Tên gọi đầy đủ của cơ sở này là Trung tâm giáo dục đặc biệt – năng khiếu Sài Gòn, tọa lạc tại số BH 12, khu căn hộ Sky center, 5B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM. Những đứa trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển, tăng động, rối loạn ngôn ngữ… khi đến đây đã được sống, học tập và hòa đồng với bạn bè, trong sự dìu dắt kỹ lưỡng của các thầy cô, nên đã có những bước phát triển đáng mừng.

Để đi đến thành công, đường hướng của trung tâm không phải là những bài học ngồi đối diện nhau, mà là sự sẻ chia, đồng hành trong mọi hoạt động

Môi trường giáo dục đặc biệt

Những gian phòng rộng rãi, sạch sẽ, trang hoàng bắt mắt. Cạnh phòng học và chơi còn có phòng nhạc, phòng vẽ, và cả gian bếp để trẻ thỏa sức chế biến những món ăn mà mình yêu thích… Tất cả toát lên bầu khí ấm cúng như một gia đình. Ðó là nét ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến Trung tâm giáo dục đặc biệt – năng khiếu Sài Gòn.

Trung tâm được thành lập bởi một tín hữu Công giáo, chị Anê Bùi Thụy Diễm Trang – giáo dân xứ Phát Diệm, thành viên ca đoàn Kitô Vua nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn trong suốt 25 năm qua. Chị kể, trước đây chị từng phụ trách một cơ sở dạy năng khiếu cho trẻ bình thường. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, chị gặp nhiều trường hợp các em vấp phải những “rào cản” để phát triển như khó tiếp thu, không kỹ năng sống. Ðồng cảm với những hoàn cảnh như vậy, chị Trang nảy ý định mở một cơ sở để đồng hành qua việc chú trọng đào tạo năng khiếu. “Bởi lẽ thông qua năng khiếu, các em sẽ khắc phục được các khiếm khuyết. Năng khiếu vốn không có giá trị chữa bệnh nhưng nó như phương thuốc kích thích niềm vui và sự sáng tạo, tạo động lực cho việc học tập và là cơ sở cho giáo viên giúp học sinh khắc phục các khiếm khuyết của mình”, chị giải thích.

Tự nhận mình chỉ giỏi điều hành chứ không có khiếu đào tạo nên ban đầu chỉ ấp ủ việc mở trường. Sau đó, chị may mắn tìm được sự cộng tác của thầy Lê Khanh – chuyên gia tâm lý và cũng là tín hữu Công giáo, người đã có hơn 20 năm gắn bó trong lãnh vực tư vấn trẻ gặp khó khăn. Một người giỏi quản lý, một người rành chuyên môn, cộng thêm đội ngũ giáo viên năng khiếu giàu kinh nghiệm vốn có trước đó từ cơ sở cũ, đã cùng phối hợp để thành lập nên trung tâm.

Ðặt yêu thương và sự tận tâm lên trên hết

Các học sinh khi đến với trung tâm vốn đã có những khiếm khuyết trong phát triển. Trong một, hai tuần đầu, thậm chí cả tháng, giáo viên sẽ dành thời gian quan sát trẻ về các mặt giác quan, vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, xem có những hạn chế gì, sau đó mới bắt đầu xây dựng kế hoạch can thiệp chi tiết theo phương pháp “giáo dục tích cực”. Nghĩa là “giúp trẻ tìm tòi, khám phá các giá trị tích cực của bản thân để phát huy năng lực cá nhân”, thay vì chỉ tập trung vào các khiếm khuyết để uốn nắn và chỉnh sửa. Một khi trẻ được hướng dẫn tích cực, học tập bằng sự vui vẻ, yêu thích thì về nhà các em cũng sẽ duy trì được thái độ thoải mái, bố mẹ từ đó dễ dàng tiếp cận, can thiệp sâu hơn cho con. “Vì sau cùng, gia đình vẫn luôn là môi trường lý tưởng nhất giúp con phát triển”, người sáng lập trung tâm nói.

Trung tâm giáo dục đặc biệt – năng khiếu Sài Gòn, tọa lạc trong một không gian rộng rãi, nhiều cây xanh

Cơ sở tọa lạc trong một không gian rộng rãi, nên ngoài các giờ học trong lớp, trẻ còn thích thú khám phá những hoạt động ngoài trời như bơi lội, thể dục thể thao. Hằng tháng còn có những buổi dã ngoại công viên, vào bếp học nấu ăn. “Vận động là nhằm vào mục tiêu điều hòa cảm giác cho trẻ, như em Thịnh này từ bé rất sợ nước, gia đình bảo mỗi lần tắm cho em như một cực hình, nhưng giờ bơi lội là hoạt động em yêu thích nhất. Mục tiêu của trung tâm là can thiệp về nhận thức, về sự hiểu biết, về sự tương tác xã hội. Nhưng công cụ để đi đến mục đích không phải là những bài học ngồi đối diện nhau, mà là thông qua những bài nhạc, điệu múa, hình vẽ hay buổi đi chơi khám phá để trẻ thoải mái. Khi trẻ không còn cảm giác sợ hãi nữa mà thay bằng sự thích thú thì việc tiếp nhận các thông tin khác cũng dễ dàng hơn”, thầy Khanh lý giải.

Một buổi học bơi của các em tại trung tâm

Chính nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt và nắm bắt tâm lý nên các em khi đến đây, sau một thời gian hòa đồng đã có những thay đổi đáng kể, như trường hợp em Minh Anh là một ví dụ. Dù đã 11 tuổi và có ba năm học ở trường quốc tế nhưng không thể nhớ mặt con chữ. Từng đó thời gian là chuỗi ngày đẫm nước mắt của em và gia đình vì tình thương dành cho con gái. Khi đến trung tâm, suốt tháng đầu, các thầy cô để em tự do với những gì mình thích. Sau đó nhận thấy em rất thích học múa nên giáo viên dạy múa ba lê đã soạn một giáo trình riêng, thông qua những động tác hình thể giúp em liên tưởng đến hình ảnh của chữ cái. Sau ba tháng, giờ em đã nhớ con chữ và bắt đầu học đánh vần. “Ðiều mừng nhất chính là con đã tự tin, mạnh dạn, không còn những câu cửa miệng ‘con không biết’, ‘con không nhớ’ như trước kia. Con hào hứng và tiếp thu ghi nhớ bằng sự vui vẻ. Trong môi trường học tập mới, con nhận được đủ đầy yêu thương, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời. Mẹ hy vọng con gái mẹ sẽ tiến bộ nhanh chóng. Yêu thương con rất nhiều!”, trên đây là những dòng chia sẻ bằng cả tấm lòng mà chị Phạm Yến Trinh, mẹ em Minh Anh viết trên trang cá nhân của mình. Và cũng chính những lời bộc bạch đầy chân tình như thế là động lực để ban lãnh đạo và tập thể giáo viên, những người dùng quan điểm lấy nghệ thuật để hỗ trợ hoạt động can thiệp cho trẻ đặc biệt, tiếp tục dấn bước trên con đường mà mình chọn.

Với phương pháp giáo dục đầy tính trách nhiệm và tình thương yêu, Trung tâm giáo dục đặc biệt – năng khiếu Sài Gòn đã và đang là chiếc cầu nối hữu hiệu, để những đứa trẻ khiếm khuyết nhận ra giá trị bản thân.

Nguồn: cgvdt.vn

http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/danh-thuc-nang-khieu-cua-tre-khiem-khuyet_a10207

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc