Ép ăn làm cho bé mất hứng thú ăn uống, cùng với việc thụ động để cho người lớn bón khiến bé hoàn toàn không tự giác ăn.
Gần đây mình hay thấy nhiều bài phản ánh về việc các cô nuôi dạy trẻ có hành vi bạo lực, hay ứng xử chưa phù hợp với trẻ. Khi xem video, mình thấy phần lớn vụ việc liên quan tới việc cho bé ăn. Điều mình thấy lạ ở đây là có nhiều bé khá lớn rồi nhưng các cô vẫn phải bón cho từng thìa, còn các cháu thì hoàn toàn không có hứng thú trong việc ăn uống.
Bữa ăn sáng của các bé ở Đức. |
Mình sống tại Đức, cả ba đứa con đều đi nhà trẻ từ rất sớm. Tại Đức, trẻ được dạy cách tự ăn từ khi biết ngồi. Ở các nhà hàng, bạn có thể thấy bé mới tầm 10-12 tháng tuổi đã được ngồi ghế dành riêng cho em bé, có bát có thìa riêng. Và vì chưa biết cầm thìa, các bé được tự do dùng tay bốc đồ ăn đưa lên miệng.
Nhìn bãi chiến trường do bé gây ra, mình là người Việt chưa quen thì phát khiếp, nhưng ở bên này đó là chuyện thường ngày trong các gia đình. Đặc biệt, các bé không bao giờ bị ép ăn. Chính việc bé bị ép làm cho bé mất đi hứng thú ăn uống, cùng với sự thụ động, tức để cho người lớn bón thay vì tự ăn, khiến bé hoàn toàn không có ý thức tự giác ăn.
Nhớ hồi đứa con đầu còn nhỏ, mình cũng giống nhiều người Việt khác, rất sợ con tự ăn thì miếng được miếng không sẽ không đủ no, còn nếu một bữa bé không ăn gì thì mình hốt hoảng như thể bé sẽ chết mất. Mẹ chồng mình là người Đức đã rất thản nhiên khuyên không nên lo lắng vì ăn uống là vấn đề sinh tồn của tạo hóa.
Chưa có bố mẹ nào ở bên này phải chứng kiến bé nhịn tới bữa thứ ba vì sau nhiều lắm là hai bữa thì bản năng sinh tồn đã thôi thúc các bé phải nạp thức ăn cho bằng được. Chỉ cần không được cho ăn vặt thì đến đúng giờ ăn là bé sẽ đói thực sự, như vậy đến bữa sẽ ăn rất nhiệt tình.
Bé tập làm bánh. |
Một vấn đề rất quan trọng nữa là đồ nấu cho bé nên chú trọng vào chất lượng, giảm về số lượng, vì các bé không kiên trì để ăn nhiều. Khi bé dừng lại thì không nên ép. Sau này khi ở tuổi lớn hơn thì đương nhiên sẽ phải dạy bé không được bỏ thừa đồ ăn, nhưng trong 1-2 tuổi thì không nên quá khắt khe.
Quay lại vấn đề chăm nuôi trẻ tại các cơ sở ở Việt Nam, chính vấn đề nuôi dạy sai cách đã gây ra áp lực cho cô nuôi dạy trẻ. Việc cố nhồi ép rất căng thẳng cho cả hai phía nếu các cháu không muốn ăn. Đến việc cho con mình ăn, các bà mẹ còn thấy căng thẳng, thì việc các cô cùng một lúc phải cho nhiều bé ăn, đương nhiên không thể tránh khỏi áp lực, từ đó nảy sinh hành động mất tự chủ.
Có thể chính các cô sau khi có hành động bộc phát lúc đầu cũng thấy tội cho bé, nhưng cứ đến bữa thì quy trình đó lại lặp đi lặp lại, mãi rồi thành thói quen dẫn tới vô cảm.
Bé đang được hướng dẫn và thực hành thao tác đánh răng đúng cách. |
Theo mình, vấn đề chỉ có thể được giải quyết về lâu dài nếu thay đổi ngay từ quá trình đào tạo các cô nuôi dạy trẻ, chứ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hay sa thải khi đã xảy ra sai phạm. Các cô cần được hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ một cách khoa học hơn. Nên mời các chuyên gia từ các nước có nền giáo dục trẻ giỏi về đào tạo cho đội ngũ hàng đầu, rồi từ tiếp tục trải rộng đào tạo tới từng cơ sở.
Như tại Đức, các bé không chỉ được giáo dục tính tự lập mà còn được dạy bảo nhiều kỹ năng sống từ khi còn rất bé. Còn các bé thì rất háo hức khi được khám phá những điều mới lạ. Có như vậy trẻ mới có thể phát triển về tâm và sinh lý một cách hoàn hảo nhất.
Theo H.L.W/ Vnexpress