Trở lại sau 6 năm “vắng bóng” bằng “Giấc mơ mang tên mình”, nữ ca sỹ họ Phạm chia sẻ: “Sẽ là cách làm mới với phong cách lạ và phủi một chút, nhưng cơ bản vẫn sẽ là một Khánh Linh trong trẻo, nhẹ nhàng thôi”.

Ca sỹ Khánh Linh

– Điều gì khiến chị vắng bóng tới 6 năm để cho ra một sản phẩm mới, một khoảng thời gian đủ dài mà người nghệ sỹ có thể bị lãng quên?

– Đúng là một khoảng thời gian dài, tôi cũng không nghĩ rằng thời gian trôi nhanh đến thế. Nhưng đúng ra, sự vắng bóng của Linh chỉ trên thị trường băng đĩa thôi, chứ những hoạt động khác trong công việc Linh vẫn làm đều đặn. Như bạn biết thì thực tế thị trường băng đĩa lậu tràn lan như hiện nay, cộng với việc có thể tải miễn phí trên mạng những sản phẩm âm nhạc dễ dàng, vô hình trung, nó cũng làm mất đi cảm xúc của người nghệ sỹ.

Thêm nữa là mỗi lần mình xuất hiện cũng phải đem đến những điều mới, để khán giả khỏi chán mình đúng không? Tôi băn khoăn về điều đó và nghĩ rằng mình phải chững lại để từng bước lựa chọn phong cách phù hợp với mình, là mình.

– Vậy, sản phẩm “Giấc mơ mang tên mình” sẽ đem đến những hương vị khác như thế nào?

– Cũng thật khó để nhận xét về mình, nhưng có lẽ tôi luôn theo đuổi cái cá tính nhưng vẫn toát lên sự nhẹ nhàng, trong trẻo. Tôi muốn đem đến cho khán giả của mình luồng không khí tươi mát, đậm chất trữ tình. Sẽ vẫn là Khánh Linh của “Họa mi hót trong mưa” nhưng phủi bụi một chút, như một cách làm mới mình.

Với “Giấc mơ mang tên mình” khán giả có thể thấy một cái gì đó “lạ và phủi” mang âm hưởng acoustic Jazz – Pop. Album này tôi đã ấp ủ khá lâu rồi, nó vừa là cách tôi thể hiện ước mơ, cũng là những trải nghiệm của Khánh Linh về chuyện đời, chuyện nghề.

– Những trải nghiệm với một chút “bụi bặm”, phải chăng là đã có những đổi khác trong Linh?

– Khác mà không khác, chỉ là một Khánh Linh đằm hơn, riêng hơn nhưng cơ bản là vẫn trong trẻo.

– Đúng là trước đây, âm nhạc của Linh luôn đem đến những thanh âm nhẹ nhàng, nhưng ở độ tuổi này mà vẫn theo đuổi cái thanh âm đó, liệu có khó khăn quá không?

– Phong cách đâu nằm ở độ tuổi đâu. Mình có già đi thì tính nết cũng đâu nhất thiết phải già theo, chỉ có thể là “đằm” hơn thôi nhỉ? Linh cũng không biết nữa, chỉ thấy mình vẫn trẻ trung, khí thế và vẫn muốn làm những điều mình thích. Như sản phẩm sắp ra tới đây của Linh, mọi người có thể thấy tràn đầy sự mơ mộng chứa đựng trong nó. Con người, có lẽ luôn biết mơ mộng thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều.

– Lâu lắm mới cho ra một sản phẩm mới, trong khi thị trường âm nhạc đang bão hòa, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt là sự bùng nổ của những gương mặt trẻ. Linh có sợ mình bị lép vế?

– Ai cũng có khán giả cho riêng mình mà. Chất lượng cũng đâu có nằm ở số lượng. Linh nghĩ rằng, để cho ra một sản phẩm âm nhạc không phải dễ, nếu mình không có cái mới thì chi bằng không nên xuất hiện.

– Vậy, những sản phẩm của Linh có định hướng tới một đối tượng khán giả cụ thể?

– Thực ra đối với âm nhạc, khán giả sẽ chờ mong vào những sản phẩm thuộc về người nghệ sỹ đấy, chứ không phải nghệ sỹ phụ thuộc vào khán giả. Bản thân Linh cũng không phải là ca sỹ thị trường, nên việc định hướng đó cũng không cần thiết. Hơn nữa, nó còn phụ thuộc vào “gu” của người nghe. Mình không thể định hướng mang tính quy hoạch khán giả. Bản thân Linh, với mỗi một album sẽ là một thông điệp dành cho người hâm mộ của mình.

– Là một nghệ sỹ đã tạo được thương hiệu trong nền âm nhạc Việt Nam. Linh có nhận xét gì về lứa ca sỹ trẻ hiện nay?

– Linh không muốn có nhận xét nào cả. Bởi với các đồng nghiệp trẻ của mình, Linh nghĩ họ đang có những bước đi bắt đầu sự nghiệp. Linh chỉ muốn họ đã chọn thì hãy luôn cố gắng vì con đường nghệ thuật vốn đã khắc nghiệt. Linh tin rằng, với những cá nhân có nỗ lực và phấn đấu thật sự thì họ sẽ có chỗ đứng. Với một lực lượng hùng hậu như hiện nay, nếu số đông hoạt động nghiên túc để có thể tạo được diện mạo mới cho nền âm nhạc nước nhà thì đó là một điều đáng mừng.

– Nhưng một điều phải nhìn nhận rõ ràng rằng, thế hệ đi trước như Linh làm ra một sản phẩm tương đối vất vả. Nhưng hiện nay, khi công nghệ phát triển việc tạo ra một album rất dễ dàng, thậm chí kỹ nghệ tốt có thể khỏa lấp được hết những yếu điểm trong giọng hát. Điều đó kéo theo sự xuất hiện nhan nhản những mác “ca sỹ”?

– Thực ra đó là do những các nhân còn non kém về thanh nhạc mới phải dựa vào máy móc như thế. Không có gì đáng bàn vì nó phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ số. Tai nghe của khán giả mình cũng không biết đánh giá thế nào là đúng, là sai, thế nào là cao, là thấp. Có những đối tượng mình không nghĩ rằng họ nghe thể loại nhạc như thế này nhưng họ lại nghe. Mà thực tế thì có nghe thì mới phát hành được. Nhưng kỹ nghệ thì cũng lộ rõ ra thôi, khán giả bây giờ “gu” âm nhạc cao mà. Sẽ có sự đào thải nếu thực sự sản phẩm nặng về kỹ nghệ.

– Thường thì sau mỗi sản phẩm, thông điệp mà Linh muốn gửi đến là gì?

– Thông điệp duy nhất chỉ là âm nhạc thôi. Âm nhạc không phải là văn học mà muốn gửi gắm thông điệp hay mục tiêu gì hết. Nó đơn giản là những giai điệu, những ca từ được vang lên.

Xin cảm ơn Khánh Linh về cuộc trò chuyện này!

Theo Huyền Anh Báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc