Trong khi một số người vì từ tâm mà làm điều tốt, người khác vì muốn giữ gìn những giá trị đạo đức và luân lý, thì cũng có một số khác chỉ không làm việc xấu khi sợ bị trừng phạt.

ngha-phuong0001

“Thú thực, khi xem các clip bạo hành trẻ, kể cả các clip về học sinh vây đánh học sinh, tôi không chỉ thấy đau lòng cho nạn nhân mà còn cho cả những em đứng chung quanh bàng quan thậm chí quay phim” – TS Lê Nguyên Phương.

Từ năm 2007 đến nay, TS Lê Nguyên Phương đã về chín lần cùng với tổ chức CASP-I phát triển ngành, nghề và dịch vụ tâm lý học đường (TLHĐ) tại Việt Nam.

Lần mới đây nhất, trao đổi với TGTT, ông sẽ tiếp tục công việc này ở tần suất cao hơn, nhanh hơn trong tình hình bạo lực học đường tại Việt Nam đang trong tình trạng báo động…

– Thưa ông, nhìn từ góc độ một chuyên viên TLHĐ và cũng là một nhà giáo dục, ông nghĩ nền giáo dục chú trọng vào kiến thức và kỹ năng hơn việc nuôi dưỡng tâm hồn sẽ tác động như thế nào đến tâm lý của học sinh?

– Nhìn từ góc độ của chuyên viên TLHĐ, nếu một nền giáo dục chỉ chú trọng kiến thức, không xây dựng cho trẻ các kỹ năng sống, không giúp trẻ nuôi dưỡng một tâm hồn lân mẫn vị tha, thì chúng ta chỉ mới “sản xuất” ra người lao động chân tay hay trí óc, là những công cụ sản xuất cho xã hội, chứ không phải xây dựng những con người đúng nghĩa biết sống trong trí tuệ, hạnh phúc, và từ bi trong mọi môi trường sống.

– Với vấn đề bạo lực học đường xảy ra ở Việt Nam hiện nay, có phải việc ngăn chặn không chỉ bắt đầu từ giáo dục cộng đồng biết yêu thương và bảo vệ nhau mà còn phải là biết sợ hãi khi gây tội lỗi?

– Trong khi một số người vì từ tâm mà làm điều tốt, người khác vì muốn giữ gìn những giá trị đạo đức và luân lý, thì cũng có một số khác chỉ không làm việc xấu khi sợ bị trừng phạt.

Nói đến công bằng và nghiêm minh như ở trên, tức là chúng ta muốn nói đến sự sợ hãi trừng phạt của luật pháp khi gây ra tội lỗi.

Có sự sợ hãi này một số người mới không vi phạm các hành động phạm pháp như bạo hành trẻ em. Và luật pháp chỉ là văn bản, hay thậm chí có thể gọi là giấy lộn nếu không có sự thực thi nghiêm chỉnh trong tinh thần công bằng và văn minh.

– Truyền thông đóng một vai trò rất lớn cho việc tạo ra một hiệu ứng để mọi người thức tỉnh về sự vô cảm của mình. Theo ông làm thế nào để truyền thông cho học sinh ý thức được việc bản thân các em cũng có thể chơi cùng nhau, đoàn kết để chống lại những kẻ có ý định tấn công?

– Thú thực, khi xem các clip bạo hành trẻ, kể cả các clip về học sinh vây đánh học sinh, tôi không chỉ thấy đau lòng cho nạn nhân mà còn cho cả những em đứng chung quanh bàng quan, thậm chí quay phim.

Những lời dạy dỗ nào và những trải nghiệm gì đã làm các em chai đá đến mức đó?

Nhưng khi chúng ta khuyến khích sự đoàn kết bảo vệ lẫn nhau, chúng ta cũng phải dạy các em cách tự bảo vệ tích cực, vận dụng luật pháp, nội quy, lý lẽ và cách giải quyết vấn đề ổn thoả để ngăn chặn hay chấm dứt việc giải quyết xung đột bằng bạo lực, chứ không phải chúng ta khuyến khích các em hình thành băng đảng lại dùng bạo lực và căm thù để chống lại bạo lực hiếp đáp.

Dĩ nhiên đây là kỹ năng sống các em cần được học. Nhưng tôi mong là các em sẽ không cần sử dụng thường xuyên trong một xã hội có những chính sách rõ ràng về việc sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn hay áp bức người khác theo ý mình, và việc thực thi những chính sách thể hiện qua luật pháp này phải thật công bằng và nghiêm minh.

– Trở về Việt Nam nhiều lần để phát triển ngành TLHĐ, ông có thể cho biết đã có những tiến triển nào cho nỗ lực ấy, liệu có thể cho rằng ở Việt Nam hiện nay đã thực sự có những chuyên viên tâm lý chuyên nghiệp và am hiểu sâu sắc về nghề? Điều này đáp ứng như thế nào cho tương lai học sinh Việt Nam?

– Dần dần tôi đã thấy xuất hiện một đội ngũ chuyên viên tâm lý chuyên nghiệp có thể hoạt động trong nhà trường để cung cấp dịch vụ cho học sinh.

Vì vẫn chưa có chương trình đào tạo chuyên về TLHĐ đặc biệt ở cấp thạc sĩ, nên đa số vẫn trong tình trạng thiếu một số kiến thức hay kỹ năng khác nhau, vì thế cũng khó nói là họ đã có am hiểu sâu sắc về nghề chưa.

Bên cạnh đó, cũng có một số vị đã gần như dành toàn thời gian tự học và tự nghiên cứu thêm với trình độ ở mức quốc tế, nhưng con số này còn quá ít, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ở các thành phố lớn, mà một số lại bận công việc giảng dạy hay quản lý trong các đại học.

Nhưng đừng vì nhu cầu của xã hội cao như thế mà xây dựng chương trình đào tạo không hoàn chỉnh, hay thậm chí chỉ tập huấn vài tháng rồi tung vào các trường một lực lượng khiếm khuyết từ kiến thức đến kỹ năng.

Chỉ cần có chính sách đúng và thực hiện đúng là trong vòng 5 năm chúng ta có thể giải quyết được đa phần vấn đề nhu cầu tâm lý, hành vi, học tập và nhận thức của học sinh, ít nhất ở hai môi trường học đường và gia đình.

– Tuổi thơ của ông có “dữ dội” không và tại sao ông lại chọn ngành này mà không phải là một… nhà thơ, một trong những đam mê mà ông cũng đã “tận hiến” với những bài thơ rất tình, rất mãnh liệt?

– Tôi có làm thơ chỉ để cho mình và bạn bè đọc. Cám ơn người phỏng vấn đã dùng chữ “mãnh liệt” và “rất tình” để mô tả một số bài thơ của tôi.

Tôi không nghĩ mình có một tuổi thơ dữ dội mặc dù cha đi tù, gia đình nghèo đói, em gái mất tích, làm đủ nghề từ bán báo đến làm xoong nồi nhôm, công nhân đến buôn bán chợ trời, v.v.  vì nhiều người chung quanh lúc đó và cả sau này đã chịu bao nhiều nghịch cảnh, tủi nhục, áp bức hơn tôi rất nhiều lần.

Tôi chỉ có cái tật hay nhạy cảm, mà mẹ tôi lúc nhỏ hay chế giễu là “mau nước mắt.” Nhạy cảm mà không biết hoá giải thì đau khổ thôi. Hoá giải bằng các kỹ năng cảm xúc xã hội (socio-emotional learning) trong ngành TLHĐ của Tây phương mượn từ phép luyện tâm của Đông phương ấy.

Lý do tôi chọn ngành tâm lý là vì tôi muốn chữa lành những tổn thương tinh thần của tôi, chọn ngành TLHĐ là vì tôi muốn trẻ thơ không phải chịu những tổn thương mà tôi đã trải qua.

Và còn một lý do nữa là tôi biết Việt Nam sẽ có lúc cần đến ngành này, tôi ý thức mình đi là để trở về và về với một ngành đúng thời điểm mà Việt Nam có nhu cầu và chấp nhận.

Ngân Hà thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung


Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị

Bệnh viện Hạnh Phúc