Tác giả Phạm Sông Thu mong rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn cho sinh viên Ngành truyền thông và khoảng trống tư liệu hay, thực tế.

Sau Truyền thông theo phong cách Win – Win (NXB Hà Nội, ra mắt năm 2020) – tác phẩm đầu tiên trong hành trình truyền cảm hứng qua trang sách, tác giả Phạm Sông Thu tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ hai mang tên Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? do Nhà xuất bản Đà Nẵng in ấn, phát hành. Và ngày 07/05/2022, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách: “Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết” của tác giả Phạm Sông Thu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP. HCM.

Tác phẩm như viên gạch nối tiếp theo, giúp người đọc hiểu thêm về ngành truyền thông và quan hệ công chúng (PR) nói chung sau khi “nhập môn”.   Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? được lên ý tưởng cùng lúc với cuốn sách đầu tiên, sớm được tác giả hoàn thiện nội dung cơ bản và lên lịch dự kiến ra mắt.

Tác giả Phạm Sông Thu chia sẻ tại buổi ra mắt sách

Tuy nhiên, trải qua 2 năm dịch COVID-19 với những tác động mạnh đến đời sống xã hội, tác giả Phạm Sông Thu “vô tình” có thêm thời gian để hoàn thiện, củng cố một số nội dung mà anh tâm đắc. So với cuốn sách đầu tay, Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? vẫn giữ được ưu điểm là hệ thống lại một số lượng “khủng” các sự vụ liên quan đến truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Từ đó, người đọc dễ dàng hình dung và hiểu được ý đồ nội dung, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Đó không chỉ là những sự vụ nóng hổi xảy ra trong một, hai năm trở lại mà xa hơn từ mười, hai mươi năm trước thậm chí xa hơn cho thấy bức tranh khá toàn diện về cách quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.

Tác giả chia sẻ với độc giả cùng người dẫn chương trình chị Huỳnh Cẩm Thúy (Thạc sỹ ngôn ngữ, Phụ trách ngành PR trường Cao Đẳng Việt Mỹ), cùng 2 diễn giả là anh Nguyễn Xuân Trung (CEO Advertising Vietnam) áo trắng và anh Khuất Quang Hưng (Quản trị danh tiếng & xử lý khủng hoảng của Nestlé Vietnam)

Các ví dụ được tác giả nhắc đến trong sách không khó tìm bởi chúng từng xuất hiện ầm ĩ trên báo chí, mạng xã hội – những nền tảng mà chỉ cần một cú click chuột, mọi người có thể tìm đọc. Tư liệu dễ kiếm, vô cùng thuận lợi nhưng không phải ai cũng có thể hệ thống một cách logic, ngắn gọn, tập trung. Và đương nhiên, nếu không phải là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông với thâm niên 20 năm như tác giả Phạm Sông Thu, sẽ thật khó để nắm bắt đầy đủ, chi tiết như vậy.

Một độc giả tham dự buổi ra mắt tranh thủ đọc quyển “Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết?” trước giờ giao lưu

Theo tác giả, việc anh nhắc đến tên những thương hiệu lớn nhỏ cùng các sự vụ khủng hoảng truyền thông đã diễn ra không nhằm mục đích pr cho cuốn sách, mà chỉ xem toàn bộ thông tin là các ví dụ phù hợp để người đọc hiểu đúng, nắm bắt chính xác nội dung.   Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? hướng đến đối tượng độc giả ở biên độ khá rộng, nghĩa là tất cả những ai quan tâm đến quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu đều có thể tìm đọc. Tuy nhiên, tác giả Phạm Sông Thu mong muốn cuốn sách tiếp cận được sinh viên đang theo học ngành truyền thông, quan hệ công chúng bởi theo anh quan sát, thị trường xuất bản hiện không thiếu sách về truyền thông nhưng nội dung đa phần là lý thuyết, kiến thức tổng quát mang tính lý luận.

Chị Trần Kim Anh ( Trưởng phòng truyền thông Long Thành) đến chia vui và chúc mừng tác giả Phạm Sông Thu

“Sinh viên hiện tại với việc tiếp cận nhanh nhạy xu hướng và công nghệ thông tin tân thời, họ cần nguồn tư liệu thực tế, những ví dụ sinh động, ngắn gọn nhưng cho thấy tính cốt lõi của vấn đề. Cuốn sách của tôi không phải là tài liệu duy nhất hay hay nhất, chúng đơn thuần là việc tôi chia sẻ trải nghiệm của chính mình trong nghề để sinh viên nói riêng và những bạn trẻ theo ngành truyền thông nói chung rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tại trường đến thực tiễn doanh nghiệp”, tác giả Phạm Sông Thu chia sẻ.

Tác giả ký tên vào sách cho bạn đọc, sinh viên tham dự giao lưu

Cuộc chiến thương hiệu – Sáng tạo hay chịu chết? gồm 15 chương, tổng hợp những câu chuyện và bài học được đúc kết từ các vụ cạnh tranh và khủng hoảng truyền thông của hàng trăm thương hiệu trong và ngoài nước. Từ trải nghiệm được tác giả thể hiện qua sách, bạn đọc đặc biệt là những người đã, đang và sẽ làm việc trong ngành truyền thông, quan hệ công chúng có thể xem đây là kinh nghiệm, bài học quý để quản trị khủng hoảng, xây dựng thương hiệu cá nhân/tổ chức hiệu quả trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số.

Tác giả Phạm Sông Thu cho biết toàn bộ nhuận bút tác quyền và thù lao các buổi chia sẻ trong thời gian sau khi sách ra mắt sẽ được dành tặng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19.

Phạm Sông Thu bút danh Thu Giang, Phạm Tấn từng công tác tại báo Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Khám Phá…; Thư ký tòa soạn Tạp chí Golf & Life; đồng sáng lập Tuần báo Nguồn Việc; chủ biên Tạp chí Golf & Resort, Golf & VIP, Golf & Travel; công tác tại Ban Truyền thông Tập đoàn VinGroup (2009-2019). Hiện tác giả đang công tác tại Tập đoàn NovaGroup (từ 2019 đến nay).

Tác giả Phạm Sông Thu chụp ảnh lưu niệm cùng độc giả, các bạn sinh viên

Ngoài Truyền thông theo phong cách Win – Win đã xuất bản, tác giả Phạm Sông Thu đang hoàn thiện bản thảo Sông Thu du ký (thể loại ký du lịch).

 

Mai Mai (CLB Phụ Nữ Hiện Đại)

 

Bệnh viện Hạnh Phúc