Quan niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”; làm việc quần quật, chắt chiu tích cóp cả đời chỉ để lo nhà cửa, công việc, cưới xin cho con cái liệu có làm lớp hậu bối thêm lười biếng, ỷ lại?

Ở Việt Nam, nếu ai đó nói rằng bạn “sinh ra trong nhung lụa”, “sướng từ trong trứng sướng ra” thì có nghĩa là gia đình bạn rất giàu có. Dễ nhận thấy, trong cách nói này chứa một phần ghen tị, bởi điều kiện gia đình mặc nhiên được thừa nhận là yếu tố quyết định điểm xuất phát của một đứa trẻ là cao/thấp hay gần/xa với đích đến thành công. Và bởi hầu hết các bậc phụ huynh vẫn quan niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”; làm việc quần quật, chắt chiu tích cóp cả đời chỉ để lo nhà cửa, công việc, cưới xin cho con cái. Ai dành dụm được nhiều thì để lại nhiều, ai dành dụm được ít thì để lại ít. Ngay khoản tiền dưỡng già, tổ chức tang lễ và cả… nơi an nghỉ cuối cùng họ cũng chuẩn bị từ rất sớm để tránh “làm phiền” lớp hậu bối.

Thực trạng kể trên khiến không ít người Việt cảm thấy lạ lẫm trước chuyện một số người siêu giàu trên thế giới không để lại khối tài sản kếch xù, trị giá hàng tỷ USD cho con cháu mà tích cực rót tiền cho các hoạt động từ thiện, phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Trong danh sách các đại tỷ phú tuyên bố sẽ hiến tặng gần hết tài sản để làm từ thiện có những cái tên vô cùng quen thuộc như Bill Gates – nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft, người đã đứng vững ở vị trí giàu nhất hành tinh từ tháng 5/2013 với số tài sản hiện tại khoảng 87 tỷ USD, Warren Buffett – chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg.

Tỷ phú Mỹ Chuck Feeney. Ảnh: Internet.

Sau hơn 30 năm đi khắp thế giới để làm từ thiện, tới đầu 2017, tổng giá trị tài sản còn lại của tỷ phú Mỹ Chuck Feeney là hơn 2 triệu USD (từ 8 tỷ USD ban đầu). Ở tuổi 86, ông Feeney đang sống trong một căn hộ thuê tại San Francisco, khi đã thực hiện và lan tỏa khát vọng “cho đi trong khi còn sống” khắp năm châu. Các con ông không hề tỏ ra bực bội khi phải tự lăn lộn kiếm sống hay phản đối quyết định “giải phóng túi tiền” của người cha tỷ phú. Và hiện nay, họ đều là chủ tịch của một số tổ chức từ thiện.

Đến đây, ta không thể nhận xét những ông bố dạy con theo kiểu “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” là vô trách nhiệm hay keo kiệt tiền bạc và tình yêu thương với con mình. Trái lại, ta học được từ họ cách hướng dẫn con mình biết quý trọng sức lao động, nỗ lực phát huy năng lực của bản thân và có ý thức, năng lực chịu trách nhiệm với cộng đồng. Đó mới là thứ tài sản tinh thần quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu. Vì tiền của dù nhiều đến đâu cũng sẽ nhanh chóng tiêu tan nếu rơi vào tay những kẻ lười lao động, chỉ biết ăn chơi lêu lổng.

Cuối cùng, xin được gửi đến những bậc phụ huynh giàu có đang lăn tăn về chuyện cho con thừa kế những gì quan điểm của tài phiệt khách sạn và bất động sản Yu Pang-Lin, người đã để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD cho hoạt động từ thiện trước khi qua đời ở tuổi 93: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi”.

Thảo Dân

Nguồn: Người Đưa Tin

Bệnh viện Hạnh Phúc