Nghệ sĩ Bình Tinh nói những gì cô làm được là muốn báo hiếu mẹ, sau biến cố của gia đình, hôm nay bà đã có thể nhìn thấy con gái tự tin đi tới.
Không ngã khuỵu trước bao biến cố
Lớn lên trong gia tộc Huỳnh Long, cũng giống như các con em nghệ sĩ của đoàn hát đã gắn bó với sàn diễn hơn 6 thập kỷ này, từ nhỏ Bình Tinh được dạy vũ đạo, võ thuật, học cách các cô chú nghệ sĩ ca diễn ngay tại sân đình. Bốn tuổi đã lên sân khấu đóng những vai trẻ con, 6 tuổi gia nhập đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long, trở thành thần đồng diễn xuất qua hàng loạt vở diễn của đoàn hát nhí này: “Cóc kiện trời”, “Cầu vồng đàn thỏ”, “Củ cải khổng lồ”, “Long, Lân, Quy, Phụng”… và những vai đào con trong nhiều vở nổi tiếng diễn cùng các nghệ sĩ tài danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Vũ Linh, Tài Linh…
Thừa hưởng trái tim yêu nghề và sự thông minh, nhạy bén, vai diễn nào của thế hệ nghệ sĩ tiền bối cũng được Bình Tinh thu vào trong trí nhớ, để đến khi có cơ hội, cô mang ra áp dụng một cách có chọn lọc, sáng tạo cho mình. May mắn là thế nhưng chính cay đắng của cuộc đời, sự cùng cực với nghề mới là chất xúc tác thần kỳ giúp cô tỏa sáng. Được xem là đồng môn với các nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Tâm Tâm, Thy Trang, Chinh Nhân… nhưng Bình Tinh lại kém may mắn. Khi mọi người chuẩn bị thi giải HCV Trần Hữu Trang, cô lại phải đi hát chầu, hát cúng đình để kiếm tiền thanh toán nợ nần do mẹ – nghệ sĩ Bạch Mai – lập gánh hát bị thua lỗ gây ra. Đến khi có thể rảnh tay tham dự cuộc thi thì cha – nghệ sĩ Đức Lợi – lâm trọng bệnh rồi qua đời.
Chưa hết, sau nỗi đau mất cha, người anh trai duy nhất của Bình Tinh – nghệ sĩ Chinh Nhân – mắc bệnh ung thư phổi cũng qua đời. Nuốt tất cả nỗi đau vào lòng, Bình Tinh miệt mài đi hát để kiếm tiền, sô nào cũng nhận, từ hát đình, hát miễu cho đến hát những đám tang…, miễn có tiền để lo cho gia đình. “Nhìn lại quá khứ tuổi thơ, tôi nhớ như in những giọt nước mắt của mẹ mỗi khi tan suất diễn, tiền bán vé không đủ trả lương cho nghệ sĩ, mẹ và ba đi vay, rồi lãi suất tăng dần, chỉ vì giữ thương hiệu Huỳnh Long được sáng đèn để tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. 2/3 nghệ sĩ đoạt HCV Trần Hữu Trang đều đã có thời gian cộng tác, học nghề tại đoàn Huỳnh Long, được ba mẹ tôi và các bậc tiền bối truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm. Nhưng rồi chỉ vì chữ nghèo, lại bị cái nghiệp làm bầu, đã làm gia đình tôi sụp đổ tất cả. Ba mẹ ly hôn, anh trai phiêu bạt mưu sinh, lập gánh hát lô-tô, rồi cũng chung số phận với mẹ, chạy trốn con nợ. Đời tôi bị ám ảnh bởi từ nợ nhưng không vì thế mà chối bỏ nghề. Những lúc tủi thân nhất, tôi thấy Tổ nghề sân khấu lại cho mình ý chí mạnh mẽ nhất” – nghệ sĩ Bình Tinh tâm sự.
Bình Tinh cho biết những lần phải đối mặt với chủ nợ, cô van xin sự khoan dung của họ để gia đình mình có thể trả tiền vốn, được khất lại tiền lãi vì đã trả lãi vượt qua số vốn vay. “Có người cảm thông, có người dùng những lời miệt thị. Nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua, đi hát, dù cơ cực đến đâu cũng không than, chỉ để báo hiếu cho mẹ” – Bình Tinh bộc bạch.
Từ những bài học đạo đức của thầy Bạch Long, nghệ sĩ Bình Tinh đã tiếp thu và phấn đấu không ngừng, xem đó là kim chỉ nam để đi tới: “Không thành danh cũng thành nhân; không được sống trái đạo lý, phải hết lòng phụng sự nghiệp Tổ”. Đến hôm nay, so với các bạn đồng môn, Bình Tinh đã thật sự tỏa sáng.
Làm rạng danh gia tộc
Không vay nợ để lập đoàn như cha mẹ, Bình Tinh dựa vào nội lực của bản thân và sự giúp sức của đồng nghiệp, mỗi người một tay theo phương thức cùng đầu tư để sàn diễn sáng đèn. Trong năm qua, cô đã cùng nhiều diễn viên trẻ gầy dựng lại thương hiệu Huỳnh Long, biểu diễn khắp nơi với những tác phẩm được xem là đỉnh cao của gia tộc như: “Xử án Phi Giao”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Xuân về trên đỉnh Mã Phi”, “Tấm Cám”… Nhờ vậy, cô đã có được cơ hội cọ xát sàn diễn, thể hiện các vai tuồng nổi tiếng của mẹ và các nữ nghệ sĩ tài danh khác.
“Bình Tinh đã làm rạng danh gia tộc trong một nỗ lực đáng khen. Trong khi sàn diễn sân khấu hẩm hiu, cải lương gần như không sáng đèn thì nhóm xã hội hóa Huỳnh Long vẫn bền bỉ với nghề, dù diễn ở sân đình hay trên bãi đất trống ở nông thôn. Nơi nào còn yêu mến cải lương tuồng cổ, với trình thức vũ đạo kết hợp biểu diễn nội tâm, thì ở đó có bảng hiệu Huỳnh Long do Bình Tinh thay cha mẹ lèo lái” – NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Không chỉ dừng lại ở việc lập gánh để mình được hát vai chánh, Bình Tinh san sẻ kinh nghiệm, tiếp tục đốt cháy đam mê để các bạn trẻ có thể đảm đương vai diễn nhân vật trung tâm. “Những nữ diễn viên là thế hệ thứ ba của đồng ấu Bạch Long bắt đầu lớn lên như: Khánh My, Ái Vy, Bạch Vân Khanh, Thúy My… đã được Bình Tinh tiếp bước cha mẹ truyền nghề cho đàn em. Đó là nghĩa cử rất quý ” – NSƯT Kim Tử Long, cha nuôi của Bình Tinh, nói.
Bước thăng tiến mới trong nghề
“Qua chương trình “Sao nối ngôi”, Bình Tinh được mọi người yêu quý, trước hết là vì sự tiếp nối cha mẹ giữ nghề, sau đó là lòng hiếu thảo” – NSƯT Kim Tử Long nhận xét.
Năm 2016, Bình Tinh đã sang Phần Lan, Pháp, Bồ Đào Nha cùng với NSƯT Hữu Quốc, ca sĩ Quốc Đại, Nhật Minh (chồng của Bình Tinh) biểu diễn phục vụ khán giả kiều bào. Quán quân “Sao nối ngôi” đã thật sự chinh phục khán giả xa xứ. Chuyến lưu diễn sang Úc cùng với cha nuôi Kim Tử Long cũng mang lại nhiều lời khen. Những vai diễn được thể hiện bên cạnh cha nuôi trong các vở: “Phụng Nghi Đình”, “Bến phà kỷ niệm”, “Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ”, “Bão táp Nguyên Phong”… của Bình Tinh đã thật sự mang lại tín hiệu mới cho bước thăng tiến trong nghề của cô, hứa hẹn sẽ có nhiều đợt lưu diễn trong năm 2017 tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật….
Một live show đánh dấu chặng đường 25 năm theo nghề sẽ được Bình Tinh tổ chức trong năm 2017 nhằm vinh danh thương hiệu của gia tộc. “Tôi muốn báo hiếu mẹ, sau những biến cố của gia đình, hôm nay bà đã có thể nhìn thấy con gái tự tin đi tới ” – nghệ sĩ Bình Tinh phấn khởi.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động