Tiện ích của mạng xã hội facebook (fb) là thật, song “thế giới” này cũng đang hiện diện không ít mảng tối. Cụ thể, trong thời gian qua đã có khá nhiều những tệ nạn được nhắc đến có nguồn gốc xuất phát từ fb, đó là những vụ giết người, lừa đảo, hiếp dâm… PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu về “Hành vi sử dụng mạng xã hội facebook của vị thành niên”. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá rất cao nghiên cứu đó, với số điểm 99/100 điểm. Ông đã dành cho Năng lượng Mới cuộc trò chuyện xung quanh các mặt trái nổi cộm của fb mà xã hội quan tâm.
Ăn, ngủ, yêu và… chết cũng “phây”
PV: Thưa PGS, xuất phát từ thực tế nào đã đưa PGS đến với đề tài nghiên cứu “Hành vi sử dụng mạng xã hội của vị thành niên”?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã bắt đầu đăng tải khá nhiều vấn đề liên quan đến mặt tích cực và tiêu cực của vị thành niên khi sử dụng fb, cũng như ý kiến từ phía lãnh đạo nhà trường và phụ huynh về việc khắc phục tình trạng nghiện fb ở các em. Đó là chưa kể hàng loạt sự lệch chuẩn hành vi khi sử dụng fb đã diễn ra. Cụ thể như lên fb chửi mắng thầy cô, kết bè kết phái và gây sức ép đối với bạn bè cùng lớp – cùng trường, sử dụng fb để đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc… Trước những ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi nghiện fb ảnh hưởng xã hội, nhà trường và gia đình hết sức lo lắng, việc nghiên cứu về đề tài này rất cần thiết.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
PV: Qua khảo sát, nghiên cứu, kết quả nào thu thập được khiến PGS phải “giật mình” thật sự?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy những con số đáng báo động về hành vi lạm dụng khi sử dụng mạng xã hội của vị thành niên ở nước ta hiện nay. Đa số vị thành niên thuộc mẫu khảo sát (97,6%) có sử dụng fb, với thời gian sử dụng trung bình trong khoảng từ 1 đến 3 năm. Thời gian sử dụng trong ngày thường là từ 1 đến 2 giờ, ngày nghỉ là từ 3 giờ trở lên. Đa số sử dụng fb bất cứ lúc nào rảnh và có thể sử dụng fb hằng ngày. Địa điểm sử dụng fb của vị thành niên chủ yếu là ở nhà, bằng nhiều thiết bị khác nhau, tùy theo từng điều kiện nhất định, nhưng nổi bật là xu hướng sử dụng đa phương tiện để truy cập fb.
Qua phân tích một số biểu hiện hành vi nghiện của fb vị thành niên cho thấy có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa, 0,2% ở mức nghiện nặng. Kết quả tự đánh giá của vị thành niên thì có 30,4% chưa đủ dấu hiệu nghiện, 32,9% có xu hướng nghiện, 28,5% nghiện nhẹ, 7% nghiện vừa, 1,2% nghiện nặng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện fb của vị thành niên bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó nhóm các yếu tố chủ quan gồm: Mong muốn được nổi tiếng, gây được sự chú ý đến người khác, nhu cầu khẳng định bản thân và cảm thấy chán vì suốt ngày tham gia những hoạt động ở trường. Đây là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi nghiện fb của vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi.
PV: Những biểu hiện phổ biến nhất hiện nay của giới trẻ khi nghiện fb mà PGS đã nghiên cứu được thông qua đề tài trên là gì?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Khi đời sống ngày càng trở nên bận rộn, người ta càng dễ mất đi những sự lãng mạn, kiên nhẫn… Vì thế, không ít bạn trẻ tìm đến mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Khẳng định cái tôi, hay đó là nhu cầu giao tiếp đều có thể! Bên cạnh đó, tôi cho rằng các bạn trẻ tìm đến thế giới ảo còn vì sự cô đơn và lo lắng… Trên thế giới ảo, nó có thể “ru ngủ”, làm cho bạn trở nên tự tin, bạn được là chính mình mà chẳng ai biết bạn là ai. Những áp lực về tài chính cũng làm cho một số bạn nghĩ mình nên sống trên thế giới ảo hơn, vì ở đó mới được thỏa sức.
Chính vì những lý do trên mà không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ xem các trang mạng xã hội là ngôi nhà của mình. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ với đủ đầy hỉ, nộ, ái, ố, thượng vàng hạ cám… trên các trang mạng xã hội.
