[Phụ Nữ Hiện Đại]-Trước khi bắt đầu vòng phỏng vấn bạn nên điều chỉnh lại tâm thế cũng như suy nghĩ, rằng phỏng vấn là cuộc trao đổi bình đẳng giữa bạn và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng mình “bằng vai” với nhà tuyển dụng nên “nghĩ gì nói nấy” sẽ dễ khiến bạn bị lu mờ và dễ dàng bị loại. Thay vào đó, vạch ra chiến lược trả lời phỏng vấn thông minh sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn.

Vậy cụ thể, bạn cần có những chiến lược trả lời phỏng vấn như thế nào để vượt qua đối thủ cạnh tranh một cách thuyết phục nhất?

Thể hiện sự hiểu biết về công ty

Trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng khi tìm việc làm tốt, hãy luôn thể hiện sự hiểu biết của bạn về công ty. Điều này không những khẳng định bạn nghiêm túc với cơ hội việc làm mà tuyệt vời hơn, nó giúp bạn biết nhà tuyển dụng muốn gì. Từ đó, bạn đưa ra câu trả lời ngắn gọn nhưng “trúng đích”, chạm vào điều nhà tuyển dụng mong chờ. Bạn cũng biết khắc họa hình ảnh phù hợp với văn hóa, triết lý công ty.

Tất nhiên để có các câu trả lời như vậy thì bạn phải hiểu rõ doanh nghiệp. Theo đó, bạn cần tìm hiểu văn hóa, lịch sử, sứ mệnh; mục tiêu, kế hoạch phát triển công ty thậm chí là thử thách công ty đang gặp phải và đối thủ cạnh tranh.

Việc lồng ghép những câu như: “Em ngưỡng mộ CEO của doanh nghiệp và theo dõi từ lâu” hay “Em biết công ty nửa đầu năm 2023 đang gặp thách thức lớn từ sự cạnh tranh của đối thủ mới” khiến nhà tuyển dụng không những có cảm tình mà tin tưởng bạn có khả năng gắn bó lâu dài, có khả năng cũng như sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn của công ty.

Trả lời bằng con số, bằng câu chuyện

Những con số giúp bạn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng còn những câu chuyện khiến họ bị thuyết phục. Vì thế, hãy vận dụng khéo léo con số, câu chuyện tại thời điểm phù hợp khi trả lời nhà tuyển dụng.

Với câu hỏi về thành tích, bạn nên cụ thể hóa bằng con số. Ví dụ: “Trong 3 năm làm việc tại công ty, tôi luôn đạt 150% doanh số”. Hoặc: “Tôi đã đưa doanh số bán hàng online của fanpage công ty từ 150 triệu lên 400 triệu đồng sau 6 tháng…”

Khi nói về thành công hay thất bại, hãy kể câu chuyện cụ thể, về cách bạn vượt qua khó khăn và bài học có được. Sử dụng hình thức kể chuyện, bạn đưa nhà tuyển dụng từ vị trí người lắng nghe thành người chứng kiến, từ đó bị thuyết phục. Tất nhiên bạn cần chuẩn bị trước câu chuyện để đảm bảo đúng trọng tâm, với sự chính xác về kết quả, thời gian.

Duy trì năng lượng tích cực

Một câu trả lời muốn được nhà tuyển dụng đánh giá cao ngoài nội dung chất lượng thì phải đi kèm với thái độ tích cực và năng lượng dồi dào.

Bạn không thể tạo ấn tượng bằng câu trả lời phỏng vấn thiếu “sức sống”, giọng điệu rời rạc, thiếu nhiệt huyết. Bạn cũng khó được đánh giá cao khi trả lời với giọng “biết tuốt” thậm chí có ý thách thức, kinh thường ứng viên khác.

Hãy luôn thể hiện năng lượng tự tin, tràn đầy hứng thú. Nhưng đồng thời luôn khiêm nhường, chú tâm lắng nghe chia sẻ nhà tuyển dụng cũng như ứng viên khác.

Chính thái độ này khiến bạn khác biệt và được đánh giá cao so với ứng viên khác.

Chủ động đưa câu hỏi chất lượng

Đừng chờ người phỏng vấn hỏi, bạn nên khéo léo đặt câu hỏi ngược lại trong quá trình trao đổi. Điều này khiến buổi phỏng vấn diễn ra tự nhiên, cởi mở và thú vị hơn. Đồng thời nó cho thấy sự hiểu biết và khả năng dẫn dắt cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên cần cân nhắc với các câu hỏi, tránh những điều như “Lương em bao nhiêu?”, “Môi trường làm việc có tốt không?”. Vì nó còn tai hại hơn cả là bạn không có câu hỏi gì. Thay vào đó, hãy hỏi: “Những phẩm chất mà tôi cần có nếu muốn trở thành nhân sự xuất sắc của công ty?” hay “Tiêu chí để đánh giá nhân viên hoàn thành công việc ở vị trí này là gì?”.

Với câu hỏi này, vô hình chung khiến nhà tuyển dụng nghĩ đến việc đã chọn bạn cho doanh nghiệp. Điều này cả về mặt tâm lý và lý trí, đều có lợi cho bạn khi nhà tuyển dụng đưa ra quyết định cuối cùng.

Chân thành và cầu thị

Nhà tuyển dụng sẵn sàng bỏ qua một số sơ suất nhỏ của bạn nhưng họ khó chấp nhận những điều dối trá hay thông tin sai sự thật.

Vậy nên trong câu trả lời, bạn cần sử dụng chiến thuật nhất quán là nói “sự thật”. Dù quá khứ không xuất sắc, dù có sai lầm nhưng thay vì phủ nhận, bạn hãy thừa nhận với thái độ cầu thị. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã nhận ra yếu kém, sẵn sàng thay đổi, lắng nghe để hoàn thiện bản thân với sự chân thành nhất.

Chắc chắn ứng viên như vậy luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bởi trong nhiều trường hợp, thái độ hơn trình độ, phẩm chất hơn cả năng lực.

Sử dụng khéo léo 5 chiến lược trên khi trả lời phỏng vấn, sẽ không khó để bạn vượt qua đối thủ “ngang tài ngang sức”. Nhà tuyển dụng cũng dễ dàng bị thuyết phục bởi ứng viên thể hiện hình ảnh nhất quán và xuất sắc như vậy. Chúc bạn thành công!

                                                                                          B.R.M 

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc