Gần đây, trường Đại học FPT đặt mục tiêu chiến lược là sẽ trở thành một đại học mega (tạm dịch là siêu cỡ) vào năm 2020 với 100.000 sinh viên. Mặc dù là một khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, đại học siêu cỡ đã có lịch sử phát triển gần 200 năm. Vậy đại học siêu cỡ có đặc điểm gì khác với đại học truyền thống? Vai trò và vị trí của nó trong nền giáo dục đại học là như thế nào?

 

Đại học Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập từ năm 1958,  là một trong những đại học siêu cỡ lớn nhất thế giới,  hiện có 1,9 triệu sinh viên.
Đại học Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập từ năm 1958,
là một trong những đại học siêu cỡ lớn nhất thế giới,
hiện có 1,9 triệu sinh viên.

Lịch sử đại học siêu cỡ – những mốc quan trọng

Năm 1800, trước yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Mỹ, Hiệp hội Nông dân của nước này đề nghị các trường đại học truyền thống mở lớp đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp. Nhưng với sứ mệnh ban đầu là trường đào tạo phục vụ tôn giáo, các trường truyền thống thời đó như Harvard, William và Mary, Yale đã từ chối đề nghị của Hiệp hội. Điều này kích thích Hiệp hội tự tìm cách mở ra những trường đại học cho riêng mình, có quy mô nhỏ hơn và trực tiếp phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực cho ngành. Cho đến năm 1890, toàn nước Mỹ đã có khoảng 250 trường hoạt động theo mô hình này với tổng số sinh viên khoảng hơn 80.000. Như vậy, lịch sử đại học siêu cỡ lại bắt nguồn từ chính những đại học cỡ nhỏ nhưng có chức năng tương tự như đại học siêu cỡ ngày nay, đó là đào tạo nghề thiết thực cho nhu cầu của xã hội.

Cũng trong khoảng thời gian trên, vào năm 1858, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, người Anh thành lập trường Đại học London, là đại học đầu tiên không phụ thuộc vào giáo hội và nhắm đến đáp ứng nhu cầu học tập của phần đông người dân lao động nghèo. Đây cũng là một mốc quan trọng, đánh dấu một chức năng khác của đại học siêu cỡ sau này là phục vụ số đông 1.

Đến năm 1939, trước viễn cảnh leo thang ngày càng cao của Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính phủ Pháp quyết định thành lập Trung tâm Quốc gia về Đào tạo từ xa (Centre national d’enseignement à distance – CNED) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập trong hoàn cảnh chiến tranh: linh hoạt và hiệu quả. Sau chiến tranh, CNED tiếp tục phát triển với cách thức hoạt động đúng như tên gọi của nó: đào tạo từ xa. Trước khi có internet, CNED tổ chức đào tạo qua radio, qua TV. Cho đến giữa những năm 1990, trường này bắt đầu có những khóa e-learning đầu tiên như cách làm hiện nay, mặc dù về công nghệ còn ở mức rất sơ khai. Ngày nay, CNED có khoảng hơn 300.000 học sinh, sinh viên, trong đó có khoảng 1/3 là sinh viên đại học.

Mô hình đại học đào tạo từ xa hay đào tạo mở này cũng được phát triển ở nhiều nước khác, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến như Đại học mở Anh Quốc (thành lập năm 1969), Đại học mở Trung Quốc (1979), Đại học mở Hàn Quốc (1982) hay Đại học Quốc gia mở mang tên Indira Gandhi ở Ấn Độ (1985).

Năm 1944 là một mốc khác đáng ghi nhớ cho sự phát triển của đại học siêu cỡ. Tại thời điểm đó, trước viễn cảnh chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, Chính phủ Mỹ ban hành đạo luật G.I.Bill, quy định việc hỗ trợ tài chính cho các quân nhân trở về sau cuộc chiến được đi học đại học. Tuy vậy, do quy mô của các đại học truyền thống tại Mỹ thời bấy giờ còn hạn chế, không đủ khả năng tiếp nhận hàng triệu lượt người học, Chính phủ Mỹ cho phép các trường tư vì lợi nhuận được phép tiếp nhận nhóm sinh viên đặc biệt này. Về khía cạnh đào tạo, các đại học tư vì lợi nhuận, vốn phát triển từ các trường nông nghiệp như đã nói ở trên, cũng phù hợp hơn với sinh viên lớn tuổi, có nhu cầu học nghề để đi làm hơn là các đại học nghiên cứu truyền thống.

Có thể nói, đạo luật G.I.Bill chính là đòn bẩy quan trọng, kích thích hai yếu tố quan trọng đối với các đại học siêu cỡ sau này là vì lợi nhuận 2 và học tập suốt đời (người lớn tuổi vẫn có cơ hội đi học đại học) 3.

Nói tóm lại, khác với đại học truyền thống nhắm vào mục tiêu phục vụ giáo hội (trước kia) và nghiên cứu và đào tạo tất cả các ngành, nghề (ngày nay), có quy mô vừa phải (khoảng 20.000 – 40.000), đại học siêu cỡ (mega university) có sứ mệnh đáp ứng mục tiêu học tập của đại chúng, học tập suốt đời, đào tạo ngành nghề thiết thực phục vụ trực tiếp nhu cầu xã hội. Mà vì đào tạo cho số đông, nên các đại học này có nhu cầu phát triển về mặt quy mô để giảm chi phí, đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến e-learning (vừa để giảm chi phí, lại vừa để phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên).

                              Một số đại học siêu cỡ lớn nhất hiện nay

 

Tên trường Năm thành lập Tổng số sinh viên (2014)
Đại học mở quốc gia mang tên Indira Gandhi, Ấn Độ 1985 3,5 triệu
Đại học mở Trung Quốc 1979 2,7 triệu
Đại học Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ 1958 1,9 triệu
Đại học Islamic Azad, Iran 1982 1,6 triệu

                                                Những đặc điểm cốt lõi của đại học siêu cỡ

Đại học siêu cỡ và vấn đề chất lượng

Cũng như mọi tổ chức giáo dục khác, chất lượng được xem là yếu tố quyết định thành công của đại học siêu cỡ. Qua quan sát, có hai luồng ý kiến đối với chất lượng của các đại học siêu cỡ hiện nay:

Luồng ý kiến thứ nhất đánh giá thấp đại học siêu cỡ, cho rằng các trường này (nhất là các trường vì lợi nhuận) chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng; không chú trọng nghiên cứu mà chỉ chú tâm giảng dạy, hình thức e-learning không hiệu quả vì tỷ lệ sinh viên bỏ học cao, không kiểm soát được sự trung thực của sinh viên… Những người tạo ra luồng ý kiến này phần lớn xuất thân từ giới đại học truyền thống – nơi bị hằn sâu bởi khái niệm chất lượng theo mô hình đại học nghiên cứu hoặc giáo dục khai phóng.

Luồng ý kiến thứ hai, ngược lại, ủng hộ đại học siêu cỡ, cho rằng việc phát triển mô hình này (cả công lập lẫn tư thục, cả phi lợi nhuận lẫn vì lợi nhuận) là cần thiết; việc phát triển e-learning với chi phí thấp góp phần đảm bảo cơ hội học tập cho số đông người dân, cho nhu cầu học tập suốt đời, mà đây là điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng riêng cho đại học siêu cỡ và e-learning. Mặc dù đã có những sáng kiến đáng ghi nhận như thành lập Ủy ban Quốc tế về Giáo dục mở và từ xa (International Council for Open and Distance Education) hoạt động rất tích cực trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng hệ thống kiểm định chất lượng cho hệ thống này, có thể nói, dường như vẫn chỉ là “phiên bản 2” hay “phiên bản kèm theo” của hệ thống kiểm định giáo dục đại học truyền thống.