Những tiêu cực trên FB: khoe thân, khoe giết động vật…
PV: Theo PGS chia sẻ thì tâm lý giới trẻ đang rất ngộ nhận về thế giới ảo trên fb! Điều đó sẽ đưa đến hậu quả gì, thưa PGS?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc biến thế giới ảo là thật đang tồn tại ở một số bạn trẻ ngày nay. Ăn “phây”, ngủ “phây”, yêu “phây” và chết cũng “phây” đang tồn tại…
Một số bạn trẻ dành thời gian, tâm trí và cả những sự đầu tư rất cụ thể và đầy chi tiết cho fb mà quên rằng chúng ta đang sống giữa đời thực. Nhiều bạn trẻ lãng quên rằng chỉ khi con người sống và tương tác trong mối quan hệ với đời thực thì con người mới có thể phát triển đúng nghĩa. Thậm chí, một số bạn vì kiểu chơi facebook, kiểu sống fb đã định hướng sai chuẩn, thậm chí là đảo lộn các giá trị và quên bẵng nhiều thứ thuộc về đạo lý…
Như vậy, vô hình trung, giới trẻ đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, thực dụng, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
Thế giới ảo là của những người ảo
PV: Liên tiếp các vụ án liên quan đến fb đã xảy ra, như lừa đảo qua fb, bạo lực học đường xuất phát từ mâu thuẩn trên fb, đặc biệt là vấn nạn hiếp dâm nữ sinh từ bạn trai làm quen qua fb được nhắc đến khá nhiều. PGS có nhận xét gì về các vấn nạn này?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Vấn nạn bị dụ dỗ, bị cưỡng bức, thậm chí bị hiếp dâm sau khi quen bạn trên fb cho thấy: Người ta có thể nghĩ rằng mình có kỹ năng, nhưng trên thực tế thì không. Đó là minh chứng cho việc dễ dãi với bản thân, non kém về kiến thức – kỹ năng sống.
Tôi xin được khẳng định: Thế giới ảo là của những người ảo. Thế giới ấy không thể có sự chân thật mà nhiều lắm sự giả dối, lừa lọc và mưu mô. Ngay từ đầu, khi người ta đã ảo trên thế giới mạng Internet, thì thật khó để có thể đòi người ta phải thật về sau.
Khi tham gia mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ không lường trước nổi hậu quả ảnh hưởng của nó trong đời thực. Đó là khi các bạn trẻ bị kẻ xấu “ném đá giấu tay” trên mạng xã hội với ý đồ xúc phạm, nhục mạ, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là tình yêu “ảo” qua mạng xã hội. Họ chia sẻ, lắng nghe nhau nói, an ủi nhau qua những tin nhắn, rồi dần nảy sinh tình cảm, nhưng đến khi gặp nhau ngoài đời thực không ít bạn bị thất vọng và dẫn đến nhiều hiện tượng đáng tiếc xảy ra như chúng ta đã biết.
PV: Rồi đến hiện tượng một số bạn trẻ khoe của, khoe cảnh giường chiếu, rồi giết động vật, thậm chí giết người cũng mang lên khoe trên fb. Những hành vi này biểu hiện điều gì về giới trẻ khi sử dụng facebook, thưa PGS?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Những điều này cho thấy việc sử dụng fb một cách vô tội vạ, thiếu sự chọn lọc. Ở một góc độ nào đó, nó cũng bộc lộ việc khoe mẽ, việc thiếu cân nhắc, thiếu kiểm soát chính mình. Đó là biểu hiện của sự non kém trong văn hóa cơ bản, trong văn hóa thể hiện. Ở một góc độ khác nó cho thấy sự nghèo nàn về đời sống tinh thần của một số bạn trẻ…
PV: Nhưng nói đi cũng phải nói lại rằng, mạng xã hội fb là một tiện ích thật sự. Còn những hệ lụy từ đó là xuất phát từ con người, PGS nghĩ sao?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Thực tế này cần được thừa nhận nhưng cho đến thời điểm này, không thể và chưa thể sử dụng fb vì những mục tiêu tích cực như một hành vi ưu thế. Ngay cả những giáo viên cũng chưa sử dụng fb để xem như một kênh thông tin chính thống để hỗ trợ việc dạy học. Nếu có ở học sinh thì Fb được sử dụng để nhắc lịch, trao đổi chút ít bài vở nhưng chuyện phiếm, đoán mò đề, học tủ và hàng loạt chuyện tán gẫu được trưng dụng một cách tối đa.
Trong kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy, chỉ khoảng 10% trong số rất nhiều lượt sử dụng là tin trực tiếp đến mục đích học tập. Còn lại thì đó là những vấn đề lãng mạn, trăn trở rất cá nhân hoặc vả những chuyện thường ngày, chuyện tầm phào hay nội dung bà tám thời sự được khai thác là chủ yếu. Rõ ràng, sự thông minh khi sử dụng fb, bản lĩnh của người sử dụng trở thành yếu tố rất quan trọng.
Coi chừng sập bẫy…!
