Trở thành tuyển thủ quốc gia tham dự các kỳ thi tay nghề quốc tế là ước mơ của hàng triệu lao động trẻ. Để biến ước mơ thành hiện thực thì việc quyết tâm theo đuổi con đường học nghề được xem là một sự lựa chọn tốt nhất.

Sân chơi cho lao động trẻ

Thi tay nghề nhằm thúc đẩy phong trào học tập rèn luyện kỹ năng nghề trong giới trẻ. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển KT-XH trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, các lĩnh vực nghề nghiệp của các địa phương trên cả nước.

Các cuộc thi tay nghề cấp cơ sở ở Việt Nam diễn ra hàng năm theo nhu cầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các tập đoàn, doanh nghiệp, bộ, ngành… Kỳ thi tay nghề quốc gia diễn ra 2 năm một lần vào các năm chẵn, cùng năm với Kỳ thi tay nghề ASEAN, các năm lẻ là kỳ thi tay nghề thế giới. Theo quy chế chung, đối tượng tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, các thí sinh đều có độ tuổi dưới 22, một số nghề không quá 25 tuổi.

Dựa trên thành tích của thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề cấp cơ sở, ban tổ chức sẽ lựa chọn những thí sinh xuất sắc để tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia. Sau đó, tiếp tục lựa chọn các thí sinh xuất sắc nhất để tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới. Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN cho biết: Trước đây, thi tay nghề được xem là sân chơi của các cơ sở GDNN, nhưng đến nay đây còn là “sân chơi” của các tập đoàn, doanh nghiệp và là nơi để các nhà sản xuất trình diễn những công nghệ mới nhất cùng những mô hình đào tạo hiệu quả nhất. Sự hội tụ này nhằm cập nhật, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mới trong các ngành nghề sản xuất hiện tại và tương lai trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy nâng cao giá trị nghề nghiệp, chất lượng đào tạo nghề.

Quy trình lựa chọn

Theo Tổng cục GDNN, có hai lộ trình để đến với kỳ thi. Thứ nhất, các nghề doanh nghiệp không đủ nguồn đầu tư, Nhà nước sẽ bảo đảm kinh phí để lựa chọn các thí sinh tham dự. Thứ hai là từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Thi tay nghề ASEAN và thế giới ngày càng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ sở GDNN trên cả nước, lộ trình này được khuyến khích tham gia.

Sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, các thí sinh được tuyển chọn dựa trên thành tích tại kỳ thi tay nghề quốc gia, sau đó tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN, nếu đạt huy chương sẽ được lựa chọn để tham dự kỳ thi tay nghề thế giới. Đối với các thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề thế giới bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, được ưu tiên để các doanh nghiệp tự tuyển chọn và huấn luyện.

Chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 tại Kazan (Nga), BTC đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đăng ký. Số lượng đăng ký dự thi đã lên tới 19 nghề, cao hơn hẳn so với kỳ thi trước là 11 nghề. Đây cũng là năm đầu tiên có nhiều nhất các nghề dự thi (13 nghề) được xã hội hóa, với sự đóng góp đáng kể của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về cơ cấu, Ban tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia do Bộ LĐ-TB&XH thành lập bao gồm: Hội đồng thi quốc gia có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN và các Bộ ngành liên quan; Tiểu ban thư ký tổng hợp và một số tiểu ban giúp việc khác; Đơn vị đăng cai tổ chức thi quốc gia hoặc huấn luyện đội tuyển quốc gia.

Các kỳ thi tay nghề quốc gia, tương tự như thi tay nghề ASEAN và thế giới, BTC sẽ tổ chức các hội nghị về tổ chức thi, hội nghị kỹ thuật, lựa chọn thí sinh xuất sắc, huấn luyện thí sinh…

Tiếp cận chương trình huấn luyện

Như vậy, để có mặt trong đội tuyển quốc gia thí sinh được lựa chọn phải tiếp tục huấn luyện mới có đủ năng lực tham dự các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Hiện nay, đơn vị đăng cai huấn luyện thí sinh chủ yếu là các cơ sở GDNN.

Đây cũng là sự khác biệt lớn so với Hàn Quốc, các thí sinh của họ chủ yếu được huấn luyện tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Thành tích thi tay nghề của Hàn Quốc rất cao, trong các kỳ thi tay nghề thế giới liên tục xếp thứ nhất, nhì.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Trường, các kỳ thi tay nghề thế giới những năm gần đây đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam còn khá chậm trong việc cập nhật những vấn đề này. Về công tác tổ chức huấn luyện quốc gia để tham dự kỳ thi tay nghề thế giới đã có từ khoảng 20 năm. Huấn luyện thí sinh cho thi tay nghề ASEAN từ 3 – 5 tháng; huấn luyện thí sinh tham dự thi tay nghề thế giới thường từ 5 tháng, đây là cơ cấu khá cũ và được xem là một nguyên nhân hạn chế về mặt thành tích.

Khắc phục vấn đề này, Tổng cục GDNN đã mở cơ chế để các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Cụ thể như các Tập đoàn Samsung, Denso… có thể tự lựa chọn thí sinh và huấn luyện. Theo cách làm này, đã có những thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề thế giới được huấn luyện tại nước ngoài từ trước 1 năm thậm chí 2 năm.

Với cách làm này, thành tích tham dự thi tay nghề thế giới của Việt Nam đã có sự thay đổi, sau 7 lần tham dự, các kỳ thi tay nghề thế giới năm 2015 tại Brazin, năm 2017 tại Abu Dhabi đoàn Việt Nam đã giành được hai Huy chương Đồng. Tham dự kỳ thi tay nghề thế giới năm nay, đoàn Việt Nam kỳ vọng sẽ nâng cao được thành tích, “đổi màu” huy chương trên đấu trường quốc tế.

Theo Anh Quang/ Giáo Dục Thời Đại

 

Bệnh viện Hạnh Phúc