Đào tạo e-learning, đào tạo cho số đông hay đào tạo cho người đi làm có mục tiêu, sứ mệnh, đặc thù riêng, đòi hỏi một hệ thống đảm bảo chất lượng, bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng, quy trình và giảng viên theo tiêu chí khác – không thể bắt chước y nguyên đào tạo chính quy thông thường. Xin lấy ví dụ về phương pháp giảng dạy để minh họa cho lập luận này. Như chúng ta đều biết, đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu quan trọng đối với giáo dục đại học ngày nay. Tuy vậy, theo quan điểm của người viết bài này, nhiệm vụ giảng dạy có ý nghĩa sống còn hơn đối với đại học siêu cỡ. Sinh viên của các đại học nghiên cứu rõ ràng có đầu vào tốt hơn, lại chủ yếu là sinh viên toàn thời gian, vì vậy sẽ có khả năng và điều kiện tự học tốt hơn. Ngược lại sinh viên đại học siêu cỡ phần đông học bằng hình thức e-learning, nhiều người học bán thời gian, lại đang đi làm. Vì vậy, việc xây dựng một phương pháp giảng dạy phù hợp là yêu cầu cấp bách đối với các đại học theo mô hình mega.

                      So sánh đại học siêu cỡ và đại học nghiên cứu truyền thống

 

Yếu tố

Đại học nghiên cứu truyền thống

Đại học siêu cỡ

 

Chức năng

(sắp xếp theo chiều giảm dần thứ tự ưu tiên)

Nghiên cứu – giảng dạy – chuyển giao tri thức Giảng dạy – nghiên cứu – chuyển giao tri thức

 

Ngành – lĩnh vực Cơ bản (toán, lý, hoá…), liên ngành (môi trường, phát triển bền vững…), định hướng nghề nghiệp cao (quản trị, IT, thiết kế…) Định hướng nghề nghiệp cao (quản trị, IT, thiết kế…)
Bằng cấp

(sắp xếp theo chiều giảm dần thứ tự ưu tiên)

Sau đại học – Đại học Đại học – Cao đẳng/Nghề/Sau đại học
Đối tượng sinh viên Tuyển chọn cao Tất cả mọi đối tượng
Quy mô sinh viên 20.000 – 40.000 > 100.000
Mô hình lợi nhuận Công, tư phi lợi nhuận Công, tư vì lợi nhuận, phi lợi nhuận
Chi phí đào tạo Cao Thấp
Phương pháp giảng dạy Truyền thống là chủ yếu Truyền thống, e-learning, các phương pháp mới

 

 

***

Trải qua gần 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đáng kể về mặt quy mô. Quyết tâm của Đại học FPT trở thành một đại học siêu cỡ trong tương lai, cùng với đề án tương tự phát triển hai đại học mở ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (sử dụng e-learning) đang được Chính phủ xem xét là một nỗ lực phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại. Như đã phân tích ở trên, việc những tham vọng đó có thể thành hiện thực hay không, trước tiên phụ thuộc vào quan điểm, tầm nhìn của những người có trách nhiệm về chất lượng cũng như hệ thống kiểm định chất lượng của loại hình giáo dục đại học đặc biệt này.

——————–———————————————————–

Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan

1: Cần lưu ý, Đại học London sau này lại phát triển theo một hướng khác, không giống như khái niệm về đại học siêu cỡ ngày nay. Đại học London hiện nay là một hệ thống bao gồm nhiều đại học thành viên, chủ yếu là đại học nghiên cứu (trùng với chức năng sau này của những đại học thuộc giáo hội trước kia) với học phí đắt (không dành cho mọi người) và đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau (bao gồm những ngành thiết thực cũng như các ngành cơ bản).

2: Tất nhiên, vẫn không thể bỏ qua vai trò của các đại học công hoặc đại học tư phi lợi nhuận

3: Tuổi trung bình của sinh viên (cử nhân) tại các đại học siêu cỡ ở Mỹ hiện nay từ 25-30 tuổi.

 

Theo Tạp chí Tia Sáng/ Tiasang.com.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc