tin, nếu doanh nghiệp chỉ muốn tận dụng nguồn lực của quốc tế để đem sự phát triển cho mình, dùng nguồn lực của người ta để phát triển thương hiệu của mình thì giống như làm sao có lãi, ôm lấy cục tiền rồi bỏ chạy thì không tài nào ra thế giới được. Nhượng quyền là chia sẻ sự thịnh vượng chứ không phải chỉ lấy được gì của người ta. Không ai ngu. Đến để chia sẻ. Thí dụ bán được một hợp đồng nhượng quyền 10 năm, thì phải làm việc với nhau 10 năm đó, hỗ trợ marketing, phát triển thị trường, hoạt động, đào tạo. Nhượng quyền không phải chỉ bán thương hiệu, treo bảng lên, kinh doanh rồi chấm hết. Đó là áp dụng mô hình nhượng quyền thôi. Trong khi nhượng quyền chính là chia sẻ mô hình kinh doanh đã thành công. Vấn đề lớn nhất của Việt Nam chính là tư duy ngắn hạn
Có con đường nào ngắn nhất để “ra thế giới” không? Người ta hay nói “đi tắt đón đầu” đó.
Nền tảng không có không đi tắt được. Có nền tảng rồi thì có lúc phải đi nhanh hơn. Con đường ngắn nhất mấy chục giây – thay đổi tư duy. Còn nếu không thì đường dài thăm thẳm. Phải thay đổi từ tư duy ngắn hạn sang dài hạn. Từ tư duy chụp giật sang làm bài bản xây dựng thương hiệu bền vững trăm năm. Cứ thế đã, còn các bước khác sẽ thực hiện được, chỉ là vấn đề kỹ thuật mà thôi.
Tư duy dài hạn xây dựng thương hiệu bền vững là điều các doanh nhân trong nước rất muốn. Nhưng làm “bài bản” phải có các điều kiện vốn liếng, chính sách, nhân lực trong một lịch sử phát triển kinh tế nhiều thay đổi nên nhiều người lợi dụng được gì là làm cái đó. Chị có thấy đó là những trở ngại lớn?
Đúng là có nhiều thách thức. Nghèo khó là một trong những vấn đề. Những bất ổn của nền kinh tế, chính sách, luật lệ. Nhưng phải có tầm nhìn dài hạn. Không thể chỉ muốn nói đến doanh thu ngay lập tức chứ không nói đến nền tảng bền vững. Người Việt rất giỏi xây dựng hệ thống phân phối, giỏi “bán hàng”, bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính, mua hết hệ thống phân phối rồi dẹp hết thương hiệu. Nói thì có vẻ “hơi nhà quê” nhưng chuyện uy tín là cực kỳ thiếu ở Việt Nam. Làm ăn phải có hiệu quả, làm cho ra, trở thành bạn và tin. Không phải chuyện chủ động hay bị động, mà là sự nhất quán với giá trị của mình. Gọi là “trở về ngày số 0”. Anh có cái gì chứ không phải bán bao nhiêu. Trở về với sự mộc mạc nhất của mình, không cần long lanh hoành tráng gì ghê gớm. Thực tế những người thành công, lõi đời thường có điều duy nhất – sự kết nối. Tin ở sự chân thật của mình chứ không phải là “đi bán hàng”. Trong cuộc đời bao giờ cũng có những người giỏi hơn mình nên “chém gió” là không ổn. Có “thầy” của mình trong số người nghe.
Đi gặp những “con người của tương lai”
Thật khó hình dung cách làm việc ít ở văn phòng của chị. Lao động của “trí thức toàn cầu hóa” như chị thế nào? Đi tới cả chục nước, sở hữu hai công ty tư vấn ở Malaysia và ở Anh, làm cố vấn cho vài tập đoàn nước ngoài về phát triển thị trường… đi làm diễn giả rất nhiều… Không “chết” vì họp hành sao?
Vấn đề quan trọng người kinh doanh không phải là làm mà là đưa việc cho người khác làm. Chủ đi… đánh golf. Tư duy là quan trọng nhất. Càng phát triển nghề nghiệp, càng có nhiều thời gian. Tư duy đường hướng chiến lược, còn thực hiện nó thì người khác làm tốt, chi tiết hơn mình. Chỉ những dự án lớn như Malaysia tôi mới phải trực tiếp nhiều, còn thì mang những yêu cầu kinh doanh về cho nhân viên. Xây dựng đội ngũ có thể làm tốt mọi thứ. Tôi đầu tư vào những công ty khác nhau, không trực tiếp giữ chức danh. Là chủ tịch HĐQT, đầu tư, định hướng chiến lược. Đi xây dựng hệ thống network, gặp gỡ, thảo luận…
Phải hình dung công việc của chị thế nào?
Nghĩ về tương lai thì ngồi đâu cũng nghĩ được. Điều kiện chỉ cần chiếc điện thoại, máy tính nối mạng internet là làm việc được ở bất cứ đâu, trong khách sạn, ngoài bãi biển. Vào văn phòng như bị đóng khuôn. Nghĩ về chiến lược, phương hướng, tương lai, tham gia diễn thuyết rất nhiều.
Chị thường diễn thuyết những chủ đề gì?
Tôi thường thuyết trình ba chủ đề chính: Thứ nhất là về nhượng quyền thương hiệu – là nghề tôi gắn bó nhiều kinh nghiệm nhất. Giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của châu Á làm cách nào phát triển thương hiệu để nhượng quyền ra thế giới. Thứ hai là về marketing xây dựng thương hiệu. Thứ ba là chủ đề về Việt Nam: Việt Nam là gì, thị trường có nhiều tiềm năng, thách thức không.
Diễn thuyết ở nhiều nơi, những câu hỏi mà chị thường gặp là gì?
Về nhượng quyền thương hiệu thì câu hỏi thường là: Làm thế nào để ra thế giới nhanh nhất? Ai cũng thích nhanh hết. Về tình hình Việt Nam, thường là hỏi những khó khăn và cách giải quyết như thế nào. Một công ty vào Việt Nam gặp rắc rối về hành chính, giấy phép, các vấn đề luật pháp. Không biết lúc nào có chuyện gì xảy ra. Thời gian qua đầu tư nước ngoài vào làm cho ở Việt Nam xuất hiện tình trạng không đủ nhân lực đáp ứng đúng kỹ năng. Kỹ năng chưa đến nhưng tiền trả cao hơn giá trị (lạm phát). Khủng hoảng thiếu nhân sự cấp trung. Người mới vào thì cái học được ở trường với nhu cầu xa nhau quá. Nhưng nhiều khi họ không tự thấy được. Một người Anh làm khảo sát sinh viên Việt Nam cho biết: Khi được hỏi là theo bạn, đã được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc chưa, thì đều trả lời quá lạc quan. Trong khi đó, nhà tuyển dụng phải đào tạo lại từ đầu. Giữa hiểu biết và thực tế xa nhau quá.
Cơ sở vật chất hạ tầng Việt Nam còn khó khăn. Việc đưa hàng đến địa phương an toàn và nhanh nhất đều thua các nước.
Còn các doanh nghiệp Việt chắc nhiều lời than “không có vốn”?
Thực ra không tốn quá nhiều nếu đầu tư bài bản. Không biết sáng tạo, cứ thế bán hoài. Người Việt bảo sáng tạo phải tốn nhiều tiền. Thật ra phải hiểu người tiêu dùng, sản phẩm phải cải tiến như thế nào cho người tiêu dùng thích nhất, sướng nhất, hợp lý nhất chứ không chỉ chăm chăm mục đích “tôi bán”.
Chị đang dồn sức làm gì hiện nay?
Như đã nói, tôi làm diễn giả rất nhiều, đi gặp nhiều con người của tương lai…
Người của tương lai??
Thí dụ Việt Nam đang phát triển, đi tới chặng đường người ta đã đi qua. Họ hiểu những khó khăn, họ đi trước thời đại.
Dấu hiệu nào để nhận ra họ?
Thường tôi gặp ở các hội nghị lớn, nhiều diễn giả giàu kinh nghiệm, mình tương tác với họ. Hỏi xem theo họ nghĩ ngành này ở Việt Nam sau họ bao lâu, sẽ gặp khó khăn gì, hướng phát triển thế nào, họ đang làm gì…
Chị cho điều gì là thử thách lớn nhất đối với mình hiện nay?
Như mọi người đều có ước mơ riêng, tôi muốn làm sao mình là một diễn giả thực sự quốc tế, phấn đấu tới được diễn đàn TED Talks (Technology Entertainment and Design). Đứng được ở Mỹ, châu Âu để nói.
TED Talks đòi điều kiện khó lắm, nơi chia sẻ của nhiều người xuất chúng?
Từng là diễn giảở châu Á đã là một điều kiện. Tôi phải nghiên cứu thêm. Ở TED Talks mỗi người chỉ được nói 18 phút cho khán giả trên thế giới bình chọn. Ở đó người ta thường nói về nhiều vấn đề như giáo dục, thay đổi hành vi con người, cách tiếp cận, cách học hỏi con người… Nó hóc búa là phải nói đề tài thay đổi được một cái gì đó cho thế giới này. Muốn vậy, tôi phải tạo ra một giá trị.
Chị sẽ phải “đầu tư” vào mơ ước này như thế nào?
Tôi vẫn sẽ làm tốt công việc của mình, và sẽ tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, hỗ trợ tư vấn cho việc khởi nghiệp. Tôi quan niệm sự thành đạt của cá nhân phải đem đến bình an hạnh phúc cho nhiều người. Đưa ra lời khuyên, kinh nghiệm và suy nghĩ có giá trị cho xã hội và cộng đồng lớn. Gì chứ bắt đầu từ sự tử tế là làm được, giúp cho người khác có động lực vươn lên là người tử tế.
Công việc chị làm cụ thể là gì?
Thí dụ, cũng giống như với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tôi đã làm ở Malaysia, tôi có thể đưa nhiều chuyên gia về Việt Nam, họ có thể làm vì cộng đồng. Chính phủ không phải trả tiền gì. Nhưng khá lạ là, nhiều nơi tôi như “vấp phải đá”. Nghe chuyện làm cho cộng đồng, miễn phí, nhiều nơi cấp chính quyền không nhiệt tình tin tưởng. Họ muốn làm gì ra tiền kia.
Nhưng ngày 12 tháng này có công bố một năm thực hiện chương trình chị đeo đuổi, đã có năm doanh nghiệp được giúp miễn phí đã bước ra được với thế giới?
Vâng, đó là chương trình “Đồng hành xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền Made in Việt Nam”. Điều kiện để nhận sự giúp đỡ tư vấn miễn phí này là các doanh nghiệp trong ngành mũi nhọn của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, ẩm thực… Sẽ có 10 doanh nghiệp tiếp theo được tư vấn. Những người đi trước lại trở thành người giúp đỡ cho người đến sau. Rất nhiều người đã chú ý tới chương trình. Tôi đã bắt đầu giúp một doanh nghiệp nhỏ nữa ở Nha Trang.
Phải có đam mê, trái tim đủ lớn tầm nhìn đủ xa giúp người khác nữa. Tạo ra sức lan tỏa cộng đồng.
Có phải vì muốn có sức lan tỏa nhanh hơn nữa mà chị còn viết sách?
Vâng. Cuốn thứ nhất “Nhượng quyền khởi nghiệp – con đường ngắn nhất bước ra thế giới” và cuốn thứ hai mới xong “Gửi gánh băng đồng ra thế giới”…
“Nhà” của trí thức toàn cầu hóa
Chị có hai passport – Úc và Việt Nam, từng là giám đốc marketing ba khu vực: châu Á, Trung Đông, Đông Âu – những thị trường đang phát triển. Đi tới 60 nước, vậy chị sống chính ở đâu, “nhà” của chị ở đâu?
Tôi không ở đâu chính, một tháng có khi 25 ngày đi nước ngoài. Những năm 2012 đến 2014, đi “không thấy mặt trời”. Nhưng tất nhiên, nhà của tôi là Việt Nam. Về để thở, để ngủ…. rồi đi tiếp. Đi dữ, thấy thương Việt Nam. Nhưng hễở lâu khoảng một tháng là thấy khó chịu rồi. Đường sá đông đúc. Cách tương tác của con người – nhiều khi người ta chỉ quan tâm tiền, chức danh… Với những người trải nghiệm như tôi thì những thứ đó không ý nghĩa gì nữa. Tìm một người vô tư là khó.
Chị có thể cho phép câu hỏi riêng tư (độc giả sẽ chê nhà báo nếu không hỏi) vì chắc chắn họ muốn biết một phụ nữ trẻ nhiều công việc, đi dữ thế, thì việc gia đình ra sao? Quan niệm của chị về hôn nhân?
Tôi đã ly hôn, có một con gái 13 tuổi, cháu sống với cha (anh ấy là người Úc) ở tại Việt Nam khi tôi đi vắng.
Tôi nghĩ, hôn nhân không nhất thiết bị ràng buộc vào giấy tờ ký kết. Hai người cùng quan điểm sống, tầm nhìn, giá trị… thì cái mà xã hội quy định không có ý nghĩa gì.
Xin cảm ơn chị đã cởi mở cho cuộc trò chuyện thú vị.
Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện
Tranh Hoàng Tường (DNSGCT)
http://www.doanhnhancuoituan.com.vn/doanh-nhan/an-trua-doanh-nhan/doanh-nhan-nguyen-phi-van-gia-tri-lon-nhat-cua-toi-la-su-trai-nghiem-quoc-te-toan-dien.html