Công nghệ chụp ảnh tự sướng phát triển đang thay đổi định nghĩa của nhiều người về vẻ đẹp của bản thân.
Tập trung, cẩn thận và thao tác liên hồi là cách mà Lan Hương, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chỉnh sửa ảnh của mình trên smartphone trước khi đưa lên mạng xã hội.
Tự thừa nhận mình là một người mê chụp selfie, Hương cho biết bất kỳ ảnh nào của bản thân trước khi đăng đều phải qua chỉnh sửa. Các bước cơ bản bao gồm làm đẹp da, chỉnh sáng, kế đến là thu gọn cằm, kéo dài chân. Tùy vào loại ảnh, góc chụp mà các công đoạn có thể tối giản hoặc thực hiện đầy đủ. Thời gian để chỉnh sửa một bức hình, nếu nhanh chỉ cần khoảng một phút bởi các thông số kỹ thuật cô đã “thuộc nằm lòng”. Tuy nhiên, một số bức ảnh khó sẽ tốn thời gian hơn. Thậm chí, có ảnh cô dùng cả phần mềm Photoshop trên máy tính để hỗ trợ.
Để chứng minh, Hương chia sẻ giao diện chính trên màn hình điện thoại với một nửa là ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram… phần còn lại là một dãy các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, làm đẹp như B612, VSCO, PhotoWonder, Snapseed, Analog Film…
“Từ ngày bạn bè chỉ dẫn, tôi đã dùng quen các phần mềm này được khoảng 2 năm. Trước đây, tôi chỉ biết chỉnh màu, nên chất lượng ảnh không tốt lắm, giờ đã khá hơn nhiều rồi. Giờ tôi không dám đưa ảnh mặt mộc lên, kiểu gì cũng phải làm mịn da hoặc bóp mặt”, cô chia sẻ.
Thu Hằng, một đồng nghiệp khác của Hương, cũng có sở thích tương tự. Tuy nhiên, do có gương mặt khá ưa nhìn nên số lượng ứng dụng chỉnh sửa ảnh của cô ít hơn một chút. “Tôi chủ yếu dùng VSCO để chỉnh màu, ứng dụng Snow để làm ảnh vui nhộn và Beauty Plus để thay đổi số đo các vòng”, Hằng cho biết.
Theo Engadget, có hàng triệu người trên thế giới có thói quen và suy nghĩ tương tự Hương và Hằng, thường xuyên đăng hình ảnh đã qua chỉnh sửa của mình lên mạng xã hội. Ảnh chủ yếu được tạo ra bằng các bộ lọc, đi kèm những ứng dụng mạng xã hội như Instagram, Snapchat… hay qua các ứng dụng hỗ trợ bên ngoài như FaceTune, VSCO… Một số chỉ đơn giản thay đổi màu sắc, tăng sáng nhưng không thiếu các bộ lọc (filter) có thể đưa vào hình ảnh các chi tiết ngộ nghĩnh như tai thỏ, râu mèo… Nhiều ứng dụng cho phép thay đổi màu da, xóa nốt ruồi, kéo cằm, làm to mắt, độn ngực, kéo dài chân…
Tại Mỹ, hiện tượng này thậm chí còn được gọi là “hội chứng Snapchat” (Snapchat dysmorphia), ở các nước khác có thể là “hội chứng Instagram” hay Facebook. Các bác sĩ và nhà nghiên cứu mô tả nó như một dạng của chứng “mặc cảm ngoại hình” (body dysmorphic disorder – BDD).
Tất nhiên, không phải ai sử dụng những bộ lọc chỉnh ảnh selfie đều mắc phải chứng “mặc cảm” nói trên. Nhưng các bằng chứng cho thấy những phần mềm tưởng vô hại như vậy có thể tác động tiêu cực và nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của một con người. Những người “mặc cảm ngoại hình”, thường bị ám ảnh về những gì họ coi là khiếm khuyết hoặc sai sót trên cơ thể, từ đó dễ thử và tìm cách làm sao cho mình trông giống hình ảnh đã qua chỉnh sửa một cách vĩnh viễn. Trong trường hợp cực đoan, nhiều người thậm chí có thể tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ (AAFPRS), 55% các bác sĩ phẫu thuật cho biết nhiều người muốn can thiệp để trông đẹp như ảnh selfie qua các bộ lọc chứ không phải giống một người nổi tiếng nào đó. Con số này tăng 13% so với năm 2016.
“Đây là xu hướng đáng báo động bởi những ảnh tự chụp qua bộ lọc thường thể hiện một hình mẫu không thể đạt được và nó làm mờ ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng”, Neelam A. Vashi, một bác sĩ khoa da liễu thuộc trường đại học Boston (Mỹ), chia sẻ trong một thảo luận.
Selin Pesmes, 18 tuổi – quản lý một kênh làm đẹp trên YouTube, cho biết thích sử dụng các bộ lọc cho ảnh tự sướng của mình bởi vì “Có ai là không muốn mình trông hoàn hảo hơn”. Tuy nhiên, bản thân cô không bao giờ nghĩ tới việc thay đổi ngoại hình của mình một cách vĩnh viễn, để trông giống các bộ lọc trên Snapchat hoặc Instagram.
Vlogger này cho biết mỗi khi đăng một bức ảnh đã chỉnh sửa qua bộ lọc, cô nhận được nhiều lượt “thích” hơn so với những bức hình chưa được chỉnh sửa. Vì lượt “thích” có giá trị vô cùng đặc biệt trong việc phát triển kênh của mình, cô thường xuyên sử dụng bộ lọc vì ảnh sẽ “gây sự chú ý nhiều hơn”.
“Trong xã hội ngày nay, việc tìm kiếm sự tự nhiên nhất của bản thân sẽ không giúp bạn có hàng triệu người theo dõi”, cô nói.
Trước đây, để chỉnh sửa một bức hình cần nhiều công đoạn tốn kém thời gian và đòi hỏi các công cụ phức tạp như Photoshop. Nhưng giờ đây, với các ứng dụng như Snapchat và Instagram, việc biến đổi các bức ảnh selfie đã nằm trong tầm tay của hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày. Chỉ cần mất vài lần vuốt tay và co kéo trên màn hình điện thoại, bức hình của người dùng sẽ trông không khác nhiều so với ảnh bìa trên các trang tạp chí.
Một trong những vấn đề lớn nhất với truyền thông xã hội, theo Karen North, một chuyên gia về truyền thông xã hội và tâm lý học tại Mỹ, là nó đã giúp mọi người dễ dàng so sánh bản thân với bạn bè hoặc những người họ theo dõi. Vì vậy, nếu ai đó sử dụng một bộ lọc để chỉnh ảnh, khiến họ trông giống như một siêu mẫu, những người khác sẽ muốn nhân rộng hiệu ứng đó.
“Truyền thông xã hội là một phần khác của thế giới mà chúng ta cần phải học. Mọi người cần phải nhận thức rằng những hình ảnh họ nhìn thấy trên mạng xã hội không nhất thiết là hình ảnh hợp pháp hoặc chân thực của những người khác trong cuộc sống. Đôi khi những hình ảnh đó đã bị thao túng vì lợi ích của truyền thông xã hội”.
Còn Hương, cô nhân viên văn phòng mê selfie tiết lộ mới đây đã đi sửa mũi. “Thói quen sửa ảnh không ảnh hưởng đến quan điểm cái đẹp của bản thân”, Hương cho biết. “Nhưng quyết định phẫu thuật của tôi có phần nào bị ảnh hưởng bởi thói quen chụp ảnh tự sướng. Vì người hay chụp ảnh sẽ nhìn nhận rõ nét xấu, đẹp trên khuôn mặt mình ra sao để chọn góc vào ảnh đẹp nhất”.
Theo Vnexpress