PV: Xin hỏi ngược lại PGS rằng, thế nào là người sử dụng fb đúng đắn?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Thực sự định nghĩa điều này rất khó. Tuy nhiên, chỉ cần sử dụng fb phù hợp với thời gian, điều kiện cá nhân, sử dụng fb có kiểm soát chính mình, chọn lọc nội dung, chọn lọc hình thức thể hiện và làm chủ fb cũng như làm chủ hành vi sử dụng fb là hành vi sử dụng fb khá phù hợp.
PV: Việc sử dụng fb phụ thuộc nhiều vào bản thân các bạn trẻ, nhưng về phía trách nhiệm xã hội nên được nhìn nhận thế nào là đúng thưa PGS?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng có thể buồn cho các bạn trẻ, nhưng không nên trách các bạn ấy. Vì chúng ta cũng cần hỏi ngược lại là những người có trách nhiệm đã làm những hành động gì để bảo vệ các bạn trẻ? Bao nhiêu lớp về kỹ năng, bao nhiêu chương trình hành động cụ thể? Bao nhiêu lần chúng ta đã thực sự trang bị cho các em những kinh nghiệm cần thiết trong thế giới ảo?
Một số bạn trẻ thường dễ nhận thấy được vấn đề, nhưng để biến nó thành điểm đến trong suy nghĩ, nhận thức và hành động thì không phải dễ. Điều đó nói lên sự thật: chúng ta cần đối diện với vấn đề của bạn trẻ, thay vì cấm đoán hay phê phán. Xuất phát từ đó, nhiều bạn trẻ đã có rất nhiều ý kiến là tôi nên mở các lớp học online về kỹ năng, mở các diễn đàn chia sẻ về fb… Tôi cho rằng, đây là một nhu cầu chính đáng cần được quan tâm.
PV: PGS có thể đưa ra những lời khuyên gì cho giới trẻ vị thành niên về thế giới ảo trên fb và biện pháp để có thể hạn chế những trường hợp xấu có thể xảy ra với các em?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi chỉ xin chia sẻ: Thế giới ảo là thế giới ảo, không thể là thế giới thật như ta nghĩ. Chuyển từ thế giới ảo sang thật là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình là người cả tin thì đừng bao giờ cho mình quá nhiều cơ hội “sập bẫy”. Hãy sống thực, làm thực, thay vì cứ mơ mộng với những giá trị đảo lộn. Còn rất nhiều cái thật trong cuộc sống đang thách thức bạn, sẽ rất thú vị nếu bạn trải nghiệm, hành động tích cực.
Bạn không thể lãng phí thời gian vào thế giới ảo cùng những thiết bị công nghệ thông minh. Hãy sử dụng thời gian thật hiệu quả, bước ra khỏi điện thoại, máy tính để hòa nhập cùng thế giới bên ngoài nhiều hơn.
PV: Là một giảng viên, một chuyên gia tâm lý rất được giới trẻ quan tâm, PGS có kế hoạch chương trình gì để giúp các bạn trẻ hiểu về thế giới ảo, sử dụng fb đúng đắn?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: fb hay fanpage không phải chỉ là nơi phô diễn hình ảnh, hay sự giàu sang, nổi tiếng. Đó cũng chẳng phải là nơi chốn “riêng tư” cho người ta tự sướng. Fb hay fanpage vẫn có thể là trường học thú vị, đó là trường học của thế giới phẳng ảo mà thật, thật mà ảo. Thật của lòng nhân ái và của sự sẻ chia. Tôi đang biến fanpage của mình thành trường học để chia sẻ mỗi ngày về những điều thú vị xung quanh cuộc sống chúng ta. Tôi sẽ làm theo cách của mình và hy vọng đây sẽ là địa chỉ đáng tin cậy của sự giao lưu, sẻ chia trong cuộc sống! Tôi có một dự án giáo dục kỹ năng sống cộng đồng trong thế giới ảo để đáp ứng phần nào nhu cầu này của các bạn trẻ.
PV: Xin cảm ơn PGS!
Đọc sách, thay vì cắm cúi vào facebookĐó là lời khuyên của đại gia công nghệ tuổi 30, người sáng lập ra fb, Mark Zuckerberg. Mark đã quyết định chọn đọc sách là ưu tiên hành động cho năm mới 2015. Theo đó, anh thành lập một chuyên trang riêng trên fb có tên “A year of book”. Trên chuyên trang này, Mark cùng các thành viên sẽ trao đổi về những cuốn sách mà họ đánh giá là tâm đắc. Tiêu chí chọn sách để trao đổi đó là những cuốn sách trau dồi kiến thức về các nền văn hóa đa dạng, về tín ngưỡng, lịch sử và công nghệ. Đều đặn hai tuần một lần, họ sẽ bàn về một cuốn sách khác nhau.Mark chia sẻ rằng: “Tôi thấy việc đọc sách là để hoàn thiện trí tuệ. Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề và đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào phương tiện truyền thông của tôi”. |
Vân Trúc (thực hiện)