Chỉ nên dành tối đa 30-40% thu nhập cho hạng mục nhà ở để đảm bảo bạn còn có tiền đáp ứng các nhu cầu khác trong cuộc sống.
Dù bạn là một người trẻ tuổi mới đi làm hoặc bạn đã mua được nhà riêng và đang xem xét chuyển đến một chỗ ở tiện nghi hơn, rất khó để biết nên dùng bao nhiêu tiền cho chỗ ở là phù hợp. Dưới đây là vài lưu ý của Value Penguin nhằm giúp bạn ước tính số tiền mình nên dành cho nhà ở:
Dù thuê nhà hay vay mua nhà, sửa nhà, chỉ nên dành tối đa 40% thu nhập cho nhà ở – Ảnh: Ck1investmentgroup |
1. Nguyên tắc chung: Chi phí cho nhà ở không nên vượt quá 30-40% thu nhập
Các chuyên gia tài chính đều khuyên không nên dành nhiều hơn 30-40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở. Giới hạn này nhằm đảm bảo bạn còn tiền dành cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày khác như thực phẩm, đi lại, y tế… Bạn cần lưu ý, chi phí cho nhà ở bao gồm tất cả các khoản điện, nước, bảo trì, sửa chữa nhà… Nếu tổng thu nhập của gia đình bạn mỗi tháng là 25 triệu, số tiền dành cho nhà ở không nên vượt quá 7,5- 10 triệu đồng (dù là đang thuê hay mua trả góp).
2. Nguyên tắc cho người thuê nhà
Mặc dù bất động sản tại thành phố lớn khá đắt đỏ nhưng có nhiều cách giữ cho chi phí của bạn ở mức có thể quản lý được. Đầu tiên, bạn nên sống ở những khu vực không đắt đỏ. Chẳng hạn một căn hộ chung cư mini ở quận 1, TPHCM với diện tích 30m2 được trang bị đầy đủ nội thất… có thể có giá 10 triệu/tháng, nhưng sẽ chỉ 7 triệu, nếu đó là ở quận 7. Bạn cũng có thể thuê những căn nhà nhỏ hơn, xấu hơn. Bạn cũng có thể thuê chung nhà với những người khác.
Đặc biệt, nếu bạn đang tiết kiệm tiền để mua nhà thì bạn cũng phải cộng thêm số tiền tiết kiệm này vào ngân sách dành cho nhà cửa mỗi tháng của mình.
3. Nguyên tắc cho người mua nhà
Nếu bạn thu nhập 25 triệu/tháng, khoản tiền bạn trả cho vay mua nhà không nên quá 9 triệu đồng/tháng (vì bạn còn phải trả thêm các chi phí khác như điện nước, phí dịch vụ nếu ở chung cư… cho căn nhà).
Đặc biệt, bạn nên nhớ, bạn cần có sẵn một số tiền nhất định trước khi mua nhà, ít nhất là 30% giá trị vì thường các ngân hàng chỉ cho vay 70% giá trị theo định giá của họ (đôi khi, mức định giá của ngân hàng thấp hơn giá trị thị trường của căn nhà bạn mua). Bạn cũng cần tính đến các chi phí mà một người chủ nhà phải bỏ ra, ví dụ, phí bảo trì, sửa chữa…
Tất nhiên, quy tắc này cũng có thể có một số ngoại lệ, ví dụ, những sinh viên mới ra trường còn có khoản vay thời sinh viên cần giữ chi phí cho nhà ở mức thấp hơn. Những người có thu nhập cao, đang mua thêm ngôi nhà thứ hai như một khoản đầu tư thì chi phí cho nhà đất của người đó sẽ cao hơn 40%. Tuy nhiên, với mỗi người mới bắt đầu lập ngân sách cho nhà ở, thì con số tối đa chỉ nên là 30-40%.
Hoàng Anh
Theo Vnexpress.net