Tâm sự của những người cha, người mẹ có con là người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) đã khiến nhiều người rơi nước mắt trong buổi công bố bản tóm tắt báo cáo “Không một ai bị bỏ lại phía sau: Thúc đẩy việc đưa người LGBTI vào phát triển xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương” ngày 14-10 tại Hà Nội.
“Biết con yêu người đồng giới là điều khủng khiếp nhất”
Bà Mộng, một người phụ nữ đến từ TP HCM, kể trước đây bà sống yên ổn, vui vẻ và tự hào vì mình có một cậu con trai đẹp đẽ, khỏe mạnh. Nhưng rồi nghe hàng xóm láng giềng xì xào to nhỏ, và khi biết rằng con mình yêu người cùng giới, bà thấy trời đất như sụp đổ. Sau đó, bà đã dùng đủ các biện pháp, từ nhỏ to tâm sự đến chửi mắng, kể cả sỉ nhục, chiến tranh lạnh… với con. Từ một đứa trẻ mới lớn vui vẻ, con bà trở nên cô độc, tránh tiếp xúc với mẹ, không giao tiếp với bà con họ hàng và phản kháng rất mạnh mẽ khi bị cha tuyên bố sẽ từ mặt nếu không thay đổi. “Con tôi đã trầm cảm nặng và có ý định tự tử” – bà Mộng vừa khóc vừa kể. Lúc đó, bà rất hoảng sợ và nghĩ nếu mình mất con thì sao? Đứa con mà mình đã nâng niu, chiều chuộng, yêu thương từ khi sinh ra, mà chỉ vì những định kiến, dị nghị của mọi người mà mình đẩy con mình đến ngõ cụt không lối thoát?
Lúc đó, bà nghĩ mình phải hiểu được con mình thì mới bảo vệ được con, mình là mẹ, nếu mình không bảo vệ con thì ai sẽ bảo vệ đây? Từ suy nghĩ đó, bà lục lọi báo chí, lên Internet, nghe tư vấn của bạn bè, người thân… tìm đủ mọi cách để cứu con. Nhiều định kiến nặng nề của xã hội đã “gợi ý” những giải pháp mạnh như cách ly con ra khỏi cuộc sống cũ, bạn bè cũ, đưa con ra nước ngoài, đẩy vào bộ đội hay về quê cưới vợ mới có thể giúp con ra khỏi vũng lầy. Những điều đó bà không thể chấp nhận được vì thấy quá tàn nhẫn và phi lý với con, nhưng lúc đó vẫn chưa tìm được lối thoát nào.
Vào tháng 10-2011, bà lấy hết can đảm đăng ký tham gia diễn đàn về người đồng tính và hội thảo giúp con sống thật. Đến trước nơi diễn ra hội thảo, bà Mộng lần lữa không dám vào vì sợ hãi xấu hổ khi mọi người biết mình là mẹ của một người con đồng tính. Nhưng rồi nghĩ đến vẻ mặt đau khổ và cuộc sống khổ sở của con mình, bà đã dũng cảm bước vào. Ngày hôm sau, bà đưa cho con tờ báo đăng về hội thảo và nói “Hôm qua mẹ đã đến đây”. Con bà đọc báo và mỉm cười, nụ cười đầu tiên sau bao tháng năm mẹ con bị ức chế.
Bà Vy kể bà cũng đã đăng ký hội thảo đó nhưng không dám đến vì nỗi sợ hãi lúc đó rất lớn. “Biết con yêu người đồng giới là điều khủng khiếp nhất mà tôi và những người làm cha mẹ khác nhận thấy ở bản thân mình đầu tiên. Nhưng sau đó, với trách nhiệm làm cha mẹ, chúng tôi không để con phải loay hoay một mình với vấn đề của con” – bà Vy kể.
Bà cũng thú thực rằng lúc đầu, khi đi tìm kiếm những thông tin về cộng đồng LGBTI mà con mình thuộc về, bà vẫn chưa xác định sẽ đồng hành cùng con, mà là bà đang tìm kiếm cách nào để mình vượt qua nỗi sợ của chính mình. Nhưng khi đối diện với con, bà phát hiện con mình có một nỗi lo sợ khác lớn hơn của bà nữa. Đó là việc con bà đang bối rối trước xu hướng tính dục khác biệt của mình, điều đó làm con rất lo sợ. Thậm chí khi phát hiện bà trò chuyện với những người mẹ cùng cảnh, con bà đã đập chiếc lap top trước mặt cha mẹ. Lúc đó, bà nhận ra con mình đang đối diện với một nỗi lo sợ lớn hơn, đó là con không chấp nhận con người thật của mình, không chấp nhận bản thân mình, cố gắng đóng cuộc sống của mình lại, lầm lũi sống bên cạnh những người khác vì sự khác biệt của mình. Không đành lòng nhìn con sống theo cách đó, tự chối bỏ bản thân mình, đóng bản thân mình lại khi còn chưa bước chân vào cuộc đời.
Từ những nỗi lo sợ đó, những người như bà Mộng, bà Vy… đã liên kết với nhau, cùng tham gia các hoạt động để hiểu con và đồng hành cùng con, là điểm tựa cho con mình. Những người mẹ, người cha đó đã gặp nhau trong tổ chức PFLAG Việt Nam dành cho những phụ huynh có con em là người LGBTI. Ở đây, các bậc làm cha, làm mẹ đã học cách hiểu, đồng cảm, thương yêu và nâng đỡ con mình để cùng vui sống và tiếp tục làm việc tốt.
Bằng việc mở rộng hoạt động của PFLAG đến các địa phương trong hành trình “Hiểu về con”, các thành viên đã giúp tư vấn tâm lý cho những bậc cha mẹ đồng cảnh, giúp các bậc phụ huynh và con cái hiểu nhau và tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm” trong việc chấp nhận con mình, chấp nhận bản thân mình là người LGBTI. Trong những bậc cha mẹ đó, có người là công chức Nhà nước, đã gặp nhiều khó khăn trong công việc khi công khai tên tuổi mình trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều người đã đầu hai thứ tóc vẫn lặn lội 50 – 60 cây số tham gia các hoạt động, có mẹ phải chống lại sự phản đối quyết liệt của chồng mình, có những mẹ ở nông thôn, điều kiện rất khó khăn và tuổi lại cao… vẫn mày mò học cách sử dụng facebook, liên kết với nhau qua Internet để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, trở thành điểm tựa cho các con. Đến nay, PFLAG Việt Nam đã có chi hội ở 47 tỉnh thành trên cả nước.
Ông Hải kể năm 2014, khi tổ chức hội thảo tại Huế, ông rất ấn tượng với bà Mai, một người mẹ 65 tuổi đã đi từ Quảng Bình vào Huế để tham gia. Cuối buổi, bà Mai đứng lên ôm con mình và nói: “Giờ mẹ đã hiểu con”. Hai mẹ con bà Mai ôm nhau khóc, khiến tất cả mọi người trong hội trường cũng khóc và ôm nhau.
Đòi quyền bình đẳng cho con mình
Ngoài chia sẻ yêu thương, các bậc cha mẹ trong PFLAG còn tham gia tiến trình vận động luật để đảm bảo quyền bình đẳng cho các con của mình. Trong kế hoạch hoạt động của mình, các bậc cha mẹ trong PFLAG Việt Nam đã đặt ra viễn cảnh tới năm 2020, Quốc hội sẽ chính thức thừa nhận quyền kết hôn của những người đồng giới.
Bà Châu kể tại buổi tham vấn ý kiến cộng đồng năm 2013 trước khi Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi nghe các ý kiến của các bậc cha mẹ người LGBTI mong muốn pháp luật công nhận kết hôn đồng giới, một đại biểu nữ đã cho rằng: “Luật dự kiến sửa theo hướng “không thừa nhận” kết hôn đồng giới chứ không cấm nữa, đây đã là một bước tiến rất lớn, nếu con quý vị yêu thương nhau thì cứ sống với nhau, luật pháp không ngăn cản nữa, tại sao quý vị cứ đòi phải được công nhận kết hôn đồng giới, điều đó không cần thiết”. Lúc này, bà Châu đã rất bức xúc và đứng lên phát biểu rằng mình không đòi đặc quyền đặc lợi gì cho các con mà chỉ đòi đảm bảo quyền bình đẳng như các công dân khác. “Tại sao khi con các quý vị yêu thương nhau thì được phép lựa chọn kết hôn hay không, còn khi con chúng tôi yêu thương nhau thì chỉ được sống với nhau mà không đăng ký kết hôn, kéo theo đó là các hệ lụy về con cái, tài sản, những lúc đi khám chữa bệnh… Đó là những gì con chúng tôi được quyền hưởng” – bà Châu kể.
“Khi tôi nói ra được những điều đó, tôi thấy rất vui vì mình đã dũng cảm nói lên những điều mà những đứa con trong cộng đồng LGBTI luôn luôn mong muốn, được sống bình đẳng với những người bình thường khác” – bà Châu xúc động nói.
Những con người LGBT có thể là con ta, là cháu ta, là bạn bè, đồng nghiệp, là bà con lối xóm. LGBT không phải là bệnh, cũng không phải biến thái. Đó là một điều hết sức tự nhiên của tạo hoá, sinh ra đời vốn dĩ là đã hình thành như vậy rồi. Không cách gì thay đổi được. Chỉ còn một cách duy nhất là hãy cố gắng hiểu, đồng cảm, thương yêu và nâng đỡ để cùng dìu dắt nhau vui sống, làm việc tốt cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Mẹ Thuỷ, PFLAG Việt Nam