(Phunuhiendai.vn) – Trong buổi phỏng vấn cho vị trí kế toán, bạn sẽ được hỏi hàng loạt các câu hỏi, trong đó không thể thiếu các câu hỏi phỏng vấn về thái độ. Kiến thức, kỹ năng thì có thể rèn giũa thêm, nhưng thái độ tích cực đối với công việc và mọi người xung quanh là yếu tố mà nhà tuyển dụng không thể xem nhẹ.

Người phỏng vấn thường khai thác điều này bằng cách đặt những câu hỏi tình huống giả định, từ đó hiểu được thái độ của ứng viên được biểu lộ thái độ cách họ trả lời. Để giảm bớt lo lắng, hãy cùng tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn thái độ mà nhân viên kế toán thường gặp bất kể bạn đang tìm việc ở Hải Phòng, Hà Nội hay TP.HCM…

Thái độ khi làm việc nhóm

Đây là dạng câu hỏi phổ biến nhất mà bạn sẽ được hỏi. Các công ty luôn muốn tuyển những ứng viên có tinh thần đồng đội và vì lợi ích chung. Các câu hỏi này cho bạn cơ hội chứng minh rằng mình có một thái độ tích cực khi làm việc trong một tập thể. Ví dụ:

  • Bạn sẽ ứng xử với một thành viên bảo thủ trong nhóm của mình như thế nào?
  • Hãy kể về một dự án nhóm bạn từng tham gia.
  • Bạn kết nối với nhóm khi làm việc online thế nào?
  • Nguyên tắc của bạn khi làm việc với tập thể là gì?

Khi trả lời những câu hỏi trên, hãy cố gắng thể hiện khả năng hòa nhập và làm việc tốt với mọi người xung quanh, đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể và làm rõ vai trò của bạn trong đó.

Thái độ khi giải quyết vấn đề

Bản chất công việc kế toán đòi hỏi khả năng đánh giá và xử lý vấn đề tốt. Các tình huống khó khăn có thể nảy sinh do tính chất công việc, hoặc giữa bạn và người quản lý, đồng nghiệp, nhà cung cấp hoặc khách hàng… Qua những câu hỏi giả định một tình huống phát sinh, người phỏng vấn muốn xem ứng viên có thể hiện được tính chủ động, sáng tạo và tư duy nhanh nhạy hay không. Các câu hỏi điển hình bao gồm:

  • Hãy kể về lần bạn đã giúp cải thiện quy trình kế toán tại công việc cũ.
  • Bạn đã bao giờ bất đồng với cấp trên về cách thực hiện nhiệm vụ? Tình huống là gì và bạn đã giải quyết thế nào?
  • Có bao giờ bạn phải tuân thủ một chính sách hoặc quy trình mà bạn không thích?
  • Hãy đưa ra ví dụ về một lần bạn sử dụng logic để giải quyết vấn đề.

Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết liệu bạn có chủ động hay chỉ hành động theo hướng dẫn. Câu trả lời bạn cung cấp sẽ giúp họ biết được bạn có khả năng xác định các trở ngại và phát triển trong công việc hay không.

Thái độ khi có thành tựu/ phạm sai lầm

Đây hẳn là một trong các câu hỏi phỏng vấn về thái độ khó trả lời nhất. Bởi hầu như không ai muốn thừa nhận thất bại và mọi người cũng khá ngại khi phải khoe khoang về thành công của mình. Nhưng chắc chắn người phỏng vấn sẽ hỏi bạn những câu kiểu như:

  • Hãy kể về một quyết định trong công việc khiến bạn phải hối hận.
  • Sai sót lớn nhất mà bạn từng mắc phải trong công việc là gì?
  • Thành công lớn nhất/ có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của bạn cho đến nay là gì?

Bất kể được hỏi về thành công hay thất bại, bạn đều không được né tránh việc trả lời. Ai cũng đều từng mắc sai lầm (nhất là khi công việc kế toán tiềm ẩn nhiều “sai số”) và ai cũng có quyền tự hào về thành tựu của mình, dù lớn hay nhỏ. Mục đích của câu hỏi không phải để coi thường bạn, mà là để tìm hiểu những gì bạn đã học được, cách bạn phản ứng và cách bạn rút kinh nghiệm từ đó.

Tương tự, cách bạn chia sẻ về thành công của mình với người phỏng vấn cũng thể hiện rất nhiều điều. Đây là cơ hội để bạn chứng minh mình có thái độ phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Thái độ khi làm lãnh đạo

Ngay cả khi bạn đang phỏng vấn cho một vị trí kế toán ở cấp độ nhân viên, có khả năng công ty tuyển dụng vẫn sẽ quan tâm đến khả năng phát triển của bạn với tư cách là một nhà quản lý trong tương lai. Các câu hỏi phổ biến về thái độ khi ở vai trò lãnh đạo của ứng viên như sau:

  • Bạn muốn trở thành một người lãnh đạo như thế nào? Theo bạn, yếu tố quan trọng nhất ở một người lãnh đạo là gì?
  • Bạn đã từng hướng dẫn hoặc cố vấn cho nhân viên cấp dưới/ nhân viên mới vào làm chưa?
  • Hãy miêu tả cách bạn quản lý một dự án nhóm.

Khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn về thái độ khi ở vị trí lãnh đạo, hãy nhớ rằng người phỏng vấn đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy sự chủ động, kỹ năng giao tiếp, tầm nhìn, khả năng ra quyết định và thúc đẩy người khác. Thế nên bạn cần nhấn mạnh những điều này để tạo được ấn tượng tích cực.

Hà Phương

Bệnh viện Hạnh Phúc