Bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tuyển sinh quốc tế để đạt mục tiêu thu hút 300 nghìn người từ nay đến năm 2027.
Chile thu hút sinh viên quốc tế nhờ chương trình dạy bằng tiếng Tây Ban Nha.
Nhiều trường đại học Nhật Bản thay đổi thời gian bắt đầu năm học để thu hút sinh viên nước ngoài, trong khi Hàn Quốc giảm lệ phí xin thị thực và chứng minh tài chính.
Đổi lịch học
Sau dịch Covid-19, các trường đại học Nhật Bản đã ban hành hàng loạt sáng kiến mới để thu hút sinh viên nước ngoài như dạy bằng tiếng Anh, nới lỏng các quy định về thị thực và dự kiến chuyển kỳ tuyển sinh từ mùa Xuân sang mùa Thu cho phù hợp với lịch học ở châu Âu và Mỹ. Trước đó, các trường đại học Nhật Bản thường bắt đầu năm học vào tháng 4.
Cơ sở mới sẽ dành cho những sinh viên nói tiếng Anh vì các khóa học chủ yếu được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điểm hấp dẫn của cơ sở mới là nằm trong mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền thành phố, đại học và các công ty tư nhân. Ông TAKUJI MINORIKAWA (Đại học Kwansei Gakuin)
Hồi tháng 2, ông Hirofumi Yoshimura – Thống đốc tỉnh Osaka, đã công bố quyết định bãi bỏ kỳ tuyển sinh mùa Xuân và đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính thức trong các trường đại học địa phương. Quyết định trên nhằm đưa lịch tuyển sinh của Osaka về chung với lịch của đa số quốc gia trên thế giới, đồng thời, tiếp cận nhiều sinh viên nước ngoài hơn.
Tương tự, Đại học Tokyo, ngôi trường hàng đầu Nhật Bản, thông báo sẽ mở Khoa Thiết kế mới vào mùa Thu năm 2027, cung cấp chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Thời gian đào tạo là 5 năm với chương trình học kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học tự nhiên. Đây là mô hình giáo dục nghệ thuật mới được nhiều đại học trên thế giới lựa chọn.
Theo thông tin trên trang web của trường, Đại học Tokyo đặt ra mục tiêu đạt được tỷ lệ 30% sinh viên nước ngoài và 40% nghiên cứu sinh sau đại học trên tổng số tuyển sinh của năm học. Các chuyên gia đánh giá trường có thể dễ dàng đạt con số này nếu chuyển sang tuyển sinh vào mùa Thu vì Đại học Tokyo vốn là trường trọng điểm quốc gia.
Trong khi đó, Đại học Kwansei Gakuin, trường tư thục khai phóng, thông báo thành lập cơ sở mới tại thành phố Kobe, phía Tây Nhật Bản và chỉ giảng dạy bằng tiếng Anh. Ông Takuji Minorikawa – bộ phận hợp tác quốc tế của Đại học Kwansei Gakuin cho biết, trường có kế hoạch tuyển sinh từ năm 2029 và đặt mục tiêu tăng số lượng sinh viên quốc tế lên 20% trong tổng số 4 nghìn sinh viên theo kế hoạch.
Chuyên gia này cho biết thêm chương trình học sẽ được đổi mới. Việc học không chỉ giới hạn trong lớp, mà sẽ học theo dự án, tập trung tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu và địa phương. Nội dung đào tạo nhấn mạnh vào phương pháp tiếp cận liên ngành giữa khoa học nhân văn, khoa học và kỹ thuật.
Ngoài ra, trường sẽ tăng cường hệ thống hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên nước ngoài. Hiện nay, gần 90% du học sinh tại Đại học Kwansei Gakuin là người Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ sử dụng tiếng Nhật tương đối thành thạo và học bằng tiếng Nhật.
Thách thức tìm việc làm
“Giá trị mang lại bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu của trường thông qua kinh nghiệm quốc tế và nuôi dưỡng tư duy cởi mở của sinh viên Nhật Bản khi được tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa”, ông Dong nhấn mạnh.
Hiện nay, những thách thức lớn nhất để thu hút du học sinh là tìm việc làm tại Nhật Bản. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều về nước, chỉ khoảng 40% cử nhân, chủ yếu là tốt nghiệp trường dạy nghề, trường đào tạo tiếng Nhật, ở lại nước này.
Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc trên. Cục Xuất nhập cảnh quốc gia này cho phép sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề tìm kiếm việc làm trong các ngành khác với lĩnh vực học tập của họ.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng phạm vi ngành nghề sinh viên nước ngoài có thể ở lại làm việc theo thị thực “hoạt động được chỉ định”. Đây là một dạng thị thực cư trú cho phép du học sinh làm việc ở những khu vực rộng lớn hơn. Loại thị thực này trước đó chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc cao học.
Trước đây, sinh viên tốt nghiệp trường nghề muốn được cư trú ở Nhật Bản phải tìm công việc liên quan đến chuyên ngành của mình. Điều này hạn chế cơ hội việc làm, khiến nhiều người phải quay về nước.
Nhưng hiện tại, sinh viên nước ngoài học nghề tại Nhật Bản có cơ hội ở lại làm việc và xin thị thực cư trú giống như sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, họ cần phải chứng minh trình độ tiếng Nhật của mình.
Đại diện Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi hy vọng những sinh viên nước ngoài có trình độ, kỹ năng chuyên môn nhất định và hiểu biết sâu sắc về Nhật Bản có cơ hội làm việc trong nước”.
Nhiều tổ chức bày tỏ hoan nghênh động thái trên của chính phủ. Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản – tổ chức vận động hành lang kinh doanh lớn nhất đất nước cho biết, việc nới lỏng quy định nhằm mục đích giữ chân lao động nước ngoài có tay nghề cao. Hiện nay, nhiều lĩnh vực ở Nhật Bản bị ảnh hưởng đặc biệt do thiếu nhân sự như xây dựng, chăm sóc người già, khách sạn…
Tăng giờ làm thêm
Hiện nay, cử nhân nước ngoài được cấp thị thực E-7, trong đó chỉ được làm một số công việc chuyên môn. Thị thực E-9 mở rộng lĩnh vực làm việc cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, cha mẹ của sinh viên nước ngoài có thể xin cấp thị thực lao động thời vụ E-8 và đến Hàn Quốc sinh sống cùng con cái. Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Hàn Quốc làm việc trong 2 – 3 năm thay vì 6 tháng như trước đây.
Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tìm việc làm cho cử nhân trong lĩnh vực đóng tàu nhằm đảm bảo họ được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là một trong những lĩnh vực thiếu lao động lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, lệ phí xin thị thực và chứng minh tài chính sẽ giảm và được tính bằng won, đồng nội tệ Hàn Quốc thay vì đô la Mỹ. Trước đây, để chứng minh khả năng tài chính, sinh viên xin visa du học D-2 phải nộp bản sao kê ngân hàng có tối thiểu 20 nghìn USD.
Về phía các trường đại học đã triển khai nhiều phương án để thu hút sinh viên quốc tế. Các trường và chính quyền các địa phương đã kết nối, thăm và làm việc với nhiều quốc gia có số lượng sinh viên đông đảo ở Hàn Quốc như Uzbekistan.
Hai bên đã ký nhiều biên bản ghi nhớ cấp nhà nước về việc tuyển chọn và trao học bổng cho sinh viên quốc tế. Các trường cũng tăng cường quảng cáo, cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục để tiếp cận đông đảo sinh viên quốc tế.
Việc thu hút sinh viên quốc tế đến Hàn Quốc còn nhằm mục tiêu quan trọng là giải quyết nguy cơ đóng cửa trường đại học do tỷ lệ sinh trong nước giảm. Tuy nhiên, nỗ lực của các trường vấp phải nhiều thách thức.
Du học sinh đến Hàn Quốc thường chọn các trường đại học quốc gia nằm ở thủ đô Seoul vì mong muốn tiếp cận nhiều doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các trường nằm ở địa phương chưa được đầu tư nguồn lực mạnh mẽ từ chính phủ, thiếu mạng lưới kết nối với doanh nghiệp và chưa có nhiều hoạt động vui chơi giải trí.
Tận dụng ưu thế
Theo tổ chức giáo dục ApplyBoard, Chile là điểm đến du học phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2018, quốc gia này chào đón hơn 3 nghìn sinh viên nước ngoài nhưng đến năm 2022, con số đạt 19 nghìn người, tăng 500%. Chile bắt đầu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn vào năm 2020 và từ đó, số lượng sinh viên quốc tế liên tục tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Để thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn, Chính phủ Chile đã cung cấp nhiều dạng học bổng như Học bổng Chính phủ Chile, Học bổng Bicentennail, đồng thời, đơn giản hóa quy trình cấp thị thực cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố lớn nhất giúp Chile tăng vọt về số lượng sinh viên quốc tế là việc giảng dạy bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là ngôn ngữ chính của nhiều quốc gia Nam Mỹ nên Chile đã tận dụng ưu thế của mình để quảng bá và thu hút đông đảo sinh viên quốc tế đến từ khu vực này.
Các chuyên gia ghi nhận Chile đã biết tận dụng lợi thế của mình, kết hợp với việc mở rộng các ưu đãi dành cho sinh viên nước ngoài để phát triển lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Hàn Quốc, Nhật Bản hay Chile đều tăng cường biện pháp thu hút sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia ApplyBoard lưu ý hai yếu tố để giữ chân nhóm này ở lại sau khi tốt nghiệp.
Thứ nhất là khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Các trường đại học thu hút sinh viên nước ngoài theo học thường phải có mạng lưới kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và tỷ lệ du học sinh tốt nghiệp có việc làm ở mức cao. Khi các chính phủ tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài ở lại làm việc, các trường đại học cũng phải tăng cường trang bị cho sinh viên kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng mềm để thành công trong công việc.
Thứ hai là tỷ lệ lưu trú tại một quốc gia. Sinh viên quốc tế thường cân nhắc mức độ “hiếu khách” của một điểm đến du học thông qua tỷ lệ lưu trú. Tỷ lệ càng cao, sinh viên càng muốn theo học để ở lại phát triển sự nghiệp, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế tại quốc gia sở tại.
Việc các quốc gia du học hàng đầu như Australia, Canada, Vương quốc Anh ngày càng siết chặt quy định với du học sinh sẽ mở ra cơ hội phát triển giáo dục quốc tế ở những quốc gia khác. Đây là thời điểm các nước cần phát huy tối đa ưu thế trong lĩnh vực giáo dục, mở rộng quan hệ quốc tế để đón chào những sinh viên ưu tú nhất.
Năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc cho phép tăng giờ làm thêm của sinh viên quốc tế từ 20 lên 25 giờ mỗi tuần. Nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ có thể làm thêm 35 giờ vào các ngày trong tuần. Điều kiện để du học sinh được phép làm thêm là đạt chứng chỉ đánh giá khả năng sử dụng tiếng Hàn (Topik) từ cấp 4 trở lên.
Tác giả : Phạm Khánh
Đăng ngày : 15/09/2024
Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-dua-thu-hut-sinh-vien-quoc-te-post700614.html