Mặc dầu thầy thuốc đang có trong tay kỹ thuật chẩn đoán chính xác và phương tiện điều trị hiệu quả hơn xưa rất nhiều, bệnh tim mạch vẫn trước sau đứng đầu về tỷ lệ tử vong. Không lửa khó có khói. Vì sao bệnh tim mạch vẫn tiếp tục làm thầy thuốc lẫn bệnh nhân đau đầu?
Kim Ánh (KA) đã nhờ Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH) “đi tìm ẩn số”.
KA: “Minh thương dễ tránh, ám tiển khó phòng”. Để phát hiện bệnh cao huyết áp có khó lắm không?
BS LLH: Quả thật đáng tiếc vì để chẩn đoán cao huyết áp chỉ cần vài phút với máy đo. Kẹt chính ở chỗ nhiều người vì quá bận, nên thậm chí không có giờ đo huyết áp. Bên cạnh đó, nhiều người tưởng huyết áp chưa bất thường khi khám bệnh theo kiểu xuân thu nhị kỳ, mà không ngờ huyết áp không hề cố định trong ngày mà thay đổi theo nhịp sinh học, nếp sinh hoạt, trọng lượng, tuổi đời của mỗi đối tượng cá biệt. Do đó, không nên chỉ dựa vào một lần đo rồi thờ ơ khi thấy kết quả của đợt khám sức khỏe trong định mức bình thường.
KA: Kết quả thế nào gọi là huyết áp cao?
BS LLH: Nghe về huyết áp ai cũng từng nghe, nhưng số người hiểu cách đo sao cho đúng vẫn là thiểu số. Nhiều người vẫn còn thói quen đo huyết áp ngay sau khi vận động, sau khi ăn no. Tất nhiên không thể chính xác nếu đánh giá huyết áp trong lúc cơ thể đang hay vừa vận động. Gọi là cao huyết áp khi huyết áp nhiều lần vượt quá trị số 140/90 trong lúc nghỉ ngơi. Định mức này thậm chí thấp hơn ở người bệnh tiểu đường (130/80), hay thậm chí thấp hơn nữa (125/85) nếu đã có biến chứng ở thận hay mắt.
KA: Bệnh thường báo động qua dấu hiệu nào?
BS LLH: Phải chi rõ ràng thì đỡ biết mấy. Ít khi cao huyết áp biểu lộ qua triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cáu kỉnh, mất ngủ,… nên cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc dễ bị lừa. Muốn chẩn đoán bệnh, chỉ có thể dựa vào kết quả đo huyết áp một cách định kỳ và so sánh kết quả trước sau. Bên cạnh đó, không dễ xác minh nguyên nhân sâu xa của cao huyết áp, như bệnh thận, bệnh tiểu đường hay rối loạn nội tiết tố. Bên cạnh yếu tố di truyền, có một số điều kiện thuận lợi khiến bệnh bộc phát như xơ vữa động mạch, hút thuốc, béo phì, nghiện rượu, ít vận động, stress, bệnh tuyến giáp,… Huyết áp của đối tượng thuộc các nhóm vừa kể cần được kiểm soát thường hơn.
KA: Một khi đã phát hiện bệnh huyết áp cao, bệnh nhân cần lưu ý điều gì?
BS LLH: Bệnh tim mạch nói chung, cao huyết áp nói riêng, là bệnh cần được theo dõi đúng lúc. Đừng quanh năm gặp mặt thầy thuốc theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Cao huyết áp nếu không được điều trị đến nơi đến chốn là lý do dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tĩnh mạch, viêm cầu thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… Nguy cơ càng nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân đồng thời hút thuốc, bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ trong máu. Chính vì thế cho dù phiền toái thế nào, bệnh nhân cũng cần gõ cửa thầy thuốc, càng sớm càng tốt, khi thấy mình sao lúc này không khỏe, ngủ không yên, mau mệt, phù chân, tiểu ít, dễ quạu quọ.
KA: Không ít bệnh nhân đã dùng thuốc hạ áp thường suy nghĩ theo kiểu bệnh ổn rồi cần tiếp tục uống thuốc làm chi. Quan điểm này đúng sai thế nào?
BS LLH: Một khi đã dùng thuốc hạ áp, phải dùng thuốc mỗi ngày và liên tục theo đúng y lệnh để tránh tình trạng huyết áp tăng bất ngờ. Đừng dùng thuốc theo kiểu chỉ dùng mỗi khi ghi nhận huyết áp đã tăng. Cũng đừng tự ý ngưng thuốc khi thấy huyết áp ổn định, vì đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ vì tai biến mạch máu não, đột tử vì nhồi máu cơ tim.
KA: Nếu điều trị ổn định, bệnh nhân có nên dùng toa cũ năm này qua tháng khác?
BS LLH: Không ai vui gì khi phải gặp thầy thuốc. Tuy vậy, trong bệnh cao huyết áp khó giữ nguyên liều lượng thuốc hạ áp trong suốt liệu trình. Thầy thuốc phải tăng hay giảm thuốc hạ áp tùy theo huyết áp, thể trọng, cơ tạng, bệnh tình của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường, cần được điều trị bằng nhiều loại thuốc hạ áp, thay vì chỉ đeo đuổi một loại thuốc nào đó mà không kiểm soát cả hiệu năng lẫn phản ứng phụ. Dùng thuốc theo toa cũ, tệ hơn nữa, dùng thuốc theo toa của hàng xóm là lý do khiến phòng cấp cứu quanh năm đắt khách.
KA: Chỉ dùng thuốc đặc hiệu để hạ huyết áp có đủ để kiểm soát căn bệnh phòng ngừa biến chứng?
BS LLH: Phác đồ điều trị không thể chỉ đơn phương với thuốc hạ áp mà phải được kết hợp với thuốc lợi tiểu, hạ mỡ máu, chống co thắt, chống đông máu, an thần ,… tùy mỗi trường hợp cá biệt. Nhưng dù dưới dạng nào bất kỳ, phác đồ điều trị gọị là hiệu quả khi tác dụng được xác minh qua tiêu chí thực nghiệm khách quan, từ trị số của huyết áp cho đến xét nghiệm sinh hóa định kỳ, nghĩa là phải theo tiêu chí chẩn đoán và theo dõi của Tây Y. Điều trị cao huyết áp chỉ dựa vào cảm quan là sai lầm nghiêm trọng.
KA: Cảm ơn bác sĩ. Hẹn gặp lại trên trang báo này vào tháng tới.
BS Lương Lễ Hoàng
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn