Người yêu tôi cũng là một người đang khởi nghiệp. Tôi luôn muốn ủng hộ anh ấy, dĩ nhiên không thể thiếu những dự định, ước mơ của anh. Từ khi bắt đầu công việc, anh đã xin tôi, hay nói đúng hơn là “cảnh báo” tôi về sự bận rộn của anh, rằng anh sẽ không có thời gian quan tâm đến người yêu và gia đình dù trong thâm tâm luôn muốn cố gắng lo lắng, thương yêu tôi.

Tôi đồng ý và chuẩn bị sẵn tinh thần cho một tương lai như vậy. Nhưng nói thật, nhiều lúc tôi thật sự mệt mỏi và chán nản khi phải một mình đối mặt với mọi thứ. Cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ thui thủi một mình, hết đi ra lại đi vào. Có khi cả tuần anh chẳng gọi điện, tôi gọi thì anh ậm ừ cho qua chuyện rồi cúp máy. Lắm lúc tôi cảm thấy cô đơn kinh khủng, cảm giác mình có người yêu cũng như không.

Lang thang trên mạng, tôi tìm thấy một câu hỏi trên Quora – nguồn tri thức xã hội trực tuyến, mạng xã hội cung cấp dịch vụ hỏi đáp gần giống Yahoo! Answer nhưng chuyên nghiệp hơn. Câu hỏi đó tạm dịch là: “Có lời khuyên nào dành cho vợ của người khởi nghiệp khi cô ấy cảm thấy chồng cưới công việc chứ không phải cưới mình?”.  Lúc tôi đọc được, không thấy ai trả lời dù đã có hơn 3.000 người xem qua câu hỏi đó trong khi có 9 người cũng đang yêu cầu lời giải đáp. Điều đó chứng tỏ có rất nhiều người như tôi, buồn rầu và đi tìm kiếm lời khuyên, sự động viên mà dường như tìm không ra.

Dạo sau này khi quay lại câu hỏi cũ, có vài câu trả lời khá hay nhưng chua chát: “Hãy cho anh ấy thời gian. Cho anh ấy thêm nhiều thời gian. Thêm chút thời gian nữa. Rồi nhiều nữa, nhiều nữa. Rồi anh ấy sẽ có thời gian cho bạn và con bạn sau khi anh ấy 40 tuổi” (Amit Banerjee). “Liệu anh ta có còn sống đến năm 40 tuổi không? Thế nên chúng ta phải biết cân bằng giữa công việc và gia đình/vợ con” (Gourav Yadav).

Con đường chờ đợi của tôi không biết kéo dài được bao lâu. Ảnh minh họa: juesatta.com

Con đường chờ đợi của tôi không biết kéo dài được bao lâu.

Ảnh minh họa: juesatta.com

Con người nghĩ cũng ngộ nhỉ? Thời gian đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân là thời gian tốt nhất để lập nghiệp và (khó xử thay) cũng lại là thời gian tốt nhất để lập gia đình và nuôi dạy con cái. Loại trừ yếu tố may mắn ra, khó mà cân bằng công việc và gia đình. Muốn thành công, con người ta phải đánh đổi nhiều thứ, phải lựa chọn và chấp nhận buông tay.

Tôi phải đấu tranh với bản thân giữa 2 luồng tư tưởng: Một là ủng hộ, ủng hộ và hết lòng ủng hộ anh. (Ừ thì đằng sau người đàn ông thành công là bóng dáng của một người phụ nữ một lòng ủng hộ  – vì câu nói này mà có biết bao phụ nữ phải hy sinh, tự làm khổ mình, tự khép mình vào khuôn khổ đảm đang, ngoan hiền, gồng gánh hy sinh). Hai là cho anh thấy giới hạn chịu đựng của mình, đặt cho anh lựa chọn giữa người yêu và công việc.

Lắm lúc tôi rất muốn phản đối, muốn bắt anh hoặc bỏ tôi hoặc bỏ khởi nghiệp nhưng nhìn thấy ánh mắt bừng sáng, say mê của anh khi nói về công việc, tôi lại thôi. Tình yêu tôi dành cho anh đã quá lớn. Tôi chỉ còn biết chờ đợi bên cạnh anh.

Tất nhiên, tôi cũng muốn trở thành người yêu, rồi thành vợ của một CEO thành đạt; tôi cũng muốn được giàu có, thật giàu có từ công việc khởi nghiệp của anh. Nhưng tôi biết, hơn 99% khởi nghiệp là thất bại. Tôi ủng hộ anh không phải vì muốn anh (và mình) giàu lên. Tôi ủng hộ anh vì muốn anh thực hiện đam mê của mình, thà là anh làm rồi thất bại còn hơn sau này cả cuộc đời anh cứ phải hối tiếc vì chưa một lần thử gầy dựng sự nghiệp riêng.

Tôi vẫn đang ủng hộ người yêu và tự sống một cách tích cực, chăm sóc tốt cho bản thân. Tôi không biết mình chờ đợi anh đến bao giờ. Tôi cũng hoang mang, sợ tình cảm chúng tôi sẽ phai nhạt. Nhưng thôi kệ, đành tới đâu hay tới đó vậy!

Nhã Hồng (TP HCM)
Theo Báo Người Lao Động 
Bệnh viện Hạnh Phúc