Tỉ lệ viêm gan, rồi xơ gan, rồi ung thư gan ở nước ta chắc chắn không vô cớ chiếm tỷ lệ vượt xa con số thống kê trong báo cáo của các nước khác. Đáng nói hơn nữa là tỉ lệ điều trị không hiệu quả rất đáng ngại vì bệnh nhân đến quá trễ do không chịu tầm soát bệnh sớm, do số đông bệnh nhân vừa không theo đuổi liệu pháp đến nơi đến chốn, vừa không biết thương lá gan, nên vẫn tiếp tục tẩm gan bằng rượu bia.

Kim Ánh (KA) đã trao đổi với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH), thầy thuốc đã từ nhiều năm phát động mô hình tầm soát + tư vấn bệnh gan miễn phí cho người còn biết thương lá gan.

KA: Thưa BS, gan nhiễm mỡ có là bệnh nặng như nhiều người vẫn nghĩ?

LLH: Chưa, vì còn tùy tỉ lệ tế bào mỡ trong gan. Trong gan phải có mỡ. Nếu không món gan không béo! Béo bở là tiếng kép. Béo chút không sao, miễn đừng bở. Tế bào mỡ tuy có sẵn trong gan nhưng không chèn ép nhu mô gan để mô xơ thừa cơ chiếm chỗ, nếu tế bào mỡ không phình bụng tăng kích cỡ, không kéo bè để tập trung lực lượng thành khối u trong gan. Do đó, điểm cốt lõi để người khỏe nhờ gan còn mạnh là sống sao để tế bào mỡ có đó đừng chiếm thế thượng phong.

KA: Lý do nào khiến gan hết khỏe?

LLH: Nguyên nhân hàng đầu khiến gan nhiễm mỡ đúng là rượu bia. Nhưng nếu tưởng gan béo ngậy chỉ vì nhậu nhẹt thì lầm. Bên cạnh độ cồn, chế độ dinh dưỡng quá đơn điệu, béo phì, bệnh tiểu đường không được điều trị đến nơi đến chốn, dùng thuốc quá thường (kháng sinh, giảm đau, an thần), ngộ độc hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học), bệnh bội nhiễm kéo dài, bệnh tự miễn… và nhất là mấy ngàn độc chất trong khói thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến gan nhiễm mỡ! Đáng nói hơn nữa, đặc biệt cho người dân chốn thị thành, các nhà nghiên cứu ở đại học Munich đã quả quyết, stress là đòn bẩy hàng đầu của bệnh gan do rối loạn biến dưỡng chất béo cho dù nạn nhân có kiêng cữ ác liệt!

KA: Chuyện gì rồi sẽ xảy ra trên lá gan nhiễm mỡ, thưa BS?

LLH: Có một điều chắc chắn, gan nhiễm mỡ một khi bước qua ngưỡng bệnh lý, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, sẽ là đòn bẩy của là viêm gan, xơ gan và ung thư gan! Nhưng nếu dựa vào đó để trăm dâu đổ đầu lá gan thì không công bằng. Gan một mặt là cơ quan đa năng tất bật đến độ được thầy thuốc đặt tên là “phòng thí nghiệm” của cơ thể. Gan vì thế khó tránh mỏi mệt. Nhưng mặt khác gan có khả năng chịu đựng ghê gớm. Bằng chứng là gan cả đời phải tiếp xúc và tích lũy độc chất nhưng gan không hề ngã bệnh trong ngày một ngày hai. Gan chỉ suy sụp khi gia chủ đã nhiều ngày bạc đãi lá gan qua nếp sinh hoạt tự đầu độc với thuốc lá bia rượu, qua lối sống trác táng ngủ ít chơi nhiều, thay vì cho gan ít phút nghỉ ngơi. Cũng vì khả năng chịu đòn quá giỏi nên gan ít khi than vãn khi gan đã tổn thương. Cũng vì thế mà thường khi không phát hiện bệnh gan kịp thời. Chính vì thế không có biện pháp nào bảo vệ lá gan bằng cách 2 mặt giáp công, vừa giảm độc tố hại gan bằng cách thanh lọc cơ thể định kỳ, vừa chủ động bọc lót tế bào gan bằng cách áp dụng hoạt chất sinh học trong cây thuốc thuộc nhóm “trời thương trời tặng cho gan”.

KA: Thưa BS, có dấu hiệu nào báo động để “ứng viên tiềm năng” nhanh chân gõ cửa thầy thuốc?

LLH: Đáng tiếc vì tỷ lệ điều trị hiệu quả bệnh gan quả thật không thấp nếu được chẩn đoán sớm. Kẹt là lá gan không có dấu hiệu báo động rõ ràng nên nhiều khi người đã bệnh cứ tưởng còn khỏe, hay tệ hơn nữa, nghĩ mình vướng bệnh khác! Người còn biết thương lá gan do đó nên lưu ý một số dấu hiệu dưới đây để nhanh chân gõ cửa thầy thuốc:

  • Mệt mỏi vô cớ dù không làm việc nặng, nhất là sau bữa ăn.
  • Thường đầy hơi sau khi thức dậy dù là trong lúc ngủ không thể ăn.
  • Biếng ăn dù vẫn có cảm giác đói nhưng nuốt không vô, nhưng no ngang sau vài miếng.
  • Sụt cân nhanh trong thời gian ngắn.
  • Tăng vòng số 2 quá nhanh trong khi vòng số 3 có khuynh hướng xẹp lép.
  • Ngứa ngáy ngoài da không thuyên giảm với thuốc dị ứng.
  • Dễ bị xuất huyết dưới da dù không va chạm, như chảy máu răng khi đánh răng, chảy máu cam khi thay đổi thời tiết, rong kinh ngoài kỳ kinh, bệnh trĩ.
  • Đã có lần bị vàng da, vàng mắt.
  • Giảm chuyện phòng the cả tần suất lẫn cường độ.
  • Đãng trí hơn trước, nhất là dưới dạng “thất hứa” vì vừa nói đã quên.

KA: Tuy là chuyện không của riêng ai nhưng có nhóm đối tượng nào cần quan tâm đến lá gan nhiều hơn hay ai cũng như ai, thưa BS?

LLH: Chỉ cần một trong các tiêu chí vừa kể đã đủ để nhớ đến lá gan. Nhưng đời bao giờ cũng bên trọng bên khinh. Các đối tượng dưới đây càng nên quan tâm đến lá gan hơn nữa:

  • Đệ tử của Lưu Linh.
  • Fan của khói thuốc lá.
  • Người có chế độ dinh dưỡng vừa thất thường, vừa đơn điệu.
  • Bệnh nhân phải dùng không dưới 4 loại thuốc mỗi ngày.
  • Đối tượng đã được phát hiện sỏi túi mật qua siêu âm.
  • Người trước đây đã có lần xăm mình, truyền máu, châm cứu…
  • Người có thân nhân trực hệ đã bị bệnh gan.
  • Đối tượng đã được phát hiện viêm gan B, viêm gan C, viêm tụy, tiểu đường.

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc