Sáng ngày 26/3, tại TP.HCM báo Người Tiêu Dùng và Vinastas đã tổ chức hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn”. Hơn 250 khách mời đã tham dự hội thảo và cùng lắng nghe, chia sẻ những những vấn đề “nóng” nhất về an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay. Một số chuyên gia đầu ngành, đại diện cơ quan chức năng quản lý đã đến tham dự và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho người tiêu dùng…
Tham dự Hội thảo có bà Lê Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas); bà Nguyễn Huỳnh Mai, Phó Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM); ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương; bà Đặng Thị Kim Hiên, Tổng Biên tập Báo Người Tiêu Dùng; ông Huỳnh Văn Nam, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Tầm Nhìn; bà Huỳnh Thảo Linh, đại diện Tập đoàn Thành Thành Công – Nhãn hàng Cocoxim thuộc CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex); ông Nguyễn Văn Khuê, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Báo Người Tiêu Dùng… Ngoài ra còn có đại diện các cơ quan truyền thông báo chí, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành hàng tiệu dùng…
Tại hội thảo, bà Lê Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Vinastas cho biết: “Hàng năm, vào tháng 3, thường xuyên tổ chức kỷ niệm ngày tiêu dùng thế giới. Năm nay, có thêm ngày 15/3 ngày quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Có nhiều ý nghĩa hơn. Vai trò của người tiêu dùng được nâng cao”. Cũng theo bà Nhung thì tổ chức Người tiêu dùng thế giới (Consumer International – CI) ra đời từ 1960, hiện nay có 240 thành viên từ 120 nước trên thế giới, lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền của NTD Thế giới – World Consumer Right Day. Chủ đề của năm 2016 là “Vấn đề chống chất kháng sinh – Antibiotic Resistance”. Sở dĩ có chủ đề này vì hiện nay 50% thuốc kháng sinh trên thế giới được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi để tăng năng suất nuôi trồng. Việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, rốt cuộc sẽ vô hiệu hóa các thuốc kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc. Vinastas là một thành viên của CI. Hiện nay, Hội đã có các hội thành viên ở 50 tỉnh thành trên cả nước. Hưởng ứng cùng CI, Vinastas lấy chủ đề hành động của năm nay là “An toàn thực phẩm”. Với 3 chủ đề trên thì rõ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được bảo v. Vinastas đã chỉ đạo cho Báo Người Tiêu Dùng tổ chức 2 hội thảo ở Hà Nội và TP.HCM liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Và ngày hôm nay tại TP.HCM, Báo Người Tiêu Dùng đã tổ chức hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” tại TP.HCM”.
Ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện văn phòng phía Nam Vinastas đưa ra nhiều thông tin hết sức đáng lo: “Việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, rốt cuộc sẽ vô hiệu hóa các thuốc kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc. Hưởng ứng Tổ chức Người tiêu dùng thế giới, Vinastas đã lấy chủ đề hành động của năm nay là ‘An toàn thực phẩm'”.
Trước đó, tháng 5/2011 Vinastas đã tiến hành khảo sát nhanh các chất beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi heo, gà ở TP.HCM. Kết quả cho thấy có đến 10% mẫu thức ăn chăn nuôi có chất Salbutamol bị cấm. Beta-agonist là nhóm thuốc để khai thông đường thở bằng cách làm dãn cơ bao quanh đường thở nhưng tác dụng phụ của chúng là kích động, gây co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu; với động vật, chúng có thể gây quái thai. Bên cạnh đó, các chất Salbutamol, Clenburetol cũng được dùng phổ biến trong chăn nuôi để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc trong vật nuôi. Chúng bị cấm trong thức ăn chăn nuôi vì tàn dư của chất sẽ rất nguy hiểm khi đi vào cơ thể người.
Từ tháng 7/2011 đến tháng 11/2011, Vinastas đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Cescon), trực thuộc Vinastas tiến hành khảo sát tồn dư chất Beta-agonist trong thịt heo tại TP.HCM. Kết quả thử nghiệm cho thấy số mẫu phát hiện có tồn dư Beta-agonist là 10/30 mẫu, chiếm 33%.
Tháng 6/2013, Vinastas tiến hành khảo sát chất làm trắng trong các sản phẩm từ bột gạo, như: bún, bánh phở… đã phát hiện nhiều mẫu sản phẩm có sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal). Hành động này sẽ gây nguy hại cho sức khỏe NTD, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.
Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún, phở… chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.
Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất khác gây hại cho sức khỏe. Những khảo sát này, có thể nói đã đánh động sự quan tâm của toàn xã hội và các cơ quan chức năng.
Về Salbutamol, một chất cấm nguy hại được phát hiện trong thịt heo đang gây hoang mang đến NTD hiện nay, có thể nói rằng nó đã từng được sử dụng trước đó và rất phổ biến. Năm 2015, khi tiến hành kiểm tra 356 mẫu, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã phát hiện đến 47 mẫu dương tính salbutamol, tương đương 13,2%.
Đáng nói, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, kiểm tra 50 mẫu, đã phát hiện 8 mẫu dương tính với salbutamol, tương đương 16%. Thực tế là vậy, nhưng những trường hợp vi phạm về việc sử dụng chất cấm hiện chỉ bị phạt tối đa 7,5 triệu đồng đối với nông hộ và 15 triệu đồng đối với trang trại.
Do vậy, họ chấp nhận đóng phạt mà không công khai nguồn cung cấp salbutamol và không ai dám chắc họ sẽ không tái phạm.
Ông Nguyễn Thành Danh cho rằng: “Cơ quan thực thi thì được phân công chồng chéo không rõ ràng; trình độ hạn chế, ví dụ ngành Công thương hiện nay như đang đi trong đêm tối khi được giao quản lý một mảng của VSATTP dẫn đến hoạt động yếu kém nhất trong việc quản lý VSATTP. Các tổ chức chính trị – xã hội vừa thiếu vừa yếu, không có kinh phí thực hiện dẫn đến hoạt động èo uột, không phát huy được năng lực.
Còn NTD thiếu kiến thức pháp luật, thiếu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, là nạn nhân của nạn lừa đảo, thực phẩm bẩn. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng nhà sản xuất chậm đổi mới, không áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất và chưa chú trọng đến bảo vệ quyền lợi NTD vẫn đang phổ biến”.
“Riêng truyền thông có cả tích cực và tiêu cực. Bên cạnh nhanh nhay nắm bắt thông tin, cảnh báo rộng rãi đến cộng đồng nhưng có những lúc thông tin còn một chiều khiến NTD hoang mang. Ví dụ, cách đây mấy năm rộ thông tin hộp xốp có chứa chất ung thư, khi cơ quan chức năng lấy mẫu test không phát hiện chất gây ung thư nhưng lại không công bố rộng rãi, để báo chí thông tin một chiều khiến dư luận lo ngại. Nói vậy để thấy, để đảm bảo VSATTP, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ Cơ quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng… Không đơn vị nào đứng riêng rẽ mà có thể làm tốt công tác bảo vệ NTD và VSATTP”, ông Nguyễn Thành Danh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thành Danh cho rằng: “Có một thực trạng đáng chú ý hiện nay là thực phẩm chia nhỏ: ví dụ các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến được người bán chia nhỏ ra từng bọc từng bọc, không có nhãn mác nhưng xử phạt không được.
Hàng năm, thế giới liên tiếp xảy ra các dịch bệnh do sử dụng thực phẩm. Năm 2005, phát hiện E.Coli O157 kháng thể 1026 trong phô mai nguồn gốc từ Pháp (69 người nhập viện điều trị trong đó 57 ca là trẻ em). Cũng trong năm 2005, bùng phát Samonella Typhimurium trong nước cam ở Mỹ (152 ca bị nhiễm, trong đó 46 là nữ).
Vừa qua, tại Củ Chi xuất hiện một số nông dân sử dụng nhớt cho rau muống, để rau xanh hơn và mướt hơn. Việc lạm dụng hóa chất, phụ gia không được đưa vào thực phẩm làm thực phẩm mất an toàn. Như những con gà tạo được màu vàng ô cho thịt gà. Do thói quen, thích sử dụng sản phẩm màu vàng óng, người kinh doanh đáp ứng ngay. Chất này vô cùng nguy hại.
Ngày 3/2/2016, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Bính Hạnh tại 209/14 Lê Văn Sỹ, P13, Q.3 phù phép biến trên 2.000 kg thịt heo nái thành thịt bò Từ heo nái sang thịt bò thơm ngon.
Chọn thực phẩm an toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng
Trước thực trạng VSATTP đang nhức nhối, bà Nguyễn Huỳnh Mai cho rằng: “NTD nên tìm những mặt hàng tốt để mua. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm an toàn: Mua thực phẩm an toàn, truy được nguồn gốc. Nếu NTD không biết nguồn gốc thì NTD mất đi quyền tiêu dùng.
Nguyên tắc chung: Mua thực phẩm có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị…). Ưu tiên sản phẩm có bao gói, nhãn mác, các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y (thịt gia súc treotrong các tủ mát, thịt gia cầm trong tủ bảo ôn…), có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn: tỏi xay, sả xay, rau củ đã thái sẵn, ngâm nước, thịt, cá xay nhuyễn… vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the”.
Ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Rau sạch Organic, đại diện cho 12 nhà sản xuất sản phẩm organic phát biểu: “Chúng tôi là những doanh nghiệp sản xuất sạch, nhưng tôi thấy sản phảm của chúng tôi xuất khẩu sang Nhật, sang Mỹ… dễ hơn là tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Bởi sản phẩm sạch, cao hơn cả chuẩn sạch nữa là organic nhưng cả một chuỗi từ phối đến tiêu dùng lại gặp rất nhiều khó khăn, đang bị đánh đồng với sản phẩm kém chất lượng trên thị trường. Tôi đánh giá rất cao Hội thảo do Báo Người Tiêu Dùng và Vinastas tổ chức. Tôi cho rằng, Báo Người Tiêu Dùng phải là tờ báo quan trọng nhất đối với NTD, dẫn đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn để cùng NTD nhận diện những sản phẩm nào sạch, sản phẩm nào không sạch. Từ đó tạo ra danh sách những địa chỉ tin cậy, tìm ra những con người có tâm sản xuất sản phẩm sạch và lan truyền cho bà con được biết”.