Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM khẳng định: “Danh hài Thúy Nga không có nghĩa vụ phải trả nợ cho ông Nguyễn Văn Nam các khoản đã vay của các tổ chức, cá nhân”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Liên quan đến vụ danh hài Thúy Nga bị “chồng hờ” lừa rồi trốn… mất dạng, nữ nghệ sĩ đã chia sẻ với phóng viên, năm 2010, Thúy Nga thương cảm trước hoàn cảnh làm ăn sa sút của ông Nguyễn Văn Nam và mong muốn được hỗ trợ cho ông Nam có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Thúy Nga đã đứng ra tổ chức đám cưới với ông Nam nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Sau khi đám cưới, Thúy Nga phát hiện ra ông Nam có hành vi vay mượn tiền của nhiều người có giá trị lớn nhưng không trả. Không những thế, Thúy Nga và một số người thân trong gia đình của mình cũng là nạn nhân của người đàn ông này. Từ đó đến nay, Thúy Nga và ông Nam không sống chung như vợ chồng.

Chưa dừng lại đó, ông Nam còn lợi dụng danh tiếng của Thúy Nga để đi lừa gạt nhiều người khác. Đi đến đâu, ông Nam cũng tự xưng là “chồng” của nghệ sĩ hài Thúy Nga để dễ dàng tạo lập niềm tin và mối quan hệ để vay mượn tiền. Phát hiện ra điều này, danh hài Thúy Nga bị sốc nặng, bị xúc phạm và tổn thương danh tiếng bản thân.

Qua những người cho ông Nam vay mượn tiền làm ăn, Thúy Nga còn biết mỗi khi ông Nam về Việt Nam đều tự xưng là Việt kiều thành đạt. Ở Mỹ, ông Nam tự mang danh là doanh nhân thành đạt để người khác tin và cho vay tiền.

PV: Xin Luật sư cho biết, quan hệ giữa danh hài Thúy Nga và ông Nguyễn Văn Nam đã đề cập được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gọi tắt: cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”. Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên”.

Như vậy, theo quy định nêu trên có thể thấy pháp luật hiện hành chỉ công nhận quan hệ vợ chồng khi hai bên nam, nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, quan hệ giữa danh hài Thúy Nga và ông Nguyễn Văn Nam (ông Nam) không được công nhận là quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, danh hài Thúy Nga và ông Nam chưa tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

PV: Nếu danh hài Thúy Nga và ông Nam không là vợ chồng thì khoản vay mượn nợ trên sẽ do ai thanh toán?

Từ thông tin do danh hài Thúy Nga cung cấp, tôi cho rằng danh hài Thúy Nga không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với các khoản nợ do ông Nam vay. Như đã phân tích ở trên thì Thúy Nga và ông Nam không phải là vợ chồng.

Đồng thời, theo thông tin danh hài Thúy Nga đã trình bày thì Thúy Nga không ký vào bất kỳ hợp đồng vay tiền nào và cũng không có bất kỳ hành vi nào thể hiện danh hài Thúy Nga cùng ông Nam vay tiền của người khác. Do đó, ông Nam phải tự mình chịu trách nhiệm đối với các khoản vay của mình.

Danh hài Thúy Nga và “chồng hờ”.

PV: Vậy các khoản vay mượn nợ trên, trách nhiệm sẽ thuộc về ông Nguyễn Văn Nam?

Điều 471 Bộ luật dân sự 2005 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 thì bên vay tiền phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Trong trường hợp ông Nam vay tiền nhưng không trả nợ đúng thời hạn đã thỏa thuận thì những người đã cho ông Nam vay tiền có quyền yêu cầu ông Nam thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả tiền vay và tiền lãi (nếu có thỏa thuận tính lãi). Nếu ông Nam vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì những người đã cho ông Nam vay tiền có quyền khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên buộc ông Nam phải thanh toán các khoản nợ cho họ.

Khi khởi kiện, bên cho vay phải làm đơn theo mẫu và nộp cho Tòa án các tài liệu, giấy tờ chứng minh về việc vay nợ giữa hai bên và các chứng cớ có liên quan khác để Tòa án có cơ sở giải quyết yêu cầu của những người cho vay.

PV: Trong trường hợp này, ông Nam có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản không?

Nếu bên cho vay có các căn cứ chứng minh được ông Nam có hành vi vay tiền của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tiền vay thì những người cho vay (chủ nợ) và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác biết về sự việc đều có thể tố cáo ông Nam tới cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 

Theo Báo Năng Lượng Mới/Petrotimes.vn 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc