Mặc dù không thể phủ nhận được tầm quan trọng của “chuyện ấy” trong mối quan hệ vợ chồng, nhiều người vẫn băn khoăn với câu hỏi “liệu có thể quan hệ tình dục an toàn khi mắc bệnh về tim mạch?”.
Làm “chuyện ấy” ảnh hưởng đến tim như thế nào?
Khi làm “chuyện ấy”, cơ thể nam giới và phụ nữ bị kích thích dẫn đến nhịp tim và huyết áp tăng nhẹ như nhau. Ở người trẻ và khỏe mạnh, năng lượng tiêu hao trong quá trình đó giống như việc phải leo lên một tầng gác. Với những người lớn tuổi hơn và người mắc bệnh tim mạch, họ sẽ phải tiêu tốn lượng calo lớn hơn. Tuy nhiên, ở bất kỳ độ tuổi nào, nhịp tim và huyết áp tăng lên cao nhất chỉ xảy ra trong khoảng 10-15 giây khi “lên đỉnh”, rồi sau đó sẽ nhanh chóng trở lại bình thường
Nguy cơ bị đột quỵ trong khi quan hệ là bao nhiêu?
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ chưa đến 1% trong số các ca đau tim xảy ra trong khi đang làm “chuyện ấy”. Ở nam giới, nguy cơ này còn thấp hơn đối với những người đã từng bị đau tim và những bệnh nhân không mắc các bệnh mạch vành. Lối sống thiếu vận động cũng làm gia tăng nguy cơ này và ở mức độ lớn hơn ở phụ nữ hơn là nam giới. Tin tốt lành là quan hệ tình dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ này, cũng tương tự như lợi ích từ việc tập thể dục hàng ngày.
Vậy còn nguy cơ bị chết trong khi đang quan hệ thì sao?
Chỉ 0,6 – 1,7% trong số các ca tử vong xảy ra trong quá trình giao hợp, và các yếu tố làm tăng nguy cơ đột tử này đã được xác định rõ ràng. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trong số những người bị chết trong khi đang làm “chuyện ấy”, 82% là nam giới và 75% có tình dục ngoài hôn nhân. Trong hầu hết các trường hợp đều là với bạn tình trẻ tuổi hơn, sau khi ăn quá nhiều hoặc sử dụng thức uống có cồn.
Khi nào thì không an toàn để làm “chuyện ấy”?
Nếu bạn vẫn bị đau thắt ngực, tình trạng suy tim ngày càng xấu đi, rối loạn nhịp tim không kiểm soát được hoặc có triệu chứng rõ ràng về bệnh tim mạch, bạn không nên quan hệ tình dục cho đến khi tình trạng cơ thể được cải thiện và kiểm soát được bệnh lý một cách tối ưu.
Nếu bạn gặp phải những triệu chứng bệnh tim trong khi quan hệ, hãy ngừng ngay lập tức và đến gặp bác sỹ.
Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ bị đột quỵ trong khi quan hệ?
Mặc dù nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong trong khi làm “chuyện ấy” khá là thấp, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách tăng cường khả năng chịu đựng. Việc này sẽ khiến cho vận động thể lực sẽ tạo ít áp lực lên trái tim bạn. Nếu bệnh tim mạch của bạn đã ổn định, cách tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện khả năng chịu đựng là thực hiện một chương trình phục hồi chức năng cho tim thông qua bài tập thể dục thường xuyên do bác sỹ chỉ định. Việc tập thể dục cũng sẽ giúp bạn biết về khả năng chịu đựng của bạn cũng như những hoạt động nào an toàn cho bạn.
5 điều bạn nên biết về mối liên hệ giữa trái tim và hoạt động tình dục:
1. Nếu bạn không biết rõ về khả năng chịu đựng của mình, bạn nên thực hiện một bài kiểm tra thể lực để giúp bạn biết được cơ thể bạn có dấu hiệu hay triệu chứng mắc bệnh tim mạch trong khi quan hệ hay không.
2. Bạn có thể làm “chuyện ấy” trong trường hợp bạn có thể đạp xe đạp hay đi bộ với tốc độ vừa phải mà không bị đau thắt ngực, khó thở, điện tâm đồ thay đổi báo hiệu thiếu ô-xy đến cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc tăng huyết áp.
3. Các bài tập phục hồi chức năng tim và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm các biến chứng tim mạch trong khi làm “chuyện ấy”.
4. Một số loại thuốc nhất định được bác sỹ kê đơn sau khi bạn bị đau tim, bao gồm cả thuốc chẹn bê-ta có thể gây ra rối loạn hoạt động tình dục. Nếu gặp phải trường hợp này, hãy nói chuyện với bác sỹ để đổi lấy loại thuốc khác.
5. Thuốc trị rối loạn cương dương thường tương tác với thuốc nitrat vốn được kê để trị bệnh đau ngực. Do đó không bao giờ được dùng 2 loại thuốc này với nhau.
Theo Nam Ngọc/ Báo Gia Đình Việt Nam