Nỗi lo sợ bị “dán nhãn” là người mẹ tồi tệ được cho là nguyên nhân khiến tình trạng trầm cảm sau sinh của phụ nữ trở nên nghiêm trọng.
Một cuộc khảo sát trực tuyến trên tạp chí khoa học British Journal of General Practice (Anh) cho thấy các bà mẹ thường cố giữ im lặng, che giấu những lo âu, trạng thái suy sụp tinh thần khi họ thấy mình “không ổn” trong việc chăm sóc con.
“Dán nhãn” phụ nữ là người mẹ tồi có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng – ảnh TELEGRAPH
Đối với những phụ nữ mới làm mẹ, việc đứa con của họ không tăng cân đúng chuẩn, thường bệnh vặt hay đơn giản là trông có vẻ “không bằng con người khác” có thể gây ra rất nhiều lo lắng. Tình hình sẽ nghiêm trọng nếu họ bị người thân, bạn bè, nhân viên y tế hay thậm chí là những người không quen biết chỉ trích là người mẹ tồi.
Theo các nghiên cứu tại Anh, trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến 10-15% phụ nữ, và có thể kéo dài rất lâu sau sinh. Ngoài áp lực phải làm “người mẹ tốt”, họ còn bị áp lực bởi sự kỳ thị về chính tình trạng trầm cảm của mình. Điều này càng khiến họ khép kín, không thể chia sẻ với ai và không thể tìm sự trợ giúp.
Theo Tiến sĩ Judy Shakespeare, Đại học Y đa khoa Hoàng gia Anh, một trong các tác giả của nghiên cứu trên, việc kiểm tra sức khỏe tâm thần cho phụ nữ vào mỗi 6 tuần sau sinh là cơ hội rất quan trọng để bác sĩ và các người mẹ mới thảo luận về sức khỏe tinh thần, giúp ngăn chặn những diễn biến xấu của trầm cảm sau sinh nếu có.
Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm, mà nghiêm trọng nhất là việc người phụ nữ tự hủy hoại bản thân và gây nguy hiểm cho đứa con mới sinh. Cách đây ít lâu, dư luận Việt Nam từng chấn động bởi việc một phụ nữ ở Thạch Thất, Hà Nội dìm chết con 33 ngày tuổi vì trầm cảm sau sinh.
Theo các bác sĩ, trầm cảm sau sinh có thể khởi phát từ ngày thứ 4-5 sau sinh. Người phụ nữ mắc bệnh cần được xem như bệnh nhân và cần được điều trị, đồng thời rất cần sự quan tâm, chăm sóc, thông cảm của gia đình.