Trong xã hội đang có hiện tượng nhiều gia đình cả cha mẹ đều lao vào cuộc mưu sinh, tất bật với công danh, sự nghiệp thế nên con cái họ gần như bị “bỏ rơi”. Và cũng từ đó, nền tảng giáo dục gia đình có dấu hiệu sa sút, mà vấn đề bạo lực học đường, đối tượng của tệ nạn, tội phạm ngày càng trẻ hóa là những biểu hiện cụ thể. TS Trần Phi Phượng, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH KH-XH&NV TP HCM, Hiệu trưởng Trường TTH Đức Trí (Bình Dương) đã chia sẻ với PV Năng lượng Mới xung quanh vấn đề này.

Năng lượng Mới số 409

Giáo dục gia đình là gốc

PV: Thưa TS, có quan điểm cho rằng trong 3 nền tảng giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội thì giáo dục gia đình mang tính quyết định nhất trong việc hình thành nhân cách một con người. TS chia sẻ gì về điều này?

TS Trần Phi Phượng: Theo tôi, yếu tố giáo dục gia đình giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người, nếu không muốn nói là quyết định. Quá trình này khởi đầu từ lúc đứa bé còn nằm trong bụng mẹ; bao gồm cả yếu tố di truyền và thai giáo (những yếu tố tâm sinh lý của người mẹ tác động vào tâm thức đứa bé khi còn là bào thai).

TS Xã hội học Trần Phi Phượng

Trong khoảng thời gian từ lúc đứa bé được sinh ra cho đến trước khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội (nhà trẻ, mẫu giáo) thì gia đình ảnh hưởng đến trẻ thông qua cách hành xử, mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà, con cháu trong gia đình; những hành vi, ngôn ngữ, thói quen của những thành viên trong gia đình – nhất là của cha mẹ – lưu vào trong tiềm thức của trẻ và chi phối cách suy nghĩ hành xử của trẻ sau này.

Tiếp theo là giai đoạn khi trẻ bắt đầu tới trường học, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Những yếu tố bên ngoài cũng bắt đầu có ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ. Trẻ sẽ bắt chước bạn bè và học từ những điều thầy cô dạy ở trường. Sau này khi lớn lên, môi trường làm việc, mối quan hệ xã hội và tính chất công việc cũng phần nào ảnh hưởng đến cách hành xử của con người đang sinh hoạt trong môi trường đó.

Như vậy, có thể nói quá trình hình thành nhân cách một con người bao gồm yếu tố di truyền, giáo dục gia đình, học đường và môi trường văn hóa – xã hội cùng với những giao tiếp trong môi trường mà con người đang sinh sống quyết định, trong đó yếu tố giáo dục gia đình là nền tảng.

PV: Phải chăng những hiện tượng tiêu cực thời gian qua như bạo lực học đường gia tăng, thói hung hãn lên ngôi, đối tượng tội phạm, tệ nạn ngày càng trẻ hóa… có liên quan mật thiết đến vấn đề nền tảng giáo dục từ gia đình đang sa sút, thưa TS?

TS Trần Phi Phượng: Nhìn chung, gia đình trong xã hội ta ở thời kỳ chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Con cái trong gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, ông bà, tình trạng cha mẹ ly hôn hoặc bất hòa, mâu thuẫn càng lúc càng nhiều, con cái mất phương hướng, không có điểm tựa để phân biệt đúng sai. Trong lúc đó, ngoài xã hội lại có nhiều yếu tố cám dỗ như game, hút sách, cùng lúc với tình trạng sử dụng Internet rộng rãi, những cạm bẫy và tệ nạn ngoài xã hội phát triển nhanh theo cơ chế thị trường…

Thực tế là cha mẹ nào cũng thương con và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, áp lực của công việc và các mối quan hệ khác chiếm hết tâm trí của họ và việc giáo dục con cái phần lớn họ giao khoán hết cho trường học. Đôi khi, họ không lường trước hết những tác hại bên ngoài đối với con mình nên không kịp thời hướng dẫn và ngăn chặn.

PV: Xin TS phân tích rõ hơn về những yếu tố tác động, làm nền tảng giáo dục ở nhiều gia đình hiện nay đang có dấu hiệu sa sút?

TS Trần Phi Phượng: Cách hành xử của cha mẹ với nhau bên trong gia đình hoặc của cha mẹ đối với bên ngoài cũng tác động rất lớn đến con. Ví dụ như, cha mẹ dạy con phải sống trung thực, nhưng chính họ lại không trung thực thì con cái sẽ học từ chính hành vi của họ, chứ không học theo những điều họ dạy. Do đó, cha mẹ và người lớn trong gia đình nói chung phải rất gương mẫu trong mọi hành động; cử chỉ, lời nói, việc làm phải đúng như những gì dạy trẻ thì mới có tác dụng giáo dục hiệu quả.

Những vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian qua

Kế đến, trẻ sẽ bị hụt hẫng, mất phương hướng và niềm tin trong một hoàn cảnh gia đình mâu thuẫn cha mẹ bất hòa, nói xấu lẫn nhau. Muốn giáo dục tốt được trẻ thì quan hệ gia đình phải thật sự đầm ấm, yêu thương. Có một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện nay là tỷ lệ ly hôn ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng những em “học sinh cá biệt” hầu như đều xuất phát từ những gia đình cha mẹ đổ vỡ hôn nhân, gia đình ly tán hoặc các em không được ở với cha mẹ, mà được gửi cho ông bà hoặc một ai đó nuôi.

Mặt khác, vấn đề xã hội hóa giáo dục trẻ em hiện nay là diễn ra tương đối sớm. Do cha mẹ bận rộn đi làm, trẻ thường được gửi đi học ở lứa tuổi 1, 2 tuổi, chứ không phải là đến 5, 6 tuổi, khi bắt đầu vào lớp 1 như ngày trước. Vì vậy, từ khi còn rất nhỏ thì ngoài ảnh hưởng từ gia đình, trẻ cũng bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn, từ đó tác động hình thành những thói quen. Dĩ nhiên, sự tiếp xúc này với bên ngoài thì cũng có mặt tích cực, nhưng không thiếu những khía cạnh tiêu cực. Thậm chí, ngay cả trẻ ở nhà trẻ thì tình trạng bạo lực cũng đã xảy ra. Từ đó, tạo ra những vết thương đầu đời rất nặng đối với các em và sau khi lớn lên, các em rất dễ trở thành người có hành vi mang tính bạo lực.

PV: Tình trạng bạo lực học đường trong thời gian qua diễn ra khá nhiều, phức tạp gây nhức nhối trong xã hội. Là nhà nghiên cứu, cũng là nhà giáo dục, TS giải thích thế nào về hiện tượng này dưới góc nhìn giáo dục gia đình?

TS Trần Phi Phượng: Theo kinh nghiệm tham vấn học đường của tôi, những em học sinh có hành vi bạo lực thường là những em có sự bất an và những nỗi khổ đau sâu xa trong tâm hồn mà chính các em cũng không nhận biết.

Phần lớn các em xuất thân từ hoàn cảnh gia đình không thuận lợi: Gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn, phân tán mỗi người mỗi nơi, thiếu vắng tình thương của cha mẹ… Có thể, chính các em đã từng là nạn nhân của bạo hành gia đình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (chứng kiến cảnh cha mẹ bạo hành).

Đối với trẻ sống trong môi trường gia đình bạo hành như nói ở trên thì khi đến trường hay ra ngoài xã hội, gặp phải chuyện này, chuyện kia không như ý là các em phản ứng lại bằng bạo lực. Các em không thể tự kiểm soát được hành vi bộc phát của mình và cũng không hề nhận ra rằng hạt giống bạo lực đã có sẵn bên trong vô thức của các em, có điều kiện là bộc phát chứ không phải là do bạn A, bạn B nào đó gây ra cả!

Cô đơn trong “tổ ấm”!

PV: TS nghĩ sao khi cho rằng, con trẻ trong nhiều gia đình hiện nay đang bị cha mẹ… bỏ rơi!? Bởi thật khó có thể tưởng tượng rằng, con mình bị bạn bạo hành đến té máu mà về nhà nhiều cha mẹ không hề biết; con mình vướng vào tệ nạn nhưng có cha mẹ vẫn ngỡ ngàng khi hay tin…

TS Trần Phi Phượng: Hiện nay trong nhiều gia đình, cả cha và mẹ đều lao vào cuộc sống mưu sinh mà quên đi những giá trị cốt lõi của gia đình. Một nghiên cứu về di dân gần đây cho thấy, có rất nhiều phụ nữ phải rời bỏ quê nhà đến những khu công nghiệp ở đô thị để kiếm sống, rồi gửi tiền về nuôi con nhỏ. Họ hy vọng có tiền sẽ giải quyết được tất cả những nhu cầu khác của gia đình, thế nhưng, thực tế không phải vậy.

Trẻ trong các nhà trẻ cũng bị bạo hành

Trong nghiên cứu về vấn đề cân bằng hai vai trò của người phụ nữ là công việc và gia đình, tôi thấy phụ nữ ngày nay có học vấn cao hơn và có điều kiện làm việc tốt hơn, trên 52% lực lượng tham gia thị trường lao động là nữ. Ngược lại, ngày xưa người ta có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tức người phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, chồng con thôi. Đó là mô hình truyền thống khá ổn. Nhưng bây giờ phụ nữ có điều kiện học hành, có điều kiện tham gia lao động nhiều hơn và cũng chính vì vậy họ cũng bị áp lực không kém gì nam giới. Họ vẫn phải làm khối lượng công việc tương đương với đàn ông và về nhà họ làm những công việc của người phụ nữ trong gia đình…

Do đó thì giờ để chia sẻ, gần gũi, yêu thương và chăm lo cho con cái cũng giảm đi rất nhiều. Hiện tượng con cái về nhà chui vào phòng riêng học bài hoặc chơi game, có khi cả tuần không gặp mặt cha mẹ hoặc hiện tượng vắng dần những bữa ăn gia đình cũng cho thấy sự tan rã dần mô hình gia đình truyền thống trước đây.

Tuy vậy, xét về phương diện tích cực, theo điều tra khảo sát của tôi trên mẫu các phụ nữ trí thức và trung lưu trong gia đình lưỡng nghiệp, họ có cách quản lý thời gian khá tốt để cân bằng giữa công việc và gia đình, giải quyết hài hòa các mâu thuẫn. Con cái của những gia đình này được giáo dục khá tốt, tạo ra một thế hệ trẻ của nền kinh tế thị trường được trang bị đầy đủ kiến thức ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng sống, các em rất tự tin và có khả năng trở thành những công dân toàn cầu hiện đại và năng động không thua gì học sinh ở các nước phát triển trong khu vực.

PV: Nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ hay phó mặc con cái cho nhà trường vì họ nghĩ rằng, đó là nơi sẽ thay họ giáo dục con cái họ. TS nghĩ gì về việc này?

TS Trần Phi Phượng: Quan niệm này hiện nay khá phổ biến ở các bậc phụ huynh. Họ bận rộn kiếm tiền và hy vọng gửi con đến trường học là hoàn tất nhiệm vụ giáo dục gia đình. Nhưng thực tế không phải như vậy, vấn đề của các em vẫn còn nguyên. Bởi như tôi đã chia sẻ, cái gốc để hình thành nên nhân cách một con người vẫn là gia đình. Ở trường, thầy cô dạy các em thông qua việc cung cấp kiến thức và kỹ năng sống. Chương trình học đôi khi quá nặng nề khiến thầy cô không có nhiều thì giờ gần gũi, trao đổi với học sinh, giúp học sinh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống.

Tuy nhiên, ở một số trường hiện nay đã có Phòng Tham vấn học đường để giúp những học sinh cá biệt, có vấn đề về tâm lý, hay vi phạm những nội quy nhà trường. Đồng thời vai trò của chuyên viên tư vấn là còn giúp phụ huynh nhìn ra những vấn đề của con cái mình: Nguyên nhân từ đâu, cần thay đổi quan hệ trong gia đình như thế nào để giúp con em mình.

PV: Khi điều kiện kinh tế gia đình càng cao, nhà chỉ có 1 hoặc 2 con nên nhiều bậc cha mẹ rất nuông chiều con cái. Họ nghĩ chiều con, cho con nhiều là thương con. Đó cũng là một sai lầm lớn của nhiều bậc cha mẹ phải không TS?

TS Trần Phi Phượng: Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm thương con bằng cách chiều con và nghĩ rằng như thế là tốt. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại! Ví dụ, có nhiều em học sinh đặt điều kiện cha mẹ mua cho xe phân khối lớn thì mới chịu học. Thế là cha mẹ chiều theo, nhưng họ đâu ngờ, từ việc mua xe cho con lại đưa đến nhiều tiêu cực khác như đua xe, bỏ học đi chơi, rồi các tệ nạn khác kéo theo.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng cho tiền con càng nhiều càng tốt, nhưng đúng ra thì nên giáo dục con biết sử dụng đồng tiền đúng chỗ, biết tiết kiệm và chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn…

PV: Thưa TS, TS có lời khuyên nào cho các gia đình hiện nay về vấn đề nền tảng giáo dục gia đình?

TS Trần Phi Phượng: Những bậc làm cha mẹ cần ý thức vai trò quan trọng của giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách trẻ, tác động của cách hành xử cha mẹ đối với nhân cách trẻ và sự ảnh hưởng đến số phận sau này của trẻ.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái, cần tạo một môi trường yêu thương lành mạnh làm mảnh đất cho con cái phát triển tốt nhất những tiềm năng của chúng. Không chỉ thương yêu mà còn phải quan tâm, gần gũi như là một người bạn với con, để con có thể tâm sự.

Trong hoàn cảnh xã hội có nhiều tác động tiêu cực như hiện nay, cha mẹ phải giúp con có đủ nội lực để tự bảo vệ trước những cám dỗ bên ngoài. Muốn vậy, bản thân các bậc làm cha mẹ phải thường xuyên nỗ lực hoàn thiện chính mình trong cách suy nghĩ và hành động để làm điểm tựa vũng chắc cho con cái.

Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Sự tiếp nối đó tốt đẹp hơn không tùy vào khả năng xây dựng hạnh phúc gia đình của cha mẹ.

Một điều nữa cũng quan trọng không kém: Để gia đình, tế bào của xã hội phát triển lành mạnh thì thế hệ trẻ cũng cần phải được giáo dục để có nhận thức đúng đắn trước khi lập gia đình và phải có ý thức trách nhiệm khi tạo ra một con người. Các lớp học tiền hôn nhân rất cần thiết, như một điều kiện để cho nam nữ trước khi đăng ký kết hôn. Họ cần ý thức rõ hậu quả của việc ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con cái như thế nào.

Sau cùng, nhưng là quan trọng nhất, những người lớn chúng ta dù ở vị trí là cha mẹ hay thầy cô cần phải nuôi dưỡng tâm bình an của chính mình để có khả năng xây dựng môi trường giáo dục hòa bình cho con em của chúng ta, tránh xa mọi hình thức bạo lực từ tư tưởng, lời nói, việc làm. Từng người có tâm bình an, thế giới mới hết bạo lực.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Gia đình là chốn bình yên nhất!Giáo dục gia đình đang yếu kém, đó là một thực tế đau lòng dù không phải là quá bi quan. Không thể phủ nhận hiếu nghĩa vẫn còn tồn tại đầy màu sắc ở một số gia đình nhưng thực tế sự rạn vỡ trong gia đình ở góc nhìn mối quan hệ là có thật. Nhiều quá các vụ việc cha mẹ sai khi giáo dục con, khi con cái sai thì tiếp tục chủ quan thêm lần nữa…

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Ý tưởng Việt

Vì quá mải đi tìm những cái mới nên con người ta cũng lãng quên mình còn những gì và đã mất đi những gì ngay trong chính gia đình của mình. Thực tế của sự thiếu tỉnh táo ấy là nền tảng gia đình sa sút. Dễ thấy khi nhiều người không còn quan tâm đến người thân, không cần biết người khác nghĩ gì, không còn biết người khác ra sao khi ta ứng xử thế này, hành động thế khác thì nền tảng gia đình còn đâu được gọi là nền tảng… cái yếu thế nằm ngay ở nền tảng thì sự xây cất chẳng thể vững vàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì kết cấu gia đình đang đứng trước nguy cơ tan rã. Trước đây, gia đình là khoảng không gian các thành viên cùng sinh hoạt. Cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm, chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong ngày. Nhưng thực tế hiện nay để tìm được những bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên là rất khó.

Khi sự gắn kết giữa các thành viên ít dần đi thì việc nền tảng giáo dục có lẽ yếu đi là điều dễ hiểu. Khi người ta không gần nhau, không gắn bó, cơ hội gắn kết hai chiều giảm đi và sự tác động nhau cũng yếu đi… nền tảng gia đình sẽ khó vững bền với thực tế như vậy!

Nhiều bậc cha mẹ hiện nay có rất ít thời gian dành cho việc trò chuyện, lắng nghe con cái. Và điều đó dẫn đến việc trẻ cảm thấy cô đơn ngay tổ ấm của mình. Đó là một tiếng trống mang tính báo hiệu những đổi thay lạ. Và, đó còn là sự cảnh tỉnh! Sao cha mẹ có thể vô tư hướng về những nhu cầu và những giá trị mơ hồ và không thực chất để gia đình không còn lửa ấm?!…

Dẫu cuộc sống có thay đổi đến nhường nào, dẫu xã hội có phát triển ra làm sao thì gia đình vẫn là chốn bình yên nhất để chúng ta có thể cùng vui, cùng khóc, cùng cười. Những thay đổi trong gia đình ngày nay là không thể phủ nhận nhưng chúng ta phải làm sao vẫn giữ được nếp nhà, vẫn lưu giữ được những giá trị trong sâu thẳm trái tim, để mỗi lần xa chúng ta lại mang theo niềm nhớ đặt tên là gia đình.

L.T (ghi)

 

Lê Trúc (thực hiện)

 

Theo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc