Bà Nguyễn Thị Hoè, chủ tịch tập đoàn sơn Kova, đã gần 70 tuổi, nói: “Tôi giờ đâu có ăn uống tiêu xài gì, nhưng vẫn phải làm việc liên tục, vì thấy mình không thể ngồi không được”.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, chủ tịch L&A Group, trẻ hơn nhiều, bảo: “Phải chì như vậy mới thành công được”. Và trong con mắt của những người phụ nữ thành công, họ tin rằng tài năng là thứ không nằm trong bảng xếp hạng tố chất mong muốn của mình…

hawee-1024x688

Đó là một buổi chiều tháng 3, đã qua hơi lâu ngày Quốc tế phụ nữ, nhưng hội nữ doanh nhân HAWEE vẫn chọn tổ chức sinh nhật của mình, và nói một chuyện vô cùng thời sự: hành trang kinh doanh xuyên biên giới.

Tôi được rủ rê để ngồi với những người “đàn bà thép” thực thụ: bà Cáit Moran – đại sứ Ireland tại Việt Nam, cùng bà Hoè, bà Lệ và bà Nguyễn Thị Phi Vân – chủ tịch công ty Franchise châu Á. Ban tổ chức giao hẹn: “Không nói những chuyện nữ quyền, sức mạnh mềm hay quyền lực phụ nữ, chỉ nói chuyện lợi thế cạnh tranh xuyên biên giới”.

À, cạnh tranh xuyên biên giới thì phụ nữ Việt Nam có gì hay hơn để giành thắng lợi? Bà Hoè nói chuyện xách mì tôm đi Mỹ bán hàng, là phải bốn lần liều lĩnh mới làm được. Chị Phi Vân kể chuyện đi vòng quanh thế giới với vỏn vẹn hành trang là sự chân thật, có phần thôn dã của một cô gái sông Tiền, đi xuyên qua những cám dỗ áo quần xe cộ giàu sang để chứng minh sức mạnh của mình chỉ bằng những gì mộc mạc, chân thành và thực chất nhất.

Còn chị Mỹ Lệ thì nói chuyện về “chỉ số vượt sướng” – của một thế hệ không còn phải ăn mì tôm khi đi ra thế giới kinh doanh như bà Hoè nữa, bởi vậy đã thiếu đi độ “chì” của một người chiến binh, người mà khi đã làm việc, phải “vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng”.

Bà đại sứ của Ireland, người đã đi qua nhiều vùng đất, từ phồn hoa như vị trí một nhà ngoại giao ở New York, Mỹ hay hoang vu đồng cỏ ở những quốc gia châu Phi hẻo lánh để làm công tác cứu trợ, thì bảo rằng điều cần nhất ở một người có thể thành công trong thế giới đang có nhiều biến động này là sự liêm chính. Bà bảo, đó là tiêu chuẩn cơ bản nhất nhưng cũng cao nhất của một người muốn sống tốt ở thời kỳ có quá nhiều cám dỗ như hiện nay. Bà Hoè nói thêm, bà còn muốn một người phải có sự chung thuỷ nữa, đi đâu, làm gì thì cũng phải có sự chia sẻ, gắn bó lúc vui cũng như buồn, lúc khó cũng như thuận, vậy mới có những kết quả tốt.

Tôi không hỏi vì sao họ không quan tâm gì đến tài năng, sự giỏi giang, mà chỉ tập trung nói về những điều liên quan đến con người, đến tính cách, đến chỉ số trí thông minh cảm xúc, bởi đó chính là bí quyết của họ để đi được những hành trình dài: tài năng chỉ là món thứ yếu, còn độ “chì” của một người mới là điều quý giá mà không có sự rèn giũa, không có sự phấn đấu thì khó mà “chì” lắm…

Theo Trần Nguyên/ Thế Giới Tiếp Thị 

http://tiepthithegioi.vn/goc-nhin/ca-phe-sang/do-do-chi/

 

Bệnh viện Hạnh Phúc