Có ơn nào lớn hơn ơn cha mẹ – một trong Tứ trọng ân Phật dạy làm người phải gìn giữ, báo đáp, nếu không thì “sẽ không lớn nổi thành người”? Em thương cha kính mẹ cũng vì cái ơn ấy cao sâu. Nghĩ cảnh mẹ chín tháng cưu mang rồi sanh em đau đớn, sinh được em mẹ mừng ví như “được bạc, được vàng”, rồi “ướt mẹ nằm, khô ráo phần con” em đã đủ ngân ngấn, thấy lòng mình nghẹn cứng rồi. Nên em khóc, vì thương mẹ, vì hối lỗi của mình. Nhưng, em đã bao giờ hứa sẽ không làm cha buồn, mẹ lo chưa? Nếu chưa, hãy hứa từ sâu thẳm trái tim mình, như thế mới là sám hối chứ hối và khóc thôi đâu có ích gì!
Tri ân, báo ân là cái nghĩa đẹp, là hạnh lành, bởi nó xác tín rằng, em không phải là người “quên ân trái đức”, rằng Phật tánh trong em vẫn sáng ngời, hiển lộ một cách tự nhiên từ lòng tôn kính hai đấng sinh thành.
Khi đó, việc em cài đóa hồng lên ngực, dù trắng hay hồng cũng đều là dịp nhắc em sống tử tế, để không làm buồn cha mẹ, để em không phải lí nhí trả lời khi họ hỏi “con con nhà ai?” và để em không phải nghe người ta xầm xì “ai mà không biết dạy con, để con hư vậy không biết?”.
Đừng nghĩ, mình làm mình chịu, đừng quên sợi dây liên hệ với cha mẹ, trong điều tiếng hay phước báo của mỗi người đều có liên đới tới những người đã sanh và dưỡng mình. Do vậy, hãy cẩn trọng. Khi ấy, đóa hồng trên áo và dòng nước mắt kia mới thật mang ý nghĩa sám hối, ý nghĩa nhớ ơn sâu nặng của mẹ cha, em à!
Hiền Đỗ/ Giác Ngộ online