Đặt lợi ích quốc gia lên trước tiên
Quyết định chính thức hủy chặng đua F1 2020 và 2021 tại Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia và người dân. Một khảo sát trên mạng xã hội cho thấy, có tới hơn 90% số người được hỏi ủng hộ quyết định này.
“Tôi nghĩ cần cân nhắc việc tổ chức giải đua tốn kém này lâu dài. Với nhu cầu của người dân hiện nay chỉ mong không mất việc, không giảm lương, trong vài năm tới, nếu cố tổ chức F1 chỉ càng gây ra tình cảnh khó chồng khó cho kinh tế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người lao động” – anh Linhbacpham, một người tham gia khảo sát, bình luận.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế dày dạn kinh nghiệm nhận định, môn thể thao “tỉ đô” này không còn phù hợp với Việt Nam khi dịch Covid-19 làm tiêu tan hoàn toàn những kỳ vọng về giá trị thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh.
“F1 là giải đấu mang nhiều rủi ro cho Việt Nam” là đánh giá của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, hai rủi ro lớn nhất là nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và hiệu quả kinh tế.
Cần đặt lợi ích quốc gia lên trước tiên cũng là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong một bài phỏng vấn về việc này. Sau 11 tháng của năm 2020, đã có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế đã chịu thiệt hại như thế nào vì dịch bệnh. Rủi ro dịch bệnh quay lại luôn rình rập, tiềm ẩn nguy cơ mất trắng tất cả.
Cần một quyết định phù hợp “trạng thái bình thường mới”
Đầu năm 2021, những diễn biến mới của đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến các quốc gia e ngại. Tính tới ngày 6-1-2021, thế giới đã có 86,7 triệu ca nhiễm và 1,87 triệu người chết. Biến chủng mới của nCoV khởi phát từ nước Anh đang đặt ra những thách thức mới. Tại Mỹ, kể từ khi biến chủng này xuất hiện vào ngày cuối năm 2020, chỉ 1 tuần sau đó, nước này đã ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục vào ngày 5-1-2021 (3.900 người chết trong 24 giờ). Trong khi đó, nước Anh đã phải ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc, dự kiến tới giữa tháng 2-2021. Theo dự đoán, các giải thể thao tại nước này, bao gồm cả Giải bóng đá ngoại hạng Anh, cũng sẽ phải tạm dừng nếu các ca Covid-19 mắc mới tiếp tục gia tăng.
Nếu không tính lý do đại dịch thì, trước đó, đã có nhiều tiền lệ trên thế giới “dừng cuộc chơi” F1 khi cân nhắc các lợi ích không đảm bảo. Nước Đức từng có lịch sử đua xe F1 rất tự hào với những tay đua cự phách như Michael Schumacher, Sebastian Vettel hay Nico Rosberg. Nhưng quốc gia này cũng không thể duy trì liên tục chặng đua F1 vì chi phí tổ chức quá lớn.
Gần hơn, ngay tại Đông Nam Á, Malaysia cũng từng kỳ vọng rất lớn vào cuộc đua này mang lại giá trị kinh tế to lớn. Theo nhật báo hàng đầu Malaysia – New Straits Times, quốc gia này phải bỏ chi phí khổng lồ lên tới hơn 50 triệu USD mỗi năm để duy trì chặng đua. Thế nhưng ngay cả trong tình trạng không có dịch bệnh, nguồn thu tỷ lệ nghịch với số tiền ban tổ chức bỏ ra, lỗ ròng dẫn đến quốc gia này đã quyết định hủy chặng đua ở Sepang International Circuit từ năm 2017.
Giới chuyên môn nhìn nhận, dù không rõ Việt Nam phải bỏ ra bao nhiêu kinh phí cho hoạt động này mỗi năm, nhưng có lẽ khó mà thấp hơn khoản tiền Malaysia đã chi ra. Nếu đúng như vậy, để hoàn tất hợp đồng 10 năm, sẽ tiêu tốn hơn nửa tỷ đô chỉ để mang về giải đua này 3 ngày một năm.
“Đó là sự lãng phí quá lớn. Một chặng đua F1 với số tiền đầu tư lớn nhưng tương lai ít lạc quan chính là điều bất định – khó đoán được kết quả, mà ta cần tránh”, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận. Ông nói thêm, hủy chặng đua dài hạn từ góc nhìn kinh tế chính là để giảm thiểu thiệt hại cho nguồn lực xã hội, nói rộng hơn nữa là cho cả nền kinh tế trong tương lai, khi Việt Nam cần tập trung ưu tiên để chữa lành vết thương do đại dịch gây ra. Góc nhìn này được giới chuyên gia đồng thuận với quan điểm, Hà Nội cần quyết liệt để đưa ra quyết định vì lợi ích người dân. Càng chậm trễ ra quyết định, càng khiến nguồn lực của doanh nghiệp nói riêng, của cả xã hội nói chung rơi vào cảnh bị treo, chưa được “giải thoát” để phục vụ cho mục tiêu cấp bách hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của Hãng tư vấn McKinsey, đa số nhóm ngành nghề phải mất ít nhất 5 năm mới hồi phục, đặc biệt là sản xuất, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ giải trí nghệ thuật… Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, chưa thể nhận định chính xác được những gì sẽ diễn ra hoặc phải đương đầu trong tương lai. Vì thế, nếu không tiết kiệm mọi nguồn lực khôi phục kinh tế, tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng. Một cuộc đua siêu tốn kém tới hàng tỷ đô sẽ là vô cùng lãng phí và phản cảm trong bối cảnh chưa lường trước được các hệ lụy sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Nguồn: An Ninh Thủ Đô
https://anninhthudo.vn/f1-cuoc-choi-dat-do-khong-con-phu-hop-