Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, ở một góc bình an, Đại đức Thích Minh Niệm cùng những thành viên của Miền tỉnh thức vẫn đều đặn thực hiện chương trình thiện nguyện “Chỉ tình thương ở lại”.

Trò chuyện với Giác Ngộ, Đại đức Thích Minh Niệm, tác giả của Hiểu về trái tim và nhiều cuốn sách khác cho biết đây là chương trình hỗ trợ hoàn toàn phi lợi nhuận, xuất phát từ những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước dành cho người dân Sài Gòn khi đứng trước làn sóng hiểm nguy dồn dập của đại dịch. “Đại dịch tuy gây ra biết bao tổn hại, nhưng đó cũng là một trải nghiệm ‘đặc biệt’ để chúng ta tỉnh ngộ, nhận ra bản chất của đời sống vốn vô thường, bất toại nguyện…”, thầy nói.

* Thưa thầy, Covid-19 xuất hiện đã gây ra rất nhiều khó khăn, từ kinh tế đến tinh thần và hậu Covid-19, có thể, con người cần thời gian dài để vượt qua những tổn thương, mong thầy chia sẻ một số phương pháp chữa lành tinh thần của Phật giáo?

– Đức Phật đã từng đưa ra hình ảnh: Nếu ai đó bắn vào chúng ta một mũi tên thì nó chỉ làm cho chúng ta bị thương. Nhưng nếu liền sau đó có một mũi tên khác được bắn ra, cắm ngay vào vị trí của mũi tên thứ nhất, thì chúng ta sẽ gặp nguy hiểm, có thể sẽ mất mạng.

Ngài giải thích, mũi tên thứ nhất là nghịch cảnh và mũi tên thứ hai là chính thái độ phản ứng của chúng ta. Đức Phật kết luận, chúng ta thường chỉ bị trọng thương hay chết vì chính thái độ phản ứng của mình, chứ không phải vì nghịch cảnh. Vậy nên, việc chăm sóc tâm là điều quan trọng hơn rất nhiều so với việc cầu nguyện hay cố gắng hết sức để đẩy lùi nghịch cảnh.

Đại đức Thích Minh Niệm: "Sắm đôi giày tốt để đi qua mọi chông gai" ảnh 1

Những bài thực tập quan trọng để chăm sóc tâm mình trước những điều bất như ý, nghịch cảnh hay những biến động như đại dịch đang diễn ra, theo tôi là:

1. Học cách chấp nhận mà không phản ứng

Đại dịch tuy gây ra biết bao tổn hại, nhưng đó cũng là một trải nghiệm “đặc biệt” để chúng ta tỉnh ngộ, nhận ra bản chất của đời sống vốn vô thường, bất toại nguyện. Cuộc đời không phải là màu hồng, không thể như những gì chúng ta kỳ vọng, không thể nào chỉ toàn là thuận lợi. Cuộc đời là một chuỗi tập hợp của những điều như ý và bất như ý. Nếu muốn đứng vững trong cuộc đời này, chúng ta cần phải chấp nhận cả hai. Không thể chấp nhận thì cũng phải học, phải luyện cho bằng được, vì không có con đường nào khác. Huống chi, hoàn cảnh bất như ý hay khổ đau lại là chất liệu vô cùng quan trọng để chúng ta khát khao đi tìm những giá trị hạnh phúc bền vững. Thử nghĩ nếu cuộc đời chỉ toàn là như ý, thì chúng ta sẽ như thế nào?

Nếu chưa chấp nhận hết những trái ngang trong cuộc đời thì chúng ta hãy cố gắng học cách chấp nhận từng điều một, nhưng càng nhiều càng tốt. Hãy tin rằng, càng quay về nuôi dưỡng tâm hồn thì sức chịu đựng hay dung lượng trái tim chúng ta sẽ càng lớn, sự chấp nhận sẽ càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chỉ đến khi nào ta có một cái thấy thật đúng đắn với chân lý, tức tuệ giác, thì chúng ta mới có thể chấp nhận mọi thứ trên cuộc đời “như chính nó đang là” mà không phản ứng hay chống trả nữa. Đó là hành trình tâm linh mà mỗi chúng ta đều phải đi và đến.

2. Nhìn sang những giá trị hạnh phúc vẫn còn

Khi biến cố hay nghịch cảnh ập đến, chúng ta thường có khuynh hướng chỉ tập trung ứng phó và giải quyết những khó khăn ấy. Chúng ta tin rằng, chỉ khi nào đẩy lùi được khó khăn ấy thì ta mới có thể sống, có thể hạnh phúc được. Đó là thái độ sai lầm khá phổ biến.

Trên thực tế, chúng ta luôn còn có những giá trị hạnh phúc dù rằng nghịch cảnh đang xảy ra. Cũng như các vì tinh tú vẫn lấp lánh trên cao dù màn đêm đen kịt đang bao phủ khắp nơi. Vậy chúng ta muốn cứ chúi mũi vào vũng đen đó để rồi bị nó nuốt chửng, hay là nên nhìn sang hướng khác tươi sáng hơn? Những điều tươi sáng là có thật chứ không phải do ta tưởng tượng. Chỉ cần chúng ta có thể “buông xả” được đối tượng hay hoàn cảnh bất toại nguyện ấy, chịu khó luyện tập khả năng chỉ chú ý và nương tựa vào những điều toại nguyện mình đang có, khổ đau sẽ rút lui. Đây cũng là điều mà Đức Phật khuyến khích thực tập, gọi là phương pháp “chuyển kênh” hay “không đồng nhất”, vì sự thật là chúng ta có nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ hay thể hiện. Chúng ta hoàn toàn có thể an vui ngay khi có nghịch cảnh bao quanh.

Đại đức Thích Minh Niệm: "Sắm đôi giày tốt để đi qua mọi chông gai" ảnh 2

3. Nhìn theo hướng tích cực

Mỗi sự kiện xảy ra trong đời sống đều ẩn chứa thông điệp sâu sắc. Vấn đề là chúng ta sẽ nhìn thấy mặt nào của nó. Nếu chỉ nhìn trên mặt hiện tượng, rằng nó mang tới những tổn thất hay hủy diệt, thì chắc chắn chúng ta sẽ phản ứng và đau khổ. Nhưng nếu nhìn rộng và sâu hơn vào sự kiện ấy, chúng ta sẽ ngộ ra vài chân lý sống, sẽ trưởng thành và làm chủ được cuộc sống.

Như ai cũng biết đại dịch Covid-19 đã mang tới sự hủy hoại khắp toàn cầu. Nhưng, nó nhắc nhở chúng ta rằng đời sống này rất vô thường, những gì chúng ta nắm bắt ở bên ngoài đều có thể tan biến bất cứ lúc nào. Chỉ có những giá trị thuộc về tâm hồn như lòng từ ái mới có thể sống mãi trong lòng người. Nó nhắc nhở rằng chúng ta đã quá sa đà trong cuộc mưu sinh mà bỏ rơi bản thân, thiếu trách nhiệm với gia đình, lãng quên hoài bão đẹp. Nhờ giãn cách xã hội mà chúng ta có cơ hội để dừng lại, hoàn thiện những gì mình vẫn còn thiếu sót. Nó nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều chịu tác động qua lại lẫn nhau, cái gì xảy ra cho một người là sẽ xảy ra cho tất cả, nhờ đó mà chúng ta sẽ bớt kỳ thị, phân chia, cung phụng cho cái tôi ích kỷ. Nó nhắc nhở rằng con người dù tài năng, quyền lực hay sự nổi tiếng cũng đều có thể bị nhiễm bệnh như người thường, để chúng ta bớt chạy theo sự hào nhoáng của phương tiện sống mà tập trung vào mục đích sống…

Sau những biến cố, chúng ta thường sống sâu sắc, biết trân quý bản thân và cuộc sống hơn.

4. Quay về nâng dậy tâm hồn

Thông thường, chúng ta chỉ quay về chăm sóc tâm hồn mình khi bị thất bại, mất mát, tổn thương… Nói chung, khi không thể nắm bắt những thứ hấp dẫn bên ngoài, chúng ta mới có đủ động cơ để đi vào bên trong. Đây là cơ hội quý giá để ta “nâng cấp” tâm hồn mình.

Đức Phật thấy rằng, tâm mới là nguồn gốc sinh ra khổ đau hay hạnh phúc, chứ không phải do nơi hoàn cảnh hay đối tượng bên ngoài. Cho nên, thay vì cố gắng thay đổi hoàn cảnh hay đối tượng thì hãy nên quay về thay đổi chính mình. Dĩ nhiên, nếu có thể đẩy lùi được nghịch cảnh thì hãy cứ thực hiện. Nhưng sự thật là chúng ta không thể nào dọn dẹp hết mọi chông gai trong cuộc đời này, cách tốt nhất là hãy sắm cho mình một đôi giày thật tốt để đi trên mọi chông gai. Với sự luyện tập đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường “hệ miễn dịch tâm hồn”. Ngoài việc phát triển nội lực, chúng ta còn có thể mở ra những cái thấy sâu sắc về bản chất của đời sống, từ đó chúng ta có được một con đường đúng đắn, sẽ có nhiều hạnh phúc hơn đau khổ.

Kể cả khi đại dịch vẫn còn, đời sống của riêng ta và mọi người có thể rơi vào một giai đoạn mới – vĩnh viễn không bình thường như trước đây, như lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, thì chúng ta vẫn có thể sống bình an và hạnh phúc nếu tâm hồn ta thật sự “giàu có”.

Đại đức Thích Minh Niệm: "Sắm đôi giày tốt để đi qua mọi chông gai" ảnh 3

* Để cho thân khỏe, chúng ta cần cung cấp những thực phẩm bổ dưỡng và phù hợp với thể trạng. Đối với tâm cũng vậy, trong những ngày dịch như vầy, chúng ta cần những thức ăn tinh thần tốt để lạc quan và nhiều yêu thương…

– Để tăng cường “hệ miễn dịch tâm hồn”, chúng ta cần phải tránh làm một số điều và cần phải chuyên tâm thực hành theo một số điều. Tôi có mấy gợi ý, ngoài giúp đỡ bản thân, chúng ta nên có sự thể hiện tinh thần đồng cảm, sẻ chia gian khó với đồng bào – những người đang mắc kẹt trong các khu cách ly, bệnh viện hay các y bác sĩ, các nhân viên công vụ nơi tuyến đầu:

Năm điều không nên làm

1.Không tiệc tùng, nhậu nhẹt, cờ bạc: Để tránh suy giảm sức khỏe mà ảnh hưởng đến tinh thần, vì thân với tâm là một khối thống nhất, luôn chịu ảnh hưởng với nhau. Trong lúc đại dịch đang lây lan cực mạnh và nguy hiểm như hiện nay thì việc duy trì phong độ, giữ gìn tinh thần và sức khỏe tráng kiện nhất có thể là điều tối quan trọng.

2. Không mua sắm những thứ không quá thiết yếu: Với những thứ không có cũng không sao, chỉ tăng thêm sự hưởng thụ thỏa mãn thì nên buông bỏ bớt trong lúc khó khăn như thế này. Việc hạn chế hưởng thụ sẽ góp phần nâng cao phước đức hay tần số rung động – đó là tấm khiên quý giá để bảo vệ mỗi chúng ta khi đứng trước cơn nguy biến.

3. Không nên mất nhiều thời gian và năng lượng để theo dõi thông tin: Mỗi ngày chỉ nên cập nhật tình hình dịch bệnh chừng 1 – 2 lần. Nên chọn lọc thông tin để tiếp thu. Tránh sa vào các thông tin mang tính tiêu cực vì nó sẽ kích hoạt phiền não, tạo ra năng lượng tiêu cực. Điều này sẽ khiến cho niềm lạc quan hay tính đối ứng của chúng ta sẽ bị suy giảm nặng nề.

4. Không nên tham gia vào các diễn đàn để phê bình, lên án: Dù bức xúc, có nhiều việc cần phải lên tiếng, nhưng trong thời khắc mang tính quyết định như hiện nay thì đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Nó rất dễ gây ra sự chia rẽ và hủy diệt nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần siết chặt tay nhau, đồng lòng đồng hướng, để dìu nhau qua cơn nguy biến.

5. Không để chìm vào nỗi hoang mang, sợ hãi: Nếu muốn sinh tồn, vượt qua, chiến thắng đại dịch thì ta đừng để cho nỗi sợ khống chế. Phải tìm cách để mau chóng thoát ra. Kể cả khi bị lây nhiễm dịch bệnh thì cũng phải thật bình tĩnh, lập tức quay về nương tựa vào các phương pháp tu tập để không bị “đồng nhất” với cơn phiền não nhất thời ấy. Khi không sợ hãi, ta mới có đủ sự sáng suốt mà đưa ra những giải pháp ứng phó hiệu quả.

Đại đức Thích Minh Niệm: "Sắm đôi giày tốt để đi qua mọi chông gai" ảnh 4

Năm điều nên làm

1. Giữ nhịp sinh hoạt điều độ và quân bình: Tận dụng thời gian giãn cách xã hội không có nhiều áp lực từ công việc để ta được sinh hoạt một cách chủ động, điều độ. Đừng lao theo thứ gì quá (như công việc nhà, sử dụng điện thoại và internet, xem phim…), cũng đừng bỏ qua những sinh hoạt cơ bản nhưng rất quan trọng (như thể thao, võ thuật, yoga, hay bất cứ sự luyện tập nào có thể nâng dậy thể chất và tinh thần).

2. Kết nối với thiên nhiên và thư giãn sâu: Thiên nhiên là nguồn năng lượng vô cùng quý giá, nhưng chỉ khi nào ta có mặt trọn vẹn và đủ lâu thì mới có thể kết nối được. Nếu không thể đi ra ngoài đường, ta có thể tận dụng sân sau nhà hoặc ban-công, để thường xuyên ra đó ngồi chơi, tĩnh tâm, đọc sách, làm vườn… Đây cũng là cơ hội để lá phổi được thanh lọc, bồi dưỡng; và giúp ta được thư giãn sâu, an trú trong hiện tại, thiết lập sự bình yên bên trong.

3. Đọc sách và thiền tập: Mỗi ngày nên đọc vài trang sách mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, vì những thông tin trên mạng rất khó chọn lọc nên sẽ có nhiều thông tin gây xáo trộn hay tàn phá tâm hồn. Mỗi ngày cũng nên dành ra nửa giờ hay một giờ để ngồi tĩnh tâm, tập dừng lại mọi sự suy tư, an trú vững chãi vào chính mình. Cũng cần có những phút giây nhìn lại mình, để xem mình cần phát huy những ưu điểm nào và cần chuyển hóa những yếu kém nào.

Đại đức Thích Minh Niệm: "Sắm đôi giày tốt để đi qua mọi chông gai" ảnh 5

4. Gọi điện, viết thư, nhắn tin để nâng đỡ tinh thần: Thay vì chế tác và truyền đi những thông tin tiêu cực, buồn bã, gây suy yếu năng lượng cho những người thân quen, ta hãy nên hành động ngược lại. Chỉ nên nói hay làm những gì mang tính tích cực thôi. Một lời hỏi thăm, động viên, khích lệ, khen tặng, cảm ơn, yêu thương… xuất phát từ trái tim đều là những món quà tinh thần quý giá trong thời buổi thông tin nhiễu loạn và bên ngoài có quá nhiều điều tiêu cực xảy ra.

5. Sẵn sàng tiếp sức cho nhau: Khi thể chất và tinh thần đã ổn và vững rồi thì ta phải giúp đỡ những người xung quanh. Từ tài chính, tài năng, kỹ năng… đến công sức, thời gian, năng lượng đều là những thứ mà cộng đồng đang rất cần. Vì trách nhiệm của một công dân, vì lòng từ ái, ta sẵn sàng góp hết sức mình để giúp đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sự yên bình cho đất nước.

Ảnh tác giảSự thật là chúng ta không thể nào dọn dẹp hết mọi chông gai trong cuộc đời này, cách tốt nhất là hãy sắm cho mình một đôi giày thật tốt để đi trên mọi chông gai. Với sự luyện tập đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường ‘hệ miễn dịch tâm hồn’. Ngoài việc phát triển nội lực, chúng ta còn có thể mở ra những cái thấy sâu sắc về bản chất của đời sống, từ đó chúng ta có được một con đường đúng đắn, sẽ có nhiều hạnh phúc hơn đau khổ.

Thầy Thích Minh Niệm

Theo Tiến sĩ David R.Hawkins, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Power vs Force (Trường năng lượng và những yếu tố quyết định), những việc làm trên đây sẽ giúp cho tần số rung động của ta luôn ở mức khá cao mà không có thế lực hay năng lượng nguy hiểm nào có thể tấn công và hủy diệt được. Có thể nói, khi ta chế tác ra năng lượng an lành đến từ việc tu tập, chuyển hóa bản thân hay hướng tới tha nhân là ta đang vận hành đúng với quy luật của trời đất, ta đã trở thành đứa con cưng của trời đất, nên chắc chắn ta sẽ được bảo vệ, chở che trước nguy biến. Ngoài ra, năng lượng an lành của mỗi cá thể có thể đánh thức và kết nối với những nguồn năng lượng an lành khắp nơi trong trời đất, để khi đủ duyên nó sẽ trở thành một hiệu ứng mãnh liệt, có thể đẩy lùi mọi tai ương ách nạn. Nên, quay về tu tập, tích lũy phước đức luôn là điều cần kíp.

Bên nhau, trong tỉnh thức và từ ái, chắc chắn chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch, và sau khi đại dịch rút lui chúng ta sẽ bị không những sang chấn tâm lý đáng tiếc.

* Cảm ơn và chúc thầy sức khỏe để tiếp tục công việc gieo yêu thương đến nhiều người!

https://giacngo.vn/dai-duc-thich-minh-niem-sam-doi-giay-tot-de-di-qua-moi-chong-gai-post58197.html?
Bệnh viện Hạnh Phúc