Mừng con đậu lớp 10 trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP.HCM, tháng qua chị Thanh đãi gia đình và bạn bè con tại một cửa hàng thức ăn nhanh gần nhà.
Chị nói: “Rất thuận tiện, ai muốn ăn gì cứ gọi. Ngày nay ai cũng thích thức ăn nhanh”.
Chị Thanh có lẽ đúng. Tiện lợi và được người dân hâm mộ, nên từ vài thương hiệu thức ăn nhanh ban đầu như KFC, Lotteria, Jollibee vào cuối những năm 1990, vài năm gần đây TP.HCM xuất hiện thêm hàng loạt tên tuổi khác như Subway, Burger King, Pizza Hut, McDonald’s, Pizza Logic…
Ngồi ở một quán nhỏ trên đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM, nơi được mệnh danh là khu Tây balô, anh David Bennett người Anh, vừa nhâm nhi cốc bia vừa nói: “Năm 2005 tôi đến đây du lịch, hơn mười năm sau quay lại và không tưởng tượng nổi thành phố này có bao nhiêu cửa hàng thức ăn nhanh. 300, 400 hay 500 cửa hàng?”.
Khó có con số chính xác, nhưng nếu vào năm 1997 KFC là thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên ở Việt Nam chỉ với một cửa hàng duy nhất ở TP.HCM, thì hiện nay là hơn 140, trải ra hơn 19 tỉnh, thành khác nhau.
Người ta đến cửa hàng thức ăn nhanh vì nhiều lý do. Ăn thay bữa trưa hay bữa tối mà không phải nấu ăn ở nhà. Ăn mừng lên lương, thăng chức, sinh nhật và cả… thôi nôi, đầy tháng.
Nhưng vào tháng 2/2014, khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM thu hút cả ngàn người xếp hàng dài chờ mua, Ralf Matthaes, giám đốc vùng của TNS, một công ty tư vấn nghiên cứu thị trường của Anh, phát biểu trên tờ The New York Times: “Người Việt không đến cửa hàng ăn thức ăn nhanh để thưởng thức hương vị món ăn, mà để thết đãi nhau và khao khát thể hiện sự sành điệu”.
Nhận xét này không chỉ của Matthaes. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, dù ngành hàng dịch vụ ăn uống có vẻ bão hoà vào năm 2016, nhưng tăng trưởng của thức ăn nhanh ở Việt Nam vẫn bảo đảm bởi sự du nhập của lối sống phương Tây và phát triển của các mạng xã hội, đã khiến giới trẻ ngày nay hâm mộ phong cách sống hiện đại, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Tò mò với văn hoá và món ăn nước ngoài, nên đã có thời người trẻ Việt hâm mộ K-pop (nhạc pop Hàn Quốc) và kebab (bánh mì thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ), và trong khi trào lưu này có vẻ đi xuống, thì thức ăn nhanh phương Tây vẫn thịnh hành, cho dù người ta cảnh báo nó gắn liền với đại hoạ béo phì.
Một số nguyên nhân gây béo phì đã được nhận diện gồm di truyền, lối sống, và đặc biệt là chế độ ăn giàu thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường và chất béo. Các nghiên cứu cho thấy người nào ăn nhiều thức ăn nhanh sẽ nhiều khả năng bị tăng cân và béo phì, nhưng đằng sau đó là một hiểm hoạ giấu mặt cần nói đến là hội chứng chuyển hoá với những sát thủ hung hãn: bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Circulation vào năm 2014, cho thấy tại Singapore người nào ăn thức ăn nhanh kiểu phương Tây hai tuần/lần hoặc nhiều hơn, thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 tăng 27% và nguy cơ tử vong vì bệnh mạch vành tăng 56%, so với người ăn ít hoặc không ăn thức ăn nhanh. Thời gian ăn thức ăn nhanh càng kéo dài, nguy cơ tử vong vì bệnh tim càng tăng cao. Kết quả này rất đáng tin cậy, vì nghiên cứu quy tụ 63.257 người với thời gian theo dõi hơn mười năm.
Nhưng đừng nghĩ tác hại của thức ăn nhanh chỉ đến từ thành phần dinh dưỡng. Năm qua, nghiên cứu của đại học George Washington (Mỹ) lần đầu tiên cho thấy ở người ăn thức ăn nhanh, nồng độ các chất chuyển hoá phthalate DINP và DEHP của họ tăng 23,8 – 40% so với người không ăn thực phẩm này. Phthalate là hoá chất công nghiệp sử dụng trong các vật liệu đóng gói, và như thế chính quá trình đóng gói thức ăn nhanh đã thôi hoá chất độc hại, ảnh hưởng lên sức khoẻ con người.
Biết thế, nhưng người ta khó cưỡng lại được sức quyến rũ của thức ăn nhanh, vì các thương hiệu biết thường xuyên thay đổi khẩu vị và lôi cuốn người dùng bằng các chế độ khuyến mãi hấp dẫn. Bên cạnh món gà rán phương Tây, có món gà rán truyền thống, có phần ăn cá nhân thì có phần ăn cho cả gia đình, rồi nào là những combo càng ăn nhiều càng… tiết kiệm tiền!
Trong bài viết tuần qua trên The New York Times, hai tác giả Dionne Searcey và Matt Richtel dẫn số liệu cho thấy từ năm 2011 – 2016, thức ăn nhanh tăng trưởng 21,5% ở Mỹ; thì trên toàn cầu nó tăng trung bình 30%, trong đó ba quốc gia dẫn đầu là Argentina tăng 254%, Việt Nam 83% và Ai Cập 64%.
Có lẽ nên buồn hơn nên vui vì các chuyên gia cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng ở người trẻ và trẻ em Việt Nam. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thành thị là 21,1% và ở nông thôn 7,6%. Nguyên nhân chính là chế độ ăn mất cân đối (nhiều chất béo, đường) và ít hoạt động thể lực.
Tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TP.HCM, chiều chiều người ta thường thấy cả trăm người dân tham gia tập luyện, phần lớn là trung niên và người già. Nhưng đối diện công viên, bên kia đường, là một cửa hàng thức ăn nhanh, nơi đó trẻ em, người trẻ lại chiếm đa số; và không biết trong số họ bao nhiêu người biết mối liên hệ giữa thức ăn nhanh và nguy cơ béo phì.
Năm nay 21 tuổi, Hương, sinh viên ngành marketing, cao 1m56, nặng 65 ký, nhưng ít ai biết cách đây vài năm cô nặng đến 80 ký. Cha cô, ông Long, nói: “Tôi từng một thời ăn uống thiếu thốn nên cứ nghĩ phải bù đắp cho con bằng ăn uống thoải mái, nào ngờ nó bị béo phì và nhiều thứ bệnh khác nhau”. Một trong những món khoái khẩu của Hương là thức ăn nhanh, nhưng giờ đây cô phải từ bỏ, quyết giảm cân vì đang có bạn trai để ý.
Phan Sơn
Theo Thế Giới Tiếp Thị