Thái Hòa tự nhận mình là người “tưng tửng”, thậm chí là hơi “ba trợn” không chỉ trong những vai hài mà cả ngoài đời cũng vậy! Song, có vẻ sự thật hoàn toàn ngược lại, anh chỉ là một diễn viên vui tính mà thôi. Còn đằng sau sự “tưng tửng” mà Thái Hòa tự nhận hay người khác gọi thật ra lại là một sự nghiêm túc của người nghệ sĩ, cụ thể ở đây là với nghề diễn xuất của mình. Điều này sẽ phần nào sáng tỏ qua cuộc trò chuyện giữa phóng viên Năng lượng Mới với “ngôi sao phòng vé” Thái Hòa!
Không làm phim hài thì tiền đâu để làm được “Áo lụa Hà Đông”?!
PV: Thành công đạt mức kỷ lục về mặt doanh thu phòng vé từ phim hài “Tèo em” và trở thành “ông vua phòng vé”. Hẳn anh rất sung sướng vì điều đó?
Diễn viên Thái Hòa: Không chỉ riêng tôi mà cả ê-kíp sản xuất của Hãng phim Chánh Phương ai cũng vui vì thành công đó. Sự thật là phim có doanh thu rất khả quan, có thể gọi là “khủng” rồi. Thậm chí có nhiều đêm tôi thức dậy, đi moi móc thông tin doanh thu từ các rạp xong thì khỏi ăn sáng luôn vì đã thấy no rồi.
Mọi người gọi Thái Hòa là “ngôi sao” hay “ông vua” phòng vé khiến tôi rất vui nhưng thật ra đó chỉ là do báo chí ưu ái đặt vậy thôi. Trong phim “Lửa phật”, “Lấy chồng người ta” cũng có Thái Hòa tham gia nhưng vẫn lỗ te tua như thường đấy thôi! Một bộ phim thành công, người diễn viên được hưởng rất nhiều và chuyện tôi được làm “ông vua phòng vé” là do công sức của cả đoàn làm phim tạo nên. Khán giả đến rạp vì Thái Hòa cũng có, nhưng nếu phim không hay thì không bao giờ có chuyện họ đến đông như thế. Phim hay, đầu tiên phải nhờ có kịch bản hay, kế đến là vai trò của người đạo diễn, nếu đạo diễn không giỏi thì không bao giờ có chuyện “ông vua phòng vé” xuất hiện, ngay cả ngôi sao Hollywood cũng vậy!
Diễn viên Thái Hòa
PV: “Tèo em” là phim hài đáng xem, nhưng cũng không ít người lại nói đây là phim nhảm! Thú thật là “Tèo em” có tạo được tiếng cười nhưng có những đoạn bị “lố” và ý nghĩa đề cao tình anh em, gia đình tôi thấy cũng chưa thể hiện rõ. Anh nghĩ sao?
Diễn viên Thái Hòa: Tôi không thích chữ “nhảm”! Phim này cũng có chủ đề đàng hoàng đấy chứ, nó đề cao giá trị tình anh em, gia đình, đó là truyền thống tốt đẹp muôn đời mà. Phim “Tèo em” không phải chỉ gây cười vu vơ mà nó vẫn bám theo câu chuyện, tình tiết xảy ra. Nên ví dụ người ta nói rằng: Phim này chạy theo tiếng cười nhiều quá mà không nêu bật chủ đề như bạn nói thì tôi thấy dễ chấp nhận hơn. Thái Hòa thừa nhận là phim có những điểm nhấn mà mình làm chưa tới nhưng chưa đến mức là “nhảm” đâu. Mọi người có vẻ quen với chuyện cứ phim hài là bị gán cho chữ “nhảm”?!
Một số báo nói rằng, có vài phân đoạn bị “lố”, hơi phản cảm, chuyện đó mình có nhìn thấy nhưng đó chỉ là những đoạn mình tính không đúng, còn những đoạn tính đúng vẫn dễ thương, đáng yêu. Tôi biết, dư luận thì lúc nào cũng có, ngay cả phim đoạt giải Oscar cũng có người thích người không, hội đồng bầu chọn cũng có người chọn người không chọn mà. Vì thế, tôi luôn bình tĩnh để nhìn nhận mọi ý kiến đóng góp. Phê bình để xây dựng thì dễ, tiếp thu lắm nhưng báo chí vùi dập quá tôi nghĩ không nên!
PV: Anh không cho “Tèo em” là nhảm nhưng chắc anh cũng phải công nhận rằng trong thể loại phim hài vài năm gần đây là có nhiều hài nhảm lắm chứ?
Diễn viên Thái Hòa: Cái đó cũng có! Nhưng tôi vẫn quan niệm đó là những bộ phim hài làm ẩu chứ không gọi là hài nhảm. Những phim hài ẩu đó có thể do thời gian quay gấp rút, đầu tư quá thấp, thời gian hậu kỳ gấp, ngay cả kịch bản cũng viết ẩu… nên cả bộ phim thành phim ẩu. Nhưng công bằng mà nói vẫn có những phim hài được đầu tư đàng hoàng trong năm vừa qua như “Âm mưu giày gót nhọn”, “Tiền chùa”, “Scandal”.
PV: Người ta nói, phim hài thì dễ làm, ít đầu tư kinh phí, dễ qua cửa kiểm duyệt, an toàn về mặt doanh thu hơn những thể loại khác. Chính vì thế mà nhìn lại vài năm gần đây, trong các phim Việt chiếu rạp thì số đông là phim hài. Anh nghĩ sao về xu hướng này?
Diễn viên Thái Hòa: Không riêng gì Việt Nam, thế giới cũng vậy, làm phim hài lúc nào cũng an toàn hơn, ở Việt Nam lại càng như vậy, vì người Việt mình quá yêu tiếng cười, rất thích cười. Trong bàn tiệc ai cũng đùa nhau rôm rả để cười, trong đám cưới, đám giỗ cũng vậy, thậm chí là đám ma, người ta cũng còn có thể cười suốt. Vì vậy, tôi thấy người Việt Nam rất yêu tiếng cười nên làm phim hài ở Việt Nam càng dễ thắng!
Còn về đầu tư, không phải cứ phim hài là có thể làm xuề xòa. Ví dụ như “Tèo em”, dẫu có dở như vài báo nói thì cũng phải thấy được rằng, ê-kíp đã làm việc rất nghiêm túc. 10 tỉ với hơn 40 ngày quay là sự đầu tư rất lớn với một phim hài. Cảnh quay cũng thế, ví dụ cây cầu gãy hoặc con cá sấu, nếu làm ẩu chắc chắc không có được những hình ảnh như vậy. Riêng để quay được cảnh cá sấu dưới sông thì đoàn phim mất “bèo” lắm cũng phải tới mấy trăm triệu rồi. Nếu làm ẩu cảnh đó chỉ tốn chừng 1 ngày quay nhưng trong phim này lên tới 7 ngày quay. Và sau cùng chỉ là một vài phút lên phim!
Hội trong phim “Để Mai tính” là bước ngoặt nghề diễn của Thái Hòa
PV: Thú thật là cuộc sống bây giờ vội vã và nhiều lo toan quá nên việc có nhiều những bộ phim hài hay để giải khuây là rất cần thiết. Thế nhưng, nhìn ở khía cạnh một nền điện ảnh, tôi nghĩ sẽ là hơi chua xót nếu điện ảnh Việt chỉ có thể chú trọng đầu tư những bộ phim hài thôi, thưa anh?
Diễn viên Thái Hòa: Tôi nghĩ thể loại nào cũng có mặt trái mặt phải của nó. Điều quan trọng trước mắt là nhà làm phim phải làm sao kéo và giữ được khán giả ở rạp vì không có khán giả thì có làm phim đoạt giải Oscar cũng như không, phim không có khán giả thì chẳng ai muốn làm phim làm gì! Song song đó, nhà làm phim Việt cũng phải cố quân bình chuyện vừa thỏa mãn được khán giả vừa chinh phục được báo giới, phê bình. Với bộ phim “Tèo em” cũng vậy, không phải đạt thành công về doanh thu là ê-kíp sản xuất hài lòng đâu vì thực sự khi làm phim mình vẫn nhắm tới mục đích thỏa mãn được cả khán giả và báo giới. Tuy nhiên, phim này mới chỉ làm tốt được một phần, đó là chinh phục được nhiều khán giả.
Thái Hòa nghĩ thị trường thì phải có dòng phim này phim kia mới đa dạng được, chứ không thể đòi hỏi toàn bộ là phim nghệ thuật. Phim Mỹ cũng đầy phim giải trí, cũng đầy phim “nhảm” đấy chứ. Nhưng báo chí họ không vùi dập. Tôi đọc báo mình thấy có bài viết phê bình kiểu rằng: đừng đến rạp xem vì như bị lừa tiền! Trời ơi, viết như vậy thì tội nghiệp quá! Mấy bài báo đó vừa giết chết nhà làm phim lại vừa không tốt cho thị trường phim Việt. Báo chí nên phê bình mang tính xây dựng, có thể nói phim hay dở nhưng đừng vùi dập đến mức nói khán giả bị lừa khi vào xem phim như thế!
Mong mọi người phải hiểu rằng, muốn xem những phim như “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng”… thì cũng phải cho người ta có lời ở phim hài, bởi có lời thì họ mới có tiền đầu tư cho những phim kia! Chứ mỗi phim nghệ thuật làm ra là cầm chắc lỗ vốn vài tỉ thì tiền đâu mà người ta làm mãi nổi?! Có nhiều hãng phim đã làm phim nghệ thuật ngay từ phim đầu nhưng làm xong phim đó là mất tiêu luôn. Người làm phim ai cũng lý tưởng muốn làm phim nghệ thuật đấy nhưng phim nào cũng lỗ mấy tỉ thì đại gia có cả trăm tỉ, làm vài phim họ cũng “chết”!
Vì thế cái gì cũng phải có chuyện quân bình qua lại. Và không phải cứ làm phim hài là được phép làm sơ sài như đi “giật” tiền người ta, Thái Hòa không ủng hộ chuyện đó. Làm phim hài nhưng vẫn phải có sự đầu tư, cố gắng, tôn trọng khán giả, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Báo chí phê bình là chuyện đương nhiên thôi nhưng phải nhìn thấy rõ chuyện ai làm ẩu, ai đang “giật” tiền của người xem thì viết “đập” cho chết luôn cũng không sao!
Có một thực tế là, mỗi ngày thị trường phim Việt một lớn mạnh lên, trình độ thưởng thức phim ảnh của khán giả cũng được nâng cao. Khi đó những phim mà báo chí bây giờ gọi là hài nhảm sẽ không còn đất sống nữa. Nhưng chuyện đó phải từng bước chứ không phải “đùng một phát” là có được. Nó đòi hỏi phải có cả guồng máy hoạt động, đấy là chưa tính đến chuyện đào tạo nữa. Đạo diễn ra trường phải giỏi, diễn viên tốt, biên kịch phải chắc tay… nói chung nó bao gồm nhiều yếu tố chứ không phải chuyện “Cay đắng như bị lừa”, giật tít vài tin bài như thế mà thị trường khá hơn được đâu!
Nhiều người nói tôi “ba trợn”, tôi vui…!
PV: Vai diễn của anh cũng khá đa dạng, bi – hài đều có đủ cả. Tuy nhiên, nhắc đến Thái Hòa người ta nghĩ ngay đến những vai diễn tưng tửng gây cười, những vai giả gái ẻo lả. Anh có thấy vui vì điều đó không?
Diễn viên Thái Hòa: Ở Việt Nam lượng khán giả đi xem phim hài lớn hơn những phim khác… Vì vậy chuyện người ta nhớ đến mình ở thể loại phim hài cũng là điều đương nhiên. Làm diễn viên ai cũng phấn đấu được khán giả yêu thích nếu không thì phim mình làm ra chẳng ai coi, mình sống cũng chẳng vui. Dù vậy Thái Hòa không muốn để báo chí chê mình không đa dạng, vai diễn không tốt. Tôi nghĩ nếu có điều kiện tôi vẫn muốn trung hòa hai điều, đó là đa dạng vai diễn và đóng đinh ở một thể loại vai diễn.
Như có lúc tôi tự thấy mình mãi gắn với hình ảnh hài hước trong các bộ phim gây cười nên phải tự thay đổi mình một chút. Thế là tôi đóng phim “Lấy chồng người ta”, “Lửa Phật”. Nhưng phải nói rõ thêm rằng, xuất hiện nhiều trên phim hài cũng không phải là điều “giết chết” mình đâu, cái “giết chết” mình là hình ảnh không có gì thay đổi, cứ lặp đi lặp lại. Không chỉ riêng phim hài mà những bộ phim với vai diễn chính khác nhưng nếu không thay đổi thì cũng sẽ “chết”. Còn nếu diễn phim hài mà mình luôn tìm tòi được những điểm mới lạ thì cũng sẽ được khán giả đón nhận!
“Tèo em” trong phim cùng tên là phim biến Thái Hòa trở thành “ngôi sao phòng vé”
PV: Tự nhận mình là hơi “tưng tửng” và “ba trợn”, đó chỉ là Thái Hòa trong các vai diễn hay cả ngoài đời thật?
Diễn viên Thái Hòa: Nhân vật trong phim thì không phải là chính mình rồi nên không nói làm gì! Còn ngoài đời thì tôi cũng có lúc “ba trợn” này nọ lắm! Có thể hiểu tính “ba trợn” đó của tôi thế này! Hiện tại, tuy không giàu nhưng tôi không bị áp lực quá về chuyện tiền bạc, trong giai đoạn này tôi cũng được làm những điều mình thích nên cuộc sống tôi rất nhẹ nhàng. Sống thoải mái tinh thần quá thành ra có những chuyện hơi “ba trợn” tí. Chẳng hạn, có những phim tiền nhiều lắm nhưng tôi không làm mà lại thích làm những phim ít tiền hơn. Tôi cũng tự thấy tính mình hơi “tửng”, có gì đó hơi khiếm khuyết (cười lớn).
Có người còn thắc mắc là chưa có thằng diễn viên nào đang “thời” như tôi mà kiếm tiền ít vậy, hoặc một số người nghĩ chắc tôi giàu lắm vì mấy danh xưng báo chí ưu ái đặt cho như “diễn viên triệu đô”, “ông hoàng phòng vé”… Thật ra làm gì có chuyện triệu đô, ngàn đô thôi! Và thú thật là tôi thích đóng vai phụ hơn là vai chính, đây cũng là chuyện rất ngược đời, là sở thích rất “tửng” của một diễn viên!
Tôi thích làm những vai diễn nào mình thích, làm với ê-kíp mình thấy hợp tính, không biết sau này thế nào nhưng hiện tại tôi đang thấy mình sống đúng! Bởi vì nếu nghĩ mình đang nổi, nhảy vào phim này “lượm cục tiền”, song qua phim kia “lượm cục tiền” nữa mà không quan tâm đến chất lượng, ê-kíp, kịch bản gì hết thì là đại nguy! Liền lúc đó có thể mình có được cả đống tiền nhưng ngay sau đó thôi là “vực thẳm” vì tai tiếng tạo ra, vì uy tính đã mất! Bây giờ tuy tôi ít tiền nhưng khán giả còn thương, còn được sống trong lòng khán giả lâu hơn, mà đối với diễn viên thì không gì hạnh phúc bằng điều đó!
Mọi người nói tôi “ba trợn” là thế, tôi vui, bởi sống như thế tôi lại cảm thấy sướng, thoải mái hơn rất nhiều.
PV: Nghe nói, có thời Thái Hòa cơ khó lắm, phải gắng làm bất cứ nghề gì để kiếm sống. Ký ức anh về những ngày tháng ấy như thế nào?
Diễn viên Thái Hòa: Đúng là khi áp lực quá về tiền bạc thì mình không có sự lựa chọn, phim nào gọi là làm phim đó, phải làm để lấy tiền sống trước đã. Thậm chí, tôi còn phải làm nhiều việc cùng lúc. Ví dụ hồi đó tôi vừa đi tấu hài, diễn kịch, đóng phim truyền hình, phim nhựa, vai nhỏ vai lớn đều làm hết. Lúc mới vào nghề, tôi khổ lắm, làm đủ thứ việc từ anh hậu đài, đến sửa ghế khán giả ngồi, đọc quảng cáo để phát sân khấu hài, rồi tôi cũng đi phụ bán cà phê, thậm chí người ta còn sai đi mua đá, lấy cà phê, bưng bê phục vụ, thu băng video… Nói chung tôi làm đủ hết! Lúc đói phải vận động không thì chết, với lại khi đó tôi muốn có tiền để học diễn viên thì phải làm thôi!
PV: Nghĩ về thời gian khó đó và thời “ông hoàng phòng vé” của bây giờ, anh có tin vào hai chữ “số phận” của mình không?
Diễn viên Thái Hòa: Tôi tin mỗi người đều có cái số, có may mắn, có duyên, mọi thứ đều có liên quan tới nhau hết. Nhưng tin như thế không phải cứ nằm đó mà chờ vào số phận, mà tôi vẫn cần phải trau dồi, chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp để khi cơ hội tới mình nắm bắt được. Còn nếu chỉ nằm chờ cơ hội tới, cũng có khi nó tới thật đó nhưng rồi nó cũng “giết” mình chết luôn! Cơ hội là con dao hai lưỡi mà, ví dụ nếu tôi nhận được vai diễn hay nhưng làm không nổi thì sau này làm gì có chuyện ai dám mời tôi vào vai hay nữa?! Nói chung mình luôn phải chuẩn bị mọi kỹ năng cần thiết cho mình chứ không tính trước được điều gì hết. Thậm chí cơ hội đến lúc nào cũng không nhận ra hay nắm được nó hồi nào cũng không hề biết!
PV: Anh khởi đầu bằng nghề diễn viên kịch nhưng anh đã nghỉ đóng kịch gần cả năm nay rồi. Người ta nói anh có phim, bỏ kịch vì nghe nói anh chuẩn bị làm đạo diễn, sản xuất phim. Có đúng thế không, thưa anh?
Diễn viên Thái Hòa: Tôi đã nghỉ hẳn việc đóng kịch 8-9 tháng nay rồi, để xem mai mốt có hứng thú mới làm lại chứ hiện giờ đang cảm thấy không được vui lắm. Tôi bị “mất lửa” sau hàng chục năm đóng kịch, từ 1994 cho đến bây giờ. Báo chí giờ cũng không quan tâm đến kịch mà làm nghệ thuật thì phải có báo chí khen chê mình mới thấy hứng thú. Bao nhiêu năm nay sân khấu cứ lòng vòng vậy hoài, không phát triển lên được. Và vì có vài chuyện cảm thấy không vui nên chưa muốn tiếp tục.
Hiện tại, tôi hứng thú với phim hơn vì thấy phim khó hơn mình tưởng, tính ăn thua trong phim nặng hơn. Ở kịch, nếu tính sai mình vẫn có đường sửa chữa ở suất diễn sau, thậm chí có thể bỏ đi vì đầu tư bên kịch không có quá nhiều như phim. Với phim, khi đã tính sai rồi thì không có cơ hội để thay đổi nên nó làm mình phải cố gắng vận động, động não nhiều hơn… Làm phim sướng ở chỗ đó. Nói vậy chứ tôi không bỏ hẳn kịch, tôi vẫn rất nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả kịch. Chắc chắn tôi sẽ phải quay trở lại sân khấu nhưng hiện tại thì chưa.
Tôi thích viết kịch bản, đạo diễn và đóng phim luôn như Châu Tinh Trì vậy. Nhưng giai đoạn này tôi thấy quá mệt với những thứ ấy nên không nghĩ mấy đến chuyện đó. Tôi đã viết xong kịch bản phim “Để Hội tính”, phần hai của “Để Mai tính” và cách đây một tháng thì phim đã bắt đầu casting nhưng hiện tại thì đang ngưng lại vì có vài trục trặc nội bộ, chưa biết khi nào làm lại được!
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Theo Lê Trúc (thực hiện)/ Báo Petrotimes.vn