Viết ngắn hay dài, viết sâu sắc hay đơn giản, chụp một tấm ảnh cũng rất dễ dàng, chọn rồi bấm share. Ngay lập tức, hầu như ở mọi nơi, ai cũng có thể đọc được và chia sẻ ngay được với mình, đơn giản nhất là bằng nút like, hay các biểu tượng vui mừng, buồn giận, ngạc nhiên… Thấy cần thiết thì comment ngay dưới cái “tút” ấy, hoặc lại “biên một cái tút” khác trên trang cá nhân của mình mà phản biện, trao đổi, trách móc, mắng mỏ, giãi bày…
Bằng cách này, mạng xã hội đã tạo nên nhiều sự kiện, tạo nên nhiều thay đổi, chẳng cần phải đưa ra những ví dụ, chúng ta cũng dễ dàng công nhận.
Mạng xã hội là một phát kiến của tiến bộ xã hội, mang tính nhân văn, kết nối con người, đã ngay lập tức phát triển với một mức độ phổ cập nhanh đến khó hình dung trên quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, giờ đã có gần 50 triệu tài khoản facebook và các tài khoản mạng xã hội khác. Dân số của ta hiện nay đã vào khoảng 94 triệu tất cả, trừ đi số trẻ em 0-10 tuổi và số người già cao tuổi, chưa và hết khả năng theo kịp công nghệ, thì số tài khoản trên tương ứng cỡ 2/3 dân số đang ý thức rất đầy đủ về năng lực và hành vi của mình. Có cộng đồng nào hiện nay nhiều thành viên hơn cộng đồng mạng xã hội không nhỉ?
Mới đây, nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có chia sẻ qua bài phỏng vấn trên một tờ báo chính thống với cái title: “Mạng xã hội đang tha hóa hành vi sống của chúng ta”. Bài phỏng vấn đã làm xôn xao cộng đồng mạng. Những ý kiến phản đối anh, mới chỉ qua hai chữ “tha hóa” đặt ở title, đã cho rằng anh “dị ứng” với mạng xã hội, rằng với tư cách một người có trách nhiệm quản lý Nhà nước, anh muốn “dọn đường” cho một chính sách nào đó để xiết lại mạng xã hội, rằng anh cố công bảo vệ truyền thông chính thống và báo chí. Cũng không ít người đã bình tĩnh, đọc kỹ bài phỏng vấn, nhận thấy những phân tích và sự hiểu biết của anh, nhận thấy thiện ý và cả cảnh báo của anh.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia rất thích thú với công nghệ và kết nối trên mạng xã hội. Trang facebook cá nhân của ông Hun Sen có 3,2 triệu likes. Mới đây, ông còn tuyên bố, sẽ không bổ nhiệm quan chức dưới quyền nếu họ không dùng mạng xã hội, vì theo ông là: “Như vậy thì các anh chả tiếp xúc gì được với xã hội cả”. |
Cái hay là, ngay sau đó, Nguyễn Thanh Lâm đã tiếp nhận những ý kiến phản hồi trên mạng xã hội và cũng đã đối thoại một cách đàng hoàng qua mạng xã hội, bằng ngôn ngữ mạng xã hội, dân dã, hòa đồng… Theo hiểu biết của tôi, có lẽ đây chính là một trong những quan chức đầu tiên có đối thoại kiểu này. Nó sẽ mở đường cho nhiều quan chức khác ở cấp như vậy, hay cả cấp cao hơn nữa, tiếp cận với xã hội, tiếp nhận những phản hồi của xã hội, giải thích với xã hội về các chính sách, điều chỉnh cách thức quản lý xã hội. Thông qua mạng xã hội theo cách này, đồng thuận sẽ được kiến tạo, được vun đắp.
Một nhận định cá nhân, dù có hiểu biết và kinh nghiệm, thông qua một bài phỏng vấn trên báo chí, làm sao có thể thấu đáo ngay được mọi khía cạnh. Thông qua đối thoại và trao đổi một cách dân chủ như trên mạng xã hội, với thiện ý và thiện chí, sẽ càng ngày càng thấu đáo hơn.
Các ý kiến phản hồi, chỉ do một cá nhân kiểm soát, gần như ngay lập tức, đầy cảm tính, cũng chắc chắn nhiều bất cập, quá đà, quá khích, thiên kiến… cũng là nhẽ bình thường. Thông qua đối thoại kiểu này, những hạn chế trên sẽ dần dần giảm thiểu.
Đối thoại trên mạng xã hội, nhanh, ngay và luôn, miễn phí, khác hẳn với trên báo chí, dù là trên tờ báo điện tử nhanh nhạy và cập nhật nhất, cũng khó mà đạt tới.
Mạng xã hội là một phát kiến mới, tất nhiên nó còn ẩn họa đầy rẫy những hạn chế. Thậm chí có những kẻ nấp sau nó, không đàng hoàng… Nhưng con người ta sẽ văn minh dần lên, ý thức dần đầy đủ hơn, để nó bớt đi những mặt tiêu cực, nhiều lên những tích cực.
Báo chí chính thống, truyền thông chính thống đã có bề dầy, có nguồn lực, được quản lý, được chỉ đạo chặt chẽ, làm được bao nhiêu việc lớn, thế mà cũng nhiều lúc bộc lộ sự non nớt, nóng vội, phản cảm, thậm chí tiêu cực, gây hệ lụy xấu với xã hội, để giảm đi rất nhiều lòng tin… Ngay cơm ăn, nước uống quen thuộc với con người, nếu không biết cách sử dụng và đúng liều lượng thì cũng có thể gây hại.
Mạng xã hội cũng vậy thôi. Việc cảnh báo những nguy cơ, tiêu cực, bị lợi dụng là cần thiết. Việc đề ra những định chế cập nhật để quản lý, hạn chế tiêu cực, càng cần thiết. Việc giáo dục, chỉ dẫn hay tự giáo dục của người sử dụng mạng xã hội càng cần thiết hơn. Có làm tốt được tất cả các khía cạnh ấy thì một phát kiến lớn như mạng xã hội mới đóng góp vào tiến bộ xã hội.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới sử dụng hiệu quả mạng xã hội và Internet:
Ở Nga, một trong những sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm là cuộc “Đối thoại trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin” qua kênh truyền hình, phát thanh và mạng Internet. Tổng thống Obama là người đầu tiên sử dụng phương tiện Internet trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Tổng thống Donal Trump nổi tiếng trên mạng xã hội với 4,3 triệu người theo dõi qua Twitter tính đến tháng 10-2015. Ông thường xuyên dùng Twitter để nêu ý kiến cá nhân và tranh luận với những người nổi tiếng khác. |
Nguyễn Phú La
Nguồn: Petrotimes.